Vĩnh Phúc: Khó khăn trong quản lý, vận hành hiệu quả khu thiết chế Làng văn hóa kiểu mẫu

(Xây dựng) – Đề án xây dựng Làng văn hoá kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được triển khai từ năm 2023, sau hơn nửa năm đưa vào khai thác, sử dụng, khu thiết chế văn hóa – thể thao của các Làng văn hóa kiểu mẫu đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, công tác quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng khu thiết chế ở một số địa phương còn gặp khó khăn.

Vĩnh Phúc: Khó khăn trong quản lý, vận hành hiệu quả khu thiết chế Làng văn hóa kiểu mẫu
Các khu thiết chế được đầu tư khang trang, sạch sẽ.

Khu thiết chế văn hoá thể thao làng Thụ Ích, xã Liên Châu, huyện Yên Lạc được xây dựng khang trang, hiện đại với đầy đủ các hạng mục gồm nhà văn hóa, nhà trưng bày sản phẩm, đường dạo, hệ thống dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời, sân bóng đá, sân bóng chuyền, sân cầu lông, thư viện… Ngay sau khi công trình hoàn thành và đi vào hoạt động, UBND xã Liên Châu đã bàn giao cho làng Thụ Ích trực tiếp quản lý, vận hành khu thiết chế văn hoá thể thao.

Ông Nguyễn Văn Hồng – Trưởng Làng văn hoá kiểu mẫu làng Thụ Ích cho biết: Đề án xây dựng Làng văn hoá kiểu mẫu của tỉnh đã đem lại cho người dân nhiều lợi ích, gắn kết thêm tình đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau. Từ khi có khu thiết chế văn hoá thể thao mới, cứ mỗi buổi chiều, buổi tối, người dân tập trung rất đông; các phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao được đẩy mạnh; ý thức vệ sinh môi trường, phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu được nâng lên rõ rệt.

Để duy trì các hoạt động của khu thiết chế, người dân trong làng đã họp bàn công khai, chủ động xây dựng và duy trì một số quỹ như: Quỹ vệ sinh môi trường, quỹ điện thắp sáng… Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, sử dụng khu thiết chế văn hoá thể thao kinh phí để duy trì các hoạt động như: Tiền điện, duy trì việc chăm sóc hệ thống cây xanh trong khu thiết chế, thuê người trông nom… tương đối lớn.

Hội trường nhà văn hóa rộng 500m2 được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hội họp, tổ chức các sự kiện. Tuy nhiên, những cuộc họp chi bộ, các đoàn thể trong thôn chỉ có từ 10-30 người dự, nếu sử dụng toàn bộ các thiết bị điện có trong hội trường (5 điều hòa cây, 3 điều hòa cục bộ, hệ thống quạt treo tường, bóng điện chiếu sáng, tăng âm, loa đài…) sẽ tiêu thụ lượng lớn điện năng, gây lãng phí. Buổi tối, chúng tôi bật hệ thống đèn chiếu sáng ở khu thiết chế nhưng phải quy định giờ bật, giờ tắt để tiết kiệm điện. Đặc biệt, nhà văn hoá được trang bị nhiều thiết bị bàn ghế, loa đài, âm thanh, thiết bị điện đắt tiền, trong quá trình sử dụng mà hỏng thì khó sửa chữa.

Không những vậy, để đề phòng trộm cắp tài sản trong khu thiết chế, gia súc, gia cầm thả rông có thể vào bên trong khuôn viên, phá hủy cây cối và nhiều vật dụng, làng đã cử một người trông coi khu thiết chế, chi trả tiền thù lao bằng 0,3 mức lương cơ bản. Tuy nhiên, với mức thù lao ít ỏi, việc trông coi khu thiết chế không được duy trì 24/24h. Do vậy, để công tác quản lý, vận hành khu thiết chế văn hoá thể thao được hiệu quả, phát huy hết công năng sử dụng, tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các làng văn hoá kiểu mẫu để duy trì hoạt động cho khu thiết chế.

Khu thiết chế văn hoá thể thao Làng văn hoá kiểu mẫu Hoàng Chung (xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch) khi xã Đồng Ích bàn giao về cho thôn Hoàng Chung quản lý và khai thác sử dụng thì khu thiết chế vẫn chưa được khai thác hết công năng sử dụng.

Ông Phạm Quang Kiên – Trưởng Làng văn hoá kiểu mẫu Hoàng Chung cho biết: Đến thời điểm hiện tại, UBND xã đã bàn giao cho thôn quản lý, sử dụng các hạng mục đã hoàn thành ở khu thiết chế gồm nhà văn hóa, sân bóng đá, sân bóng chuyền, thư viện và nhà trưng bày. Tuy nhiên, bên trong nhà văn hóa chưa được trang bị các đồ dùng, thiết bị thiết yếu phục vụ hội họp, tổ chức các sự kiện, thôn phải tận dụng bàn ghế và các thiết bị của nhà văn hóa cũ để sử dụng.

Vĩnh Phúc: Khó khăn trong quản lý, vận hành hiệu quả khu thiết chế Làng văn hóa kiểu mẫu
Thư viện Làng văn hoá kiểu mẫu Hoàng Chung, xã Đồng Ích chưa được đầu tư bàn ghế.

Thư viện và khu trưng bày sản phẩm được đầu tư xây dựng khang trang, nhưng thư viện chưa được mua sắm bàn ghế nên thôn phải di chuyện kệ sách lên trên nhà văn hoá. Hơn nữa, thư viện chưa có nhiều đầu sách nên chưa thu hút được người dân và các em thiếu nhi tới đọc và mượn sách. Tiền điện và tiền wifi hàng tháng, thôn chưa bố trí được nguồn kinh phí để chi trả nên một tuần chỉ bật điện thắp sáng khu thiết chế 2 buổi tối cuối tuần, từ 18-22h.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, để quản lý, vận hành hiệu quả khu thiết chế văn hoá thể thao ở các làng văn hoá kiểu mẫu, hầu hết các thôn, tổ dân phố đã thành lập Ban Quản lý khu thiết chế, do đồng chí Trưởng thôn làm Trưởng ban; ban hành quy chế hoạt động, niêm yết công khai tại khu thiết chế để người dân được biết và tuân thủ.

Việc trông coi, bảo vệ khu thiết chế cần có sự vào cuộc của cả cộng đồng dân cư; trang bị đầy đủ hệ thống camera an ninh để giám sát các hoạt động và bảo vệ tài sản.

Trưởng Làng văn hoá kiểu mẫu Đồng Cà, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo Nguyễn Ngọc Thêm cho biết: Tới đây, thôn sẽ tổ chức họp, lấy ý kiến nhân dân về việc cho thuê sân bãi, hội trường khu thiết chế để các gia đình tổ chức tiệc cưới, hỏi; cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuê địa điểm để tổ chức các chương trình, sự kiện hoặc cho thuê sân thể thao vào các khung giờ ít người sử dụng.

Từ việc cho thuê địa điểm, thôn sẽ có nguồn kinh phí chi trả tiền điện hằng tháng, tổ chức các hoạt động văn hóa – văn nghệ, thể dục – thể thao và duy tu, bảo dưỡng các dụng cụ, thiết bị hư hỏng.

Để khu thiết chế luôn sạch, đẹp, thôn tuyên truyền người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường khi tham gia tập luyện, vui chơi tại khu thiết chế; tổ chức vệ sinh môi trường định kỳ hằng tuần, tạo thành nếp sinh hoạt chung cho toàn thể bà con nhân dân.

Vĩnh Phúc: Khó khăn trong quản lý, vận hành hiệu quả khu thiết chế Làng văn hóa kiểu mẫu
Các làng sẽ lấy ý kiến nhân dân về việc cho thuê sân bãi, hội trường khu thiết chế để có thêm kinh phí duy trì các hoạt động khu thiết chế.

Đây là một trong những cách làm hay để các làng có thêm kinh phí chi trả tiền điện và wifi hàng tháng. Tuy nhiên để đảm bảo Luật Đầu tư công và các quy định của pháp luật, Ban Quản lý khu thiết chế cần có những quy chế hoạt động dân chủ, công khai, minh bạch. Ban Quản lý khu thiết chế có trách nhiệm thống kê, báo cáo, công khai, minh bạch các khoản thu, chi tài chính, quản lý, sử dụng các nguồn lực huy động đảm bảo công khai dân chủ theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; kiểm kê, theo dõi tình hình hoạt động và cơ sở vật chất, trang thiết bị của khu thiết chế, đảm bảo sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả.

Để phát huy hơn nữa hiệu quả và công năng sử dụng khu thiết chế văn hoá thể thao, trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc cần có thêm cơ chế để hỗ trợ các Làng văn hoá kiểu mẫu về cách quản lý, vận hành khu thiết chế, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích