Vĩnh Phúc: Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị

(Xây dựng) – Xác định công tác quy hoạch phải đi trước làm tiền đề phát triển kinh tế – xã hội, những năm qua, Vĩnh Phúc luôn ưu tiên và chú trọng công tác quy hoạch đô thị; hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng nhiều công trình, dự án hạ tầng quan trọng theo quy hoạch vùng, quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc.

vinh phuc nang cao chat luong quy hoach do thi
Đô thị Vĩnh Yên ngày càng hiện đại.

Để từng bước xây dựng, hoàn thiện đô thị Vĩnh Phúc văn minh, hiện đại, công tác lập quy hoạch luôn được tỉnh quan tâm, triển khai đồng bộ. Đến nay, quy hoạch chung của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 đã dự thảo xong các phương án quy hoạch mạng lưới không gian các ngành, lĩnh vực và quy hoạch không gian phát triển kinh tế – xã hội các huyện, thành phố.

UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng hoàn thành việc thi tuyển phương án kiến trúc 3 công trình Đài PT-TH tỉnh; Thư viện tỉnh, Trung tâm triển lãm các thành tựu kinh tế – xã hội tỉnh; trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến điều chỉnh 3 đồ án quy hoạch vùng liên huyện phía Bắc, phía Nam và phía Tây đô thị Vĩnh Phúc; điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc; quy hoạch chung thị trấn Tam Đảo; điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 A1.

Triển khai lập 3 đồ án quy hoạch chung đô thị loại IV (Bình Xuyên, Vĩnh Tường và Tam Đảo); quy hoạch chung đô thị Liên Châu; 3 đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 về phát triển du lịch, dịch vụ gồm khu vực xung quanh hồ Vân Trục (Lập Thạch), hồ Bò Lạc (Sông Lô) và hồ Đồng Nhập, hồ Làng Hà (Tam Đảo).

Phê duyệt điều chỉnh cục bộ lần 3 quy hoạch phân khu A5 tỷ lệ 1/2000 phát triển đô thị trung tâm tại TP Vĩnh Yên và một phần của huyện Bình Xuyên và Tam Dương; quy hoạch phân khu A4 tỷ lệ 1/2000 về phát triển khu đô thị trung tâm tại TP Vĩnh Yên và một phần của huyện Bình Xuyên và Yên Lạc….

Trên cơ sở các quy hoạch đã được phê duyệt, Vĩnh Phúc đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư, xây dựng hạ tầng các TP Vĩnh Yên và Phúc Yên; nâng cấp các khu vực huyện Bình Xuyên, huyện Vĩnh Tường đạt tiêu chí đô thị loại IV, làm cơ sở thành lập mới 2 thị xã; hoàn thiện các đồ án quy hoạch chung của các xã dự kiến sẽ là đô thị loại V để làm cơ sở đầu tư và phân loại đô thị; tăng quy mô dân số đô thị nhằm đạt tỷ lệ đô thị hóa khoảng 60%.

Đến nay, hệ thống các đô thị đang được quy hoạch và xây dựng tiến tới hoàn chỉnh; nhiều khu đô thị mới, khu đô thị sinh thái được đầu tư đồng bộ, hiện đại; TP Vĩnh Yên đã cơ bản đáp ứng các tiêu chí đô thị loại I; đô thị Phúc Yên đã trở thành thành phố trực thuộc tỉnh.

Để kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc được đồng bộ, năm 2019, UBND tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh “Chương trình tổng thể xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; lập quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 cho 9/9 huyện, thành phố.

Điều này đã góp phần cụ thể hóa được các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt bằng các chương trình, kế hoạch và lộ trình thực hiện cụ thể; mặt khác, làm cơ sở để tỉnh chỉ đạo công tác đầu tư xây dựng, thu hút đầu tư thực hiện các dự án theo quy hoạch, tổ chức quản lý xây dựng theo quy hoạch và lập kế hoạch cụ thể xây dựng các dự án hạ tầng diện rộng, hoàn thiện hệ thống các đô thị.

Vì vậy, việc xây dựng, phát triển hoàn chỉnh hệ thống đô thị tiếp cận chuẩn quốc gia, quốc tế, đồng bộ và hiện đại, hài hòa với thiên nhiên, đảm bảo tính mở, làm kiểu mẫu để hướng tới xây dựng đô thị Vĩnh Phúc hiện đại, văn minh có vai trò rất quan trọng.

Để làm được điều này, thời gian tới, tỉnh cần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về quy hoạch và xây dựng đô thị bao gồm: Công tác khảo sát và quy hoạch; xây dựng thể chế; hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước; đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cán bộ công chức và quản lý sử dụng hiệu quả tài chính công.

Trong các đồ án quy hoạch phải xác định công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong quản lý đầu tư xây dựng theo đúng quy định của Chính phủ. Quy hoạch chung đô thị phải xác định hướng tuyến và quy mô các công trình cống cáp, hào và tuynel kỹ thuật trên các đường trục chính đô thị; quy hoạch phân khu phải xác định vị trí, số lượng, quy mô các công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung từ đường chính khu vực trở lên; quy hoạch chi tiết phải xác định vị trí, số lượng, quy mô công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung từ cấp đường nội bộ trở lên…

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích