Vĩnh Phúc: Nhiều dự án nguy cơ chậm tiến độ vì chờ thẩm định giá đất

(Xây dựng) – Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc còn nhiều dự án đang chờ thẩm định giá đất để tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, tính tiền sử dụng đất. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng “mỏi mắt” tìm các đơn vị tư vấn và thẩm định giá (đơn vị thẩm định giá).

Vĩnh Phúc: Nhiều dự án nguy cơ chậm tiến độ vì chờ thẩm định giá đất
Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc “loay hoay” tìm các đơn vị tư vấn thẩm định giá.

Trên cơ sở kế hoạch sử dụng đất của các địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2023, toàn tỉnh dự kiến thực hiện xác định giá cho khoảng 415 dự án, trong đó 365 dự án cần xác định giá cụ thể để tính bồi thường, bao gồm cả các dự án chuyển tiếp năm 2022 chưa thực hiện. Tuy nhiên, việc định giá đất đến thời điểm này còn chậm, gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai nhiều dự án.

Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc, đến thời điểm này, Sở mới tham mưu cho UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt kế hoạch xác định giá cụ thể để tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất năm 2023 cho 2/9 huyện, thành phố là Bình Xuyên và Vĩnh Tường (do 2 huyện đã được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất). Hiện, Sở Tài chính đang thẩm định 3 kế hoạch xác định giá của 3 huyện, thành phố là: Tam Đảo, Phúc Yên, Yên Lạc (do vừa hoàn thiện kế hoạch sử dụng đất). Còn 4 huyện, thành phố là: Tam Dương, Sông Lô, Lập Thạch và Vĩnh Yên đến nay chưa hoàn thành kế hoạch sử dụng đất năm 2023, theo đó chưa thống nhất được kế hoạch xác định giá cụ thể để trình UBND tỉnh duyệt.

Đối với 2 huyện đã được phê duyệt kế hoạch xác định giá, Sở Tài nguyên và Môi trường đã và đang thực hiện lựa chọn đơn vị tư vấn, lập phương án xác định giá cụ thể để tính bồi thường cho các dự án đã có trong kế hoạch năm 2023. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh mới có 6/49 dự án đã có phương án giá được gửi Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh thẩm định.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Trần Mạnh Hùng – Chánh Văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Hiện nay, việc định giá đất trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Việc thực hiện lập kế hoạch sử dụng đất của một số huyện, thành phố còn chậm, dẫn đến kế hoạch xác định giá cụ thể để tính bồi thường không đáp ứng yêu cầu tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án ngay từ đầu năm.

Quy trình, trình tự xác định giá cụ thể để tính bồi thường theo quy định tại Thông tư số 36/2014/TT0-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường phải qua nhiều khâu với trách nhiệm của các cơ quan đơn vị khác nhau nên mất nhiều thời gian, nhất là khâu trình tự, thủ tục thuê đơn vị tư vấn phải tuân theo Luật Đấu thầu và Luật Ngân sách dẫn đến không đáp ứng tiến độ, yêu cầu giải phóng mặt bằng.

Việc xác định giá cụ thể để tính bồi thường theo kế hoạch là khối lượng công việc lớn, trong khi đó chỉ có 3 công chức của Sở Tài nguyên và Môi trường trực tiếp thực hiện nhiệm vụ nên khối lượng hoàn thành chậm.

Vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay đó là việc lựa chọn đơn vị tư vấn, do trên địa bàn tỉnh có rất ít đơn vị tư vấn thực hiện nhiệm vụ này. Sở đã gửi văn bản cho nhiều đơn vị thẩm định giá ở Hà Nội, tuy nhiên do phí tư vấn thấp, rủi ro phát sinh cao, trách nhiệm pháp lý lớn, có khi chi phí thực hiện, đi lại vượt quá mức phí dịch vụ đã ký kết… nên nhiều đơn vị tư vấn không “mặn mà” tham gia đấu thầu.

Lý giải việc đơn vị thẩm định giá không muốn tham gia, ông Hùng cho hay: Trong quy định về 5 phương pháp định giá đất (so sánh trực tiếp, thu nhập, chiết trừ, thặng dư, hệ số điều chỉnh giá đất), mỗi phương pháp có quy định về điều kiện để áp dụng nên cơ quan thẩm định gặp khó khăn trong thu thập thông tin về giao dịch, chuyển nhượng thực tế. Bởi quy định pháp luật đất đai hiện nay, không bắt buộc giao dịch chuyển nhượng bất động sản qua sàn giao dịch, không bắt buộc thanh toán qua ngân hàng và hợp đồng giao dịch mua bán đất, nên hầu như không đúng với giá thực tế.

Chính vì vậy, cơ quan chức năng, đơn vị tư vấn không xác định được giá bình quân của thị trường, mà thường căn cứ trên các hợp đồng chuyển nhượng qua bảng giá để tính giá. Nếu trường hợp tại khu vực định giá đất không đủ thông tin về giá đất, thì phải thu thập thông tin tại các khu vực lân cận có điều kiện tương tự về điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, kết cấu hạ tầng và hạ tầng xã hội với khu vực có thửa đất cần định giá. Có khi, đơn vị tư vấn làm định giá rồi mà cũng chẳng biết mình đúng hay sai bởi cơ quan thanh tra, kiểm tra cho rằng mức giá thẩm định thấp, gây thất thoát là bị quy trách nhiệm. Vì vậy, cả đơn vị trúng thầu thẩm định và cơ quan Nhà nước đều thấy rủi ro.

Chính việc tìm đơn vị thẩm định giá khó khăn, nên hàng trăm dự án trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc chưa được xác định giá đất, dẫn đến tắc nghẽn thủ tục pháp lý khi chủ đầu tư làm dự án, khiến các dự án rơi vào tình cảnh “khóc dở chết dở” vì chờ thẩm định giá.

Để tháo gỡ khó khăn, Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc đã tham mưu báo cáo UBND tỉnh, đồng ý trong thời gian chưa có kế hoạch định giá đất cụ thể năm 2023, thì các dự án đã được phê duyệt năm 2022 được chuyển tiếp và cập nhật vào kế hoạch năm 2023.

Phối hợp với các đơn vị tư vấn trong việc cung cấp hồ sơ, để đơn vị tư vấn đẩy nhanh việc khảo sát lên phương án xác định giá cụ thể. Đồng thời, bố trí thành lập tổ chuyên môn thực hiện công tác xác định giá cụ thể để tăng cường nhân lực cho bộ phận thực hiện nhiệm vụ tổ chức xác định giá.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích