Vĩnh Phúc: Phát triển các cụm công nghiệp theo quy hoạch

(Xây dựng) – Nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược, sản xuất sạch, bảo vệ môi trường, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp (CCN) theo hướng hiện đại, đồng bộ. Qua đó, hình thành các CCN thế hệ mới.

Vĩnh Phúc: Phát triển các cụm công nghiệp theo quy hoạch
Một góc cụm công nghiệp Đồng Sóc.

47 cụm công nghiệp được quy hoạch đến năm 2030

Theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 06/02/2023 đặt mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ quy hoạch phát triển mới 31 CCN, đưa tổng số CCN trên địa bàn tỉnh lên 47 cụm. Đến năm 2050 toàn tỉnh có 51 CCN.

Về phát triển các khu công nghiệp, đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ quy hoạch thêm 5 khu công nghiệp mới, để có 24 khu công nghiệp được quy hoạch. Quy hoạch nêu rõ, phát triển thành lập mới thêm các khu công nghiệp trong trường hợp được bổ sung, điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp.

Nhu cầu phát triển các khu công nghiệp sau năm 2030 với quy mô 7.000ha và tầm nhìn đến năm 2050 lên quy mô 10.000ha. Trong đó, ưu tiên phát triển các khu công nghiệp mới dọc theo các trục giao thông huyết mạch như: Cao tốc Hà Nội – Lào Cai, đường Vành đai 4, Vành đai 5.

Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 06/02. Mục tiêu phát triển quy hoạch đến năm 2030, tỉnh thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng GRDP bình quân đầu người, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, cơ bản đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại I, tạo tiền đề trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, là hạt nhân thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại trong vùng đồng bằng sông Hồng; nâng cao đời sống cho người dân, có nền văn hóa tiên tiến, giàu bản sắc, xã hội hài hòa, môi trường sinh thái trong lành, đáng sống.

Mục tiêu đến năm 2050, Vĩnh Phúc là thành phố trực thuộc Trung ương, phát triển toàn diện trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, môi trường; người dân có đời sống cao, hạnh phúc…

Thu hút các nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng

Để khuyến khích phát triển CCN trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019 – 2021, tỉnh ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng CCN như hỗ trợ 100% kinh phí lập, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; lập dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật; rà, phá bom, mìn; hỗ trợ 700 triệu đồng/ha vốn thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng (BT-GPMB), tối đa không quá 20 tỷ đồng/CCN; hỗ trợ 30% kinh phí xây dựng hệ thống điện trong hàng rào CCN; hỗ trợ 30% kinh phí xây dựng nhà điều hành, quản lý CCN theo đơn giá xây dựng Nhà nước, tối đa 1 tỷ đồng/cụm.

Tỉnh hỗ trợ 2 chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng CCN theo Nghị quyết số 50/2018 của HĐND tỉnh, trong đó, CCN Đồng Sóc (Vĩnh Tường) được hỗ trợ hạng mục BT-GPMB với giá trị 20 tỷ đồng; hạng mục lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường và hạng mục rà phá bom mìn với kinh phí 819 triệu đồng. CCN làng nghề Minh Phương (Yên Lạc) được hỗ trợ hạng mục BT-GPMB với giá trị hơn 19 tỷ đồng.

Đến nay, các CCN đã thu hút đầu tư được 516 doanh nghiệp (DN) và các hộ gia đình sản xuất kinh doanh (SXKD), giải quyết việc làm cho khoảng 6.000 lao động; đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình khoảng 40% diện tích đất công nghiệp, trong đó có 4/16 CCN đạt tỷ lệ lấp đầy 100% gồm CCN Yên Đồng, CCN Tề Lỗ, CCN thị trấn Yên Lạc, CCN Hùng Vương – Phúc Thắng.

CCN Đồng Sóc (Vĩnh Tường) điển hình trong việc đầu tư hạ tầng theo hướng hiện đại, đồng bộ. Trên diện tích 75ha, chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng là Công ty TNHH Đầu tư thương mại Vĩnh Phúc (VPCo) đã đầu tư xây dựng đường giao thông đồng bộ, hệ thống đường điện cao thế trong CCN; nhà máy nước sạch có thể cung cấp lưu lượng tới 15.000m3/ngày đêm; nhà máy xử lý nước thải công suất 15.000 m3/ngày đêm.

Đến nay, CCN Đồng Sóc cơ bản được lấp đầy; đã có 15 DN Hàn Quốc đang hoạt động với tổng diện tích đạt gần 67%; điển hình như: Công ty KCC, Công ty YPE, Công ty Partron Vina. Ngoài ra, công ty còn ký thỏa thuận với một số đối tác Việt Nam và Hàn Quốc với tỷ lệ đạt xấp xỉ 90%. Vừa qua, KCN Đồng Sóc với quy mô hơn 200ha đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiếp giáp CCN Đồng Sóc, mở ra hướng phát triển mới cho CCN này.

Tại CCN làng nghề Minh Phương quy mô 34ha, thuộc địa phận xã Nguyệt Đức – thị trấn Yên Lạc, đã được chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ đồng bộ. Đến nay, một số đơn vị đã đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất, kinh doanh trên mặt bằng được bàn giao. Hoạt động cụm công nghiệp sẽ đáp ứng yêu cầu sản xuất cũng như giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường; tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển nghề cơ khí, nghề mộc truyền thống, nâng cao giá trị sản xuất và nguồn thu nhập cho các hộ dân.

Để nâng cao tỷ lệ lấp đầy cho các CCN, tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành chức năng và địa phương đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng; giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; có cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các CCN. Đặc biệt, ưu tiên doanh nghiệp đầu tư phát triển những dự án công nghiệp sạch, công nghệ cao, ít gây ô nhiễm môi trường, hướng đến xây dựng CCN sản xuất an toàn, bền vững và phát triển.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích