Vĩnh Phúc nỗ lực thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp

(Xây dựng) – Năm 2023 – năm thứ 3 Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đi vào cuộc sống, thu hút đầu tư tiếp tục khẳng định là động lực cho kinh tế của tỉnh phục hồi, phát triển nhanh sau đại dịch Covid-19. UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai đồng bộ các giải pháp giúp Vĩnh Phúc ghi thêm điểm với các nhà đầu tư.

Vĩnh Phúc nỗ lực thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp
Sản xuất điện tử thu hút nhiều nhà đầu tư FDI tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trong quý I/2023, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đã làm thủ tục cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 6 dự án; điều chỉnh tăng vốn cho 11 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm: 174,8 triệu USD và 979,1 tỷ đồng. Trong đó, 6 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 65,21 triệu USD và cấp điều chỉnh tăng vốn cho 10 dự án với số vốn tăng 109,59 triệu USD. Tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong quý I/2023 đạt 174,8 triệu USD, đạt 96% về vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 50% kế hoạch năm 2023. Dự án trong nước: cấp điều chỉnh tăng vốn cho 01 dự án với tổng vốn đầu tư 979,1 tỷ đồng, gấp 23,88 lần về vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 33% kế hoạch năm 2023.

Lũy kiến đến hết ngày 10/3/2023, số dự án còn hiệu lực đầu tư trong các khu công nghiệp là 451 dự án, gồm 97 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 27.687,05 tỷ đồng và 354 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 5.987,26 triệu USD

Ông Nguyễn Xuân Phương – Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết, Vĩnh Phúc là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, bởi tỉnh luôn nỗ lực cải thiện và bảo vệ môi trường đầu tư. Hiện, tỉnh có 16 khu công nghiệp được chấp thuận chủ trương đầu tư và dư địa đất công nghiệp rất lớn.

Để đạt kế hoạch thu hút từ 20-25 dự án với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn 350 triệu USD trong năm 2023, cùng với việc tiếp tục thu hút các dự án đầu tư, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư có chọn lọc, Vĩnh Phúc tiếp tục kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển của các khu công nghiệp theo quy hoạch và kế hoạch, giám sát chủ đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là các công trình quan trọng, thiết yếu; nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp hiện có, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư. Đồng thời, thực hiện hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn hơn với các doanh nghiệp.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích