Vĩnh Phúc: Đầu tư, xây dựng công trình cấp nước sạch nông thôn
(Xây dựng) – Những năm gần đây, mặc dù các cấp chính quyền trong tỉnh luôn quan tâm đầu tư xây dựng các công trình cấp nước, song tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt vẫn trở thành nỗi lo thường trực của không ít địa phương, nhất là vùng nông thôn, miền núi vào mùa nắng nóng. Vấn đề nước sinh hoạt cho người dân vùng nông thôn Vĩnh Phúc đã và đang từng bước giải quyết.
Công nhân Nhà máy nước Tam Dương kiểm tra thiết bị đảm bảo hệ thống được vận hành an toàn. |
Tình trạng thiếu công trình cấp nước tập trung
Nhằm góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, từng bước duy trì tiêu chí về nông thôn mới và hoàn thành tiêu chí nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025, những năm gần đây, tỉnh luôn ưu tiên thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch nông thôn, nhất là ở khu vực miền núi, khu vực còn gặp nhiều khó khăn. Đến nay, tỉnh đã đầu tư xây dựng 44 công trình cấp nước tập trung nông thôn bằng nguồn ngân sách Nhà nước; giao các doanh nghiệp tham gia đầu tư 3 công trình theo cơ chế tại Quyết định số 41 ngày 8/9/2014 của UBND tỉnh.
Cùng với đó, UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư 4 dự án cấp nước cho khu vực nông thôn do các doanh nghiệp đầu tư; khuyến khích các đươn vị, doanh nghiệp có các công trình cấp nước cho các khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp… tham gia cấp nước cho người dân nông thôn. Nhờ đó, vấn đề nước sạch sinh hoạt ở các vùng nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn năm 2022 đạt 76,64%.
Tuy nhiên, xét về tiêu chí tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn của vùng Đồng bằng sông Hồng trong xây dựng nông thôn mới, thì tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung của tỉnh mới chỉ đạt 19,66%, thấp hơn nhiều so với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng. Mặt khác, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 34 xã chưa thuộc vùng cấp nước của các đơn vị cấp nước hiện có trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trong 71 xã thuộc vùng cấp nước, người dân một số địa phương vẫn chưa được cấp nước sạch do tiến độ triển khai của các dự án còn chậm, thậm chí có dự án chưa triển khai thực hiện; một số địa phương được đầu tư công trình cấp nước sạch nhưng người dân lại không mặn mà sử dụng; tình trạng thiếu nước sạch phục vụ sinh hoạt vẫn đang diễn ra hằng ngày tại không ít địa phương, nhất là trên địa bàn huyện Sông Lô, Lập Thạch…
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sông Lô, trên địa bàn huyện hiện chỉ có 1 nhà máy nước sạch do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng cấp nước Vĩnh Phúc xây dựng, đã hoàn thành và đi vào hoạt động với công suất 16.000 m3/ngày đêm. Hiện nay, nhu cầu dùng nước sạch của nhân dân trên địa bàn là rất lớn, lên tới gần 19.300 hộ, nhưng hạ tầng đường ống đến các hộ chưa được đầu tư, nên toàn huyện chỉ có khoảng 4.340 hộ được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung.
Những tháng đầu năm 2023, trên địa bàn huyện Lập Thạch có 3 xã rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng gồm Đồng Ích, Xuân Lôi và đặc biệt là xã Tiên Lữ. Đây là ba xã nông thôn của huyện Lập Thạch, nguồn nước sinh hoạt của nhân dân các địa phương này chủ yếu là nước giếng khơi (giếng đào) hoặc giếng khoan. Để đối phó với tình trạng thiếu nước sạch, người dân phải đi xin nước ở nơi khác hoặc mua từng can về dùng.
Triển khai nhiều giải pháp cấp bách
Trước nhu cầu cấp thiết về nước sinh hoạt của người dân nông thôn, đặc biệt là các xã điểm nóng về thiếu nguồn nước, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành chức năng tiếp tục rà soát, đánh giá quy hoạch cấp nước, dự án cấp nước trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, địa phương về tăng cường công tác quản lý Nhà nước, tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đôn đốc chủ đầu tư dự án cấp nước đẩy nhanh tiến độ xây dựng, nâng cấp công suất, mở rộng đường ống cấp nước theo quy định; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân đăng ký sử dụng nước sạch, ủng hộ triển khai lắp đặt hệ thống tuyến ống cấp nước sạch đến từng hộ gia đình, cam kết sử dụng nước sạch.
Để giải quyết vấn đề thiếu nước sạch của 3 xã trên địa bàn huyện Lập Thạch, ngày 23/5/2023, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có Văn bản số 3803/UBND-CN3 yêu cầu các Sở, ngành địa phương liên quan tăng cường công tác quản lý Nhà nước về cấp nước sạch trên địa bàn. Trong đó, tập trung giải quyết các khó khăn vướng mắc trong triển khai dự án cấp nước, đôn đốc chủ đầu tư dự án cấp nước hoàn chỉnh dự án, đầu tư xây dựng nâng cấp công suất cấp nước, mở rộng đường ống cấp nước theo quy định. Hiện nay, các đường ống cấp nước cho 3 xã đang được thực hiện.
Đối với 32 xã đã được cấp nước từ công trình cấp nước tập trung, tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo UBND cấp xã tuyên truyền, vận động người dân tham gia đấu nối, sử dụng nước. Với 27 xã thuộc địa bàn phục vụ của các công trình nước sạch đang triển khai thực hiện đã được UBND tỉnh phê duyệt hoặc chấp thuận đầu tư xây dựng công trình, tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố yêu cầu nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư và thực hiện đấu nối cấp nước cho người dân đối với các xã trong vùng dự án theo đúng cam kết và tiến độ đã được phê duyệt trong năm 2023.
Trong đó, nêu cụ thể thời gian hoàn thành cung cấp nước cho người dân trước năm 2025; kiên quyết xử lý theo đúng quy định nếu dự án đã quá hạn đầu tư. Đối với 12 xã đề nghị được ghi nhận vùng cấp nước, tỉnh đề nghị các Sở, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện phân vùng cấp nước theo quy định. Đối với 34 xã chưa thuộc vùng cấp nước của đơn vị cấp nước, tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, báo cáo UBND tỉnh cho phép thực hiện đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng đường ống cung cấp nước; chủ trì làm việc với các nhà máy nước về việc cấp nước cho các xã trong giai đoạn từ nay đến 2025.
Ông Trần Duy Thập – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp thoát nước số 1 Vĩnh Phúc cho biết: Hiện, công ty đang triển khai dự án cấp nước cho toàn xã Duy Phiên, huyện Tam Dương. Đồng thời, lấy phiếu tham vấn cộng đồng về nhu cầu sử dụng nước của tại xã Hoàng Lâu, huyện Tam Dương; thị trấn Hợp Châu, huyện Tam Đảo; thị trấn Gia khánh, xã Quất Lưu, xã Thiện Kế của huyện Bình Xuyên để lập kế hoạch cấp nước.
Tuy nhiên, do gặp khó khăn về nguồn vốn cũng như thói quen sử dụng nước mặt hay nước giếng khoan, công ty đề nghị các cấp chính quyền có cơ chế và tạo điều kiện để các doanh nghiệp cấp nước tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi; nghiên cứu, làm việc với đơn vị cấp nước để ký thỏa thuận dịch vụ cấp nước, làm cơ sở để xây dựng kế hoạch cấp nước cho từng địa phương. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được lợi ích của việc sử dụng nước sạch.
Nguồn: Báo xây dựng