Vĩnh Phúc: Kỷ niệm 200 năm danh xưng Vĩnh Tường

(Xây dựng) – Lễ kỷ niệm 200 năm danh xưng Vĩnh Tường được tổ chức là hoạt động thiết thực, góp phần bồi dưỡng, giáo dục truyền thống lịch sử hào hùng của quê hương; xây dựng, phát huy các giá trị văn hóa cao đẹp của vùng đất nghìn năm văn hiến, khơi dậy ý chí, khát vọng của những công dân Vĩnh Tường, nỗ lực xây dựng quê hương giàu mạnh.

Vĩnh Phúc: Kỷ niệm 200 năm danh xưng Vĩnh Tường
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc tặng hoa chúc mừng huyện Vĩnh Tường.

Tối 21/11, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức Lễ kỷ niệm “200 năm Danh xưng Vĩnh Tường (1822-2022)”. Lễ kỷ niệm 200 năm danh xưng Vĩnh Tường là dịp giáo dục, bồi dưỡng truyền thống lịch sử hào hùng của quê hương cho các thế hệ trẻ, khơi dậy tinh thần tự hào, lòng yêu hương và khát vọng cống hiến dựng xây quê hương giàu đẹp.

Ông Nguyễn Xuân Quang – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Vĩnh Tường khẳng định: Vĩnh Tường là vùng đất cổ, có truyền thống đấu tranh chống xâm lược từ lâu đời, gắn liền với các thời kỳ dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nơi đây đang lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng là tài sản vô giá của các thế hệ người dân Vĩnh Tường trao truyền lại cho thế hệ sau.

“Với ý chí mạnh mẽ cùng khát vọng lớn lao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vĩnh Tường đã nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Các lĩnh vực kinh tế – xã hội tiếp tục phát triển; quốc phòng, an ninh được củng cố và giữ vững; hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng ngày một khang trang, hiện đại; diện mạo đô thị và nông thôn của Vĩnh Tường khởi sắc; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên”, ông Nguyễn Xuân Quang cho biết.

Vĩnh Tường đã hoàn thành Nông thôn mới giai đoạn 2015-2020 và đang từng bước xây dựng Nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tính đến nay so với năm đầu tái lập (năm 1996) tỷ trọng nông nghiệp giảm mạnh từ 75,3% xuống còn 15,51%; công nghiệp – xây dựng tăng nhanh, từ 10,4% lên 54,58%; dịch vụ tăng từ 14,3% lên 29,88%. Thu nhập bình quân đầu người từ 2,1 triệu đồng/năm tăng lên 58,5 triệu đồng/năm.

Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, gắn với thị trường. Vĩnh Tường là huyện đi đầu của tỉnh trong thực hiện dồn thửa đổi ruộng góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hiện đại. Không chỉ sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp, Vĩnh Tường còn năng động trong phát triển công nghiệp, dịch vụ. Đến nay, toàn huyện có 9 khu, cụm công nghiệp và các làng nghề truyền thống.

Trong thời gian tới, Vĩnh Tường sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đảm bảo công tác quốc phòng, quân sự địa phương, làm tốt công tác an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Tập trung cho công tác quy hoạch huyện với tầm nhìn chiến lược, dài hạn. Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2025 đưa Vĩnh Tường trở thành thành đô thị loại IV và trở thành thị xã vào những năm tiếp theo.

Để chào đón sự kiện này, nhiều tháng nay, huyện Vĩnh Tường tổ chức các hoạt động văn hóa như Hội thảo khoa học “200 năm Danh xưng Vĩnh Tường (1822-2022)” với 35 đề tài tham luận của các nhà khoa học; biên tập, chỉnh lý, xuất bản các tác phẩm “Di sản Hán Nôm trên địa bàn huyện Vĩnh Tường”, “Danh nhân Vĩnh Tường” và sách ảnh “Du lịch Vĩnh Tường – nét duyên vùng đất Phủ”. Cuộc thi viết tìm hiểu “Phủ Vĩnh Tường – 200 năm hình thành và phát triển” đã nhận được 9.622 bài dự thi. Hội thi xe tuyên truyền chủ đề “200 năm Vĩnh Tường – văn hiến, tự hào và khát vọng” có sự tham gia của 35 xe tuyên truyền lưu động của 28 xã, thị trấn và 4 trường trung học phổ thông trên địa bàn. Triển lãm mỹ thuật “Cảm xúc Vĩnh Tường” trưng bày 200 tác phẩm hội họa…

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích