Vĩnh Phúc: Điểm đến của các nhà đầu tư

(Xây dựng) – Với sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư; kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp; 25 năm qua, Vĩnh Phúc luôn khẳng định là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Với môi trường đầu tư thông thoáng, kinh tế tăng trưởng ấn tượng, dòng vốn đầu tư cả FDI, DDI tăng vọt; hàng trăm tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư đã tìm đến Vĩnh Phúc, ngay cả giữa những lúc đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
![]() |
Khu Công nghiệp Thăng Long – Vĩnh Phúc được đầu tư đồng bộ, hiện đại thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản. |
Bến đỗ của các nhà đầu tư
Dịch bệnh Covid-19 được coi là thách thức lớn đối với các địa phương khi cùng lúc phải thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Với Vĩnh Phúc – địa phương đầu tiên cả nước có ca dương tính với SARS-CoV-2 và đến nay, sau 4 đợt bùng phát, dịch Covid-19 đã xuất hiện tại tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh thì khoảng thời gian 2 năm qua càng minh chứng rõ hơn cho những quyết sách đúng đắn, những thành công, bứt phá của Vĩnh Phúc trong phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng niềm tin vững chắc trong nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Tại các khu công nghiệp, nếu trước đây, tỷ lệ lấp đầy còn thấp và tỉnh mới thu hút được các doanh nghiệp FDI thuộc các Tập đoàn lớn như: TALO, YCH, GSE&C (Singgapore), Kumho, Lotte (Hàn Quốc), Toyota, Honda (Nhật Bản)…thì nay, tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp bình quân trên 63%, với 20 quốc gia, vùng lãnh đầu có dự án đầu tư, trong đó có nhiều nước có thế mạnh về vốn, công nghệ như: Hoa Kỳ, Cộng hòa Liên bang Đức, Italia, Australia, New Zealand, Hà Lan, Tây Ban Nha, Pháp.
Các dự án FDI chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, với 49,7% dự án đầu tư sản xuất linh kiện, điện tử; 7,8% dệt may; 7,2% sản xuất ô tô, linh kiện ô tô; 6,1% sản xuất xe máy, linh kiện xe máy và 28,6% lĩnh vực khác.
Tính hết năm 2021, toàn tỉnh thu hút được 429 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 7,1 tỷ USD của 20 quốc gia, vùng lãnh thổ; 824 dự án DDI, tổng vốn đầu tư gần 110 nghìn tỷ đồng, tăng 421 dự án FDI và 823 dự án DDI so với năm 1998. Sự hấp dẫn của môi trường đầu tư và hiệu ứng lan tỏa từ hiệu quả kinh doanh sản xuất của các nhà đầu tư hiện có, thu hút các dự án FDI tăng mạnh cả về số dự án, số vốn đầu tư, từ 26 dự án năm 2015 tăng lên 30 dự án năm 2016, 40 dự án năm 2017, 57 dự án năm 2018, 56 dự án năm 2019. Riêng năm 2020, vượt qua khó khăn ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, toàn tỉnh thu hút mới và điều chỉnh tăng vốn cho 60 dự án FDI mới, tổng vốn trên 677 triệu USD.
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng tình hình sản xuất – kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tỉnh vẫn cơ bản giữ được sự ổn định và là năm thu hút đầu tư đạt cao nhất từ trước đến nay.
Việc quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành, quyết định các biện pháp chưa từng có tiền lệ và linh hoạt thích ứng theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ, Vĩnh Phúc đang tiếp tục phòng, chống dịch thành công, bảo đảm an toàn tuyệt đối sức khỏe, tính mạng của nhân dân, bảo đảm môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và đưa kinh tế phục hồi, phát triển với nhiều chỉ tiêu đạt, vượt xa kế hoạch đề ra.
Dự kiến cả năm 2021, tỉnh sẽ thu hút được 35 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn đạt trên 1,015 tỷ USD, bằng 253,75% kế hoạch, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt số vốn đầu tư của các dự án DDI năm nay chiếm tới 1/3 tổng vốn đầu tư của các dự án DDI và vốn các dự án FDI chiếm 1/5 tổng vốn đầu tư các dự án DDI, FDI đầu tư vào các khu công nghiệp từ trước đến nay.
Chia sẻ với phóng viên một số cơ quan báo chí mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành cho biết: Mặc dù đã trải qua nhiều thời kỳ thu hút FDI với định hướng khác nhau, nhưng với phương châm “Tất cả các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc đều là công dân của Vĩnh Phúc”, tỉnh đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư phù hợp với bối cảnh thực tế của địa phương. Đó là lựa chọn các nhà đầu tư đủ năng lực để đầu tư hạ tầng khu công nghiệp; giảm giá thuê đất và gia hạn nộp thuế đất; ban hành chính sách đất dịch vụ, huy động nguồn kinh phí để giải phóng mặt bằng nhanh; ban hành chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ; đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng; hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách về thu hút đầu tư, tập trung vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào các khu công nghiệp.
![]() |
Công ty Toyota là một trong những doanh nghiệp FDI đầu tư thành công và hiệu quả, đóng góp không nhỏ cho ngân sách tỉnh Vĩnh Phúc. |
Đặc biệt, trong tháng 7/2021, tỉnh thành lập Tổ giúp việc Chủ tịch UBND tỉnh nhằm thích ứng, linh hoạt trong công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc chủ động tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư tại chỗ; xây dựng quy trình đầu tư mới, rút ngắn khoảng 20% thời gian giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến.
Sau gần 3 tháng hoạt động, tổ giúp việc Chủ tịch đã trực tiếp giải quyết, báo cáo Chủ tịch chỉ đạo giải quyết nhanh, bảo đảm không quá 24 giờ gần 1.000 cuộc điện thoại của các doanh nghiệp, chủ yếu đề nghị tỉnh tháo gỡ các khó khăn trong việc xuất nhập cảnh của chuyên gia, việc lưu thông hàng hóa, đưa đón lao động…
Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tìm hiểu thông tin về tỉnh, cơ quan chuyên môn thường xuyên cập nhật, bổ sung cơ sở dữ liệu, thiết kế mới bộ tài liệu xúc tiến đầu tư thành 5 ngôn ngữ tiếng Việt, Anh, Nhật, Hàn, Trung, in đĩa DVD giới thiệu quy hoạch chung của tỉnh.
Thực hiện việc công khai các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, danh mục lĩnh vực thu hút đầu tư, các dự án ưu tiên đầu tư…Nhờ đó, thu hút FDI của tỉnh luôn nằm trong nhóm địa phương dẫn đầu cả nước.
Tăng cường xúc tiến thu hút đầu tư trong trạng thái “bình thường mới”
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước; thu hút thêm từ 2-2,5 tỷ USD vốn đầu tư FDI và từ 20-25 nghìn tỷ đồng vốn DDI.
Để đạt mục tiêu này, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý các khu công nghiệp xây dựng các chương trình, kế hoạch thu hút đầu tư, phát triển các khu công nghiệp cho từng năm, giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, mỗi năm Vĩnh Phúc sẽ thu hút thêm khoảng 25 dự án FDI và 10 dự án DDI.
Theo đánh giá của Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh, việc thực hiện theo đúng lộ trình sẽ giúp Vĩnh Phúc đến năm 2025 thu hút được 5,88 tỷ USD vốn đầu tư các dự án FDI vào các khu công nghiệp; doanh thu của các dự án đạt 5,46 tỷ USD, tăng 1,2 lần so với năm 2020; kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD; nộp ngân sách đạt 3.500 tỷ đồng, tăng 1,1 lần so với năm 2020. Các doanh nghiệp FDI sẽ giải quyết việc làm cho trên 115 nghìn lao động.
Còn với các dự án DDI, nếu bình quân mỗi năm thu hút thêm 10 dự án thì đến năm 2025, các khu công nghiệp thu hút được 23.518 tỷ đồng dự án DDI; doanh thu của các dự án đạt 18.100 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2020; kim ngạch xuất khẩu đạt 90 tỷ đồng, tăng 1,5 lần; nộp ngân sách đạt 535 tỷ đồng, tăng 1,2 lần so với năm 2020 và giải quyết việc làm cho trên 7,3 nghìn lao động.
Thích ứng linh hoạt trong trạng thái “bình thường mới” theo tinh thần Nghị quyết số 28 của Chính phủ, năm 2021, Vĩnh Phúc đã thực hiện đa dạng hoạt động xúc tiến đầu tư, cuối tháng 10, UBND tỉnh phối hợp với Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến kết nối đầu tư và thương mại cho các doanh nghiệp của tỉnh và các nhà đầu tư tiềm năng của Đức để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào Đức và châu Âu.
Đặc biệt mới đây nhất, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan đã trao Bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư giữa tỉnh Vĩnh Phúc với Tập đoàn SOJITZ và các đối tác đầu tư của Tập đoàn tại Việt Nam là Vinamilk và Vilico về việc đầu tư và phát triển Dự án Đầu tư cải tạo trang trại, chuyển đổi vật nuôi từ lợn sang bò thịt, xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến, bảo quản và phân phối tại huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc với tổng mức đầu tư khoảng 500 triệu USD.
![]() |
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan trao Bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư giữa UBND tỉnh Vĩnh Phúc với Tập đoàn SOJITZ và các đối tác đầu tư của Tập đoàn tại Việt Nam (ngày 25/11/2021). |
Quyết tâm tạo ra những lợi thế cạnh tranh để thu hút đầu tư, hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, Vĩnh Phúc đã chuẩn bị hơn 500ha đất sạch dành cho công nghiệp, có thể sẵn sàng giao ngay cho các nhà đầu tư khi có nhu cầu; phê duyệt danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức đầu tư trực tiếp hoặc đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) tập trung vào các lĩnh vực phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, du lịch – dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao…
Trrong thời gian tới, cùng với quyết liệt phòng chống, khống chế dịch bệnh Covid-19, tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết những vấn đề phát sinh do sự ngắt quãng trong nguồn cung, thiếu hụt lực lượng lao động, lực lượng chuyên gia để bảo đảm cho sự ổn định và phát triển trở lại.
Đẩy mạnh đầu tư, xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hiện đại, đồng bộ. Tiếp tục cải thiện thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin điện tử, giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Tính đến đầu tháng 11/2021, Vĩnh Phúc đã có 32 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký với tổng vốn đăng ký gần 878,8 triệu USD và 28 dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn đăng ký 132 triệu USD. Tính chung, tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đến đầu tháng 11/2021 đạt 1,01 tỷ USD.
Nguồn: Báo xây dựng