Vĩnh Phúc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn trên địa bàn
(Xây dựng) – Thời gian qua, tình trạng cháy nổ xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng trên cả nước nhất là hiện tại, miền Bắc bước vào mùa hanh khô, thời tiết diễn biến bất thường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các cơ quan chức năng cùng chính quyền các địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các phương án phòng cháy chữa cháy nhằm chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản và đời sống người dân.
Lực lượng PCCC và CNCH diễn tập xử lý sự cố cháy nổ tại siêu thị trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên. |
Theo đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa ban hành Văn bản số 7198/UBND-NC1 về chỉ đạo các cơ quan, ban ngành thực hiện tổng rà soát, kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) trên địa bàn toàn tỉnh. Xác định rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác PCCC và CNCH, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước hết về bảo đảm an toàn PCCC và CNCH trong phạm vi lãnh đạo quản lý của Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị và địa phương mình theo phương châm “4 tại chỗ”, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra toàn diện về công tác PCCC thuộc phạm vi quản lý, nhất là việc đảm bảo an toàn PCCC trong sử dụng điện, hóa chất, chất dễ cháy, các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC, thoát nạn ở các cơ sở nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn, các khu nhà cao tầng, hộ gia đình, khu vực có đông dân cư sinh sống, khu công nghiệp, chợ, cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí, karaoke, quán bar, vũ trường…. Thực hiện nghiêm việc tuân thủ các quy định về PCCC trong quy hoạch, xây dựng, cấp giấy phép hoạt động; khắc phục ngay những sơ hở, tồn tại, thiếu sót, vi phạm các quy định về PCCC. Tổ chức rà soát, củng cố và duy trì hoạt động của lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ về PCCC và CNCH cho các lực lượng và nhân dân, người lao động trên địa bàn nhằm chủ động xử lý, thực hiện tốt công tác chữa cháy, CNCH ban đầu khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân các biện pháp, kỹ năng để phòng chống tai nạn đuối nước…
Theo thống kê của Công an tỉnh Vĩnh Phúc, 9 tháng năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 14 vụ cháy làm bị thương 1 người, thiệt hại khoảng 2,61 tỷ đồng, tập trung ở các kho bãi hàng hóa, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Đa phần nguyên nhân xảy ra cháy của các vụ việc đều liên quan đến sự cố của hệ thống điện.
Để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH, Công an tỉnh cùng các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy, nâng cao ý thức của người dân. Trong đó, các ngành, đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh đã chủ trì, phối hợp tổ chức 64 cuộc tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại 156 cơ sở, thu hút 2.881 lượt người tham gia; 59 lớp tập huấn; huấn luyện công tác PCCC cho 149 cơ sở với 2.225 lượt người tham gia; tổ chức 6 lớp tập huấn nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ với 800 lượt người tham gia.
Để chủ động công tác PCCC và CNCH, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, từ nay đến cuối năm, các ngành chức năng và các địa phương tiếp tục triển khai kế hoạch tổng thể về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; chỉ đạo, tổ chức điều tra cơ bản nắm chắc tình hình địa bàn, làm rõ nguyên nhân các vụ cháy, nổ, rút kinh nghiệm toàn diện từ các vụ cháy; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân trong công tác quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH. Trong đó, tập trung tổng kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH cứu hộ đối với các cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Xử phạt nghiêm minh và bắt buộc khắc phục đối với các cơ sở đưa vào sử dụng, hoạt động không đảm bảo công tác PCCC và CNCH…
Đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh, các đơn vị tiếp tục tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ với phương châm “từng nhà an toàn – từng khu phố an toàn – từng xã, phường an toàn”. Tổ chức hướng dẫn cho 100% nhà ở, hộ gia đình, nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh thuộc diện quản lý chưa có lối thoát nạn thứ 2 phải mở lối thoát nạn thứ 2, trang bị bình chữa cháy xách tay, dụng cụ phá dỡ thô sơ, có phương án xử lý tình huống cháy, nổ, thoát nạn an toàn. Nhân rộng mô hình “tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy”. Tổ chức kiểm tra định kỳ một năm một lần về an toàn phòng cháy chữa cháy đối với 100% hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, cơ sở được phân cấp quản lý trong khu dân cư theo quy định. Đồng thời, hướng dẫn người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh thực hiện đầy đủ trách nhiệm và duy trì các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trong công tác quy hoạch khu dân cư, quy hoạch chỉnh trang đô thị, quy hoạch giải tỏa; đặc biệt chú ý điều kiện về giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Nguồn: Báo xây dựng