Vĩnh Phúc: Dành gần 2.000 tỷ đồng phục vụ chuyển đổi số năm 2024
(Xây dựng) – Nhằm đưa Vĩnh Phúc nằm trong top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, năm 2024, tỉnh dự kiến dành gần 2.000 tỷ đồng phục vụ chuyển đổi số.
Công ty Cổ phần Xây dựng Procons ứng dụng công nghệ số trong việc quản lý, cung cấp nước sạch cho người dân nông thôn. |
Theo đó, tỉnh tập trung triển khai Dự án hạ tầng nền tảng số phục vụ chuyển đổi số; nâng cấp, hình thành hạ tầng số, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, triển khai điện toán đám mây để xây dựng Trung tâm dữ liệu số, Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng theo hướng quản lý, vận hành, lưu trữ tập trung; triển khai hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung của tỉnh phục vụ kết nối nền tảng Chính phủ điện tử quốc gia; đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin.
Phấn đấu 100% hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia; 60% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 50% hồ sơ công việc tại cấp huyện, 40% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; tỷ trọng kinh tế số đạt trên 20% GRDP; tỷ trọng doanh nghiệp sử dụng thương mại điện tử đạt 80%…
Năm 2023, thực hiện Quyết định số 258 của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc đã triển khai kế hoạch nâng cấp cơ sở hạ tầng thông tin, đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo, tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ, đơn vị, chủ đầu tư áp dụng mô hình BIM trong hoạt động xây dựng.
Mô hình thông tin công trình là quy trình liên quan đến việc tạo lập và quản lý những đặc trưng kỹ thuật số trong các khâu thiết kế, thi công và vận hành các công trình xây dựng. Theo quy định của Chính phủ, chủ đầu tư hoặc đơn vị chuẩn bị đầu tư có trách nhiệm cung cấp tệp tin BIM khi thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế xây dựng, xin cấp phép xây dựng và nghiệm thu công trình.
Phòng Quản lý xây dựng thực hiện rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình BIM đối với một số dự án trong thời gian tới. |
Tệp BIM tối thiểu phải đảm bảo một số yêu cầu như: Thể hiện được kiến trúc, các kích thước chủ yếu, hình dạng không gian ba chiều kết cấu chính của công trình; hệ thống điều hòa, thông gió, cấp thoát nước của công trình.
Với mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi số, hướng đến chính quyền số và phát triển dịch vụ đô thị thông minh, việc áp dụng mô hình BIM trong hoạt động xây dựng giúp nâng cao chất lượng sản phẩm thiết kế, tăng cường quá trình trao đổi thông tin giữa cơ quan quản lý Nhà nước với chủ đầu tư, tổ chức tư vấn, nhà thầu trong quá trình xây dựng; đồng thời, hỗ trợ xây dựng phương án tổ chức thi công, tổ chức và quản lý các nguồn lực trong hoạt động xây dựng, kiểm soát chất lượng xây dựng, hỗ trợ quá trình nghiệm thu phục vụ cho giai đoạn quản lý, vận hành công trình xây dựng.
Để đẩy nhanh tiến độ áp dụng mô hình BIM theo lộ trình của Chính phủ, vừa qua, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định số 1053 ngày 15/05/2023 về Kế hoạch triển khai áp dụng mô hình BIM trong hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Sở Xây dựng được giao là cơ quan đầu mối, có trách nhiệm hướng dẫn các Sở, ngành, đơn vị liên quan áp dụng mô hình BIM thực hiện quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ chuyên môn trong việc triển khai mô hình.
Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức theo dõi, đánh giá quá trình áp dụng mô hình BIM, kịp thời báo cáo UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Các Sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư các công trình xây dựng chủ động về nguồn lực, phối hợp với Sở Xây dựng triển khai mô hình BIM đối với các dự án bắt buộc áp dụng theo quy định; các cơ quan chuyên môn về xây dựng có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý dữ liệu mô hình BIM do chủ đầu tư cung cấp và tích hợp thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng.
Trong thời gian tới, Sở Xây dựng tiếp tục tham mưu, báo cáo UBND tỉnh ban hành Đề án xây dựng đô thị thông minh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và đề xuất thí điểm triển khai thực hiện trên một khu vực địa phương (thành phố Vĩnh Yên hoặc thị trấn Tam Đảo); tiếp tục triển khai số hóa các dự liệu về quy hoạch hạ tầng đô thị, cập nhật trên hệ thống bản đồ số dung chung cho cả tỉnh (giai đoạn 1) và triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số do UBND tỉnh giao.
Nguồn: Báo xây dựng