Vĩnh Phúc: Đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện phục vụ phát triển kinh tế

(Xây dựng) – Nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, phục vụ sự phát triển công nghiệp, kinh tế – xã hội, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc tích cực phối hợp với ngành Điện triển khai các dự án đầu tư, nâng cấp hệ thống lưới điện theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Vĩnh Phúc: Đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện phục vụ phát triển kinh tế
Trạm biến áp 110kV Yên Lạc hoàn thành đóng điện.

Theo thông tin từ Công ty Điện lực Vĩnh Phúc, hiện nay, Vĩnh Phúc được cấp điện từ 2 trạm 220kV Vĩnh Yên và Vĩnh Tường; các đường dây 110kV liên kết với trạm 220 kV Vân Trì (Thành phố Hà Nội) và trạm 220kV Việt Trì (tỉnh Phú Thọ). Trong đó, lưới điện 500kV có chiều dài 42,8km mạch kép; lưới điện 220kV dài hơn 125km; lưới điện 110kV dài hơn 179km; chiều dài đường dây trung thế và hạ thế hơn 6.850km.

Thực hiện kế hoạch triển khai Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đối với lĩnh vực điện năng nói riêng, tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với ngành Điện định hướng đầu tư xây dựng mới trạm biến áp 500kV Vĩnh Yên với công suất 2.700 MVA, trước mắt đầu tư công suất 1.800 MVA tại khu vực xã Trung Mỹ (huyện Bình Xuyên).

Cùng với đó, xây dựng mới 2 đường dây gồm: Đường dây 4 mạch 500kV Vĩnh Yên – Rẽ Sơn La – Hiệp Hòa và Việt Trì – Hiệp Hòa, chiều dài 5km đấu nối trạm biến áp 500kV Vĩnh Yên; Đường dây 2 mạch 500kV Tây Hà Nội – Vĩnh Yên với chiều dài 44km, tạo liên kết lưới điện 500kV giữa Vĩnh Phúc và Thành phố Hà Nội.

Đến nay, tổng công suất các trạm biến áp 110kV xây dựng mới đạt 14,5%; các trạm biến áp 110kV được nâng công suất đạt 47% so với quy hoạch. Tổng khối lượng xây dựng mới đường dây 110kV đạt khoảng 9% so với quy hoạch. Toàn tỉnh có 5/10 công trình cải tạo, nâng tải đường dây 110kV hoàn thành, cơ bản đảm bảo nguồn điện cung cấp cho phụ tải của địa phương.

Đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh giai đoạn tới, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm.

Vĩnh Phúc: Đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện phục vụ phát triển kinh tế
Trạm biến áp 110kV Tam Dương hoàn thành đóng điện và đưa vào vận hành với công suất 63MVA.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc triển khai thi công 45 công trình, xây dựng mới và cải tạo hơn 103km đường dây trung thế, hơn 66km đường dây hạ thế. Xây dựng mới 79 trạm biến áp với tổng công suất 28.600kVA; cải tạo, nâng công suất 56 trạm biến áp với tổng công suất 25.700kVA trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Hoàn thành đóng điện 2 dự án lưới điện 110kV gồm trạm biến áp 110kV Vĩnh Yên và trạm biến áp 110kV Phúc Yên.

Cùng với đó, phối hợp với các đơn vị liên quan đóng điện thành công các dự án 110kV trên địa bàn tỉnh gồm: Lắp máy biến áp T2 trạm 110kV Đồng Sóc, trạm biến áp 110kV Sông Lô và nhánh rẽ, đường dây và trạm biến áp 110kV Yên Lạc, lắp máy biến áp T2 trạm 110kV Yên Lạc. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng, đảm bảo điện năng phục vụ khách hàng trong tỉnh.

Mới đây, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc vừa tổ chức đóng điện và đưa vào vận hành trạm biến áp 110kV Tam Dương, công suất 63MVA qua đường dây 110kV Lập Thạch – Tam Dương. Dự án có tổng mức đầu tư trên 167 tỷ đồng, đầu tư lắp đặt ngoài trời 4 ngăn đường dây 110kV kết nối đến các trạm 110kV Lập Thạch, Tam Đảo và Thiện Kế. Ngay sau khi đóng điện, công trình mang tải từ 60% công suất đặt của cả trạm. Dự án được đưa vào vận hành không chỉ giải quyết được vấn đề san tải cho các trạm 110kV như: Lập Thạch, Hội Hợp, Vĩnh Tường, Tam Đảo mà còn tối ưu được phương thức cấp điện, đảm bảo an toàn vận hành lưới điện trung áp. Từ đó giảm tổn thất cấp điện, đáp ứng nhu cầu sản xuất công nghiệp của huyện Tam Dương nói riêng và tỉnh Vĩnh Phúc nói chung.

Trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục phối hợp với ngành Điện xây mới 04 trạm 220kV gồm: Bá Thiện, Tam Dương, Phúc Yên, Chấn Hưng. Cải tạo, nâng cấp các tuyến 110kV hiện hữu không đảm bảo chất lượng, xây dựng mới các tuyến 110kV đấu nối cấp điện cho các trạm 110kV xây mới. Đầu tư xây dựng các lộ ra cho các trạm 110kV nhằm tăng cường tiết diện và liên kết mạch vòng các tuyến trục trung thế để khai thác hiệu quả các trạm biến áp 110kV. Phát triển lưới điện cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư, đô thị, các cơ sở kinh tế – xã hội khác trên địa bàn tỉnh… Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển hệ thống điện mặt trời áp mái nhằm giảm chi phí sản xuất, giảm áp lực về cung ứng điện và đạt chứng chỉ xanh trong sản xuất.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích