Vĩnh Phúc: Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Ninh Bình thu mỗi năm hàng trăm tỷ nhưng lợi nhuận thấp đến mức “bất thường”

Tại tỉnh Vĩnh Phúc, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Ninh Bình (Công ty Ninh Bình) có địa chỉ tại số nhà 50, lô S4, khu đô thị Chùa Hà Tiên, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc do Tạ Quang Sơn làm đại diện theo pháp luật là một trong những doanh nghiệp “quen mặt” trong lĩnh vực đấu thầu các dự án đầu tư công.

Liên tục được chủ đầu tư “chọn mặt gửi vàng” trong các gói thầu có giá trị lớn và được nhận nhiều gói thầu “trúng sát giá”, tỷ lệ tiết kiệm cho ngân sách thấp nên không quá bất ngờ khi doanh thu của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Ninh Bình luôn đạt hàng trăm tỷ trong nhiều năm qua.

Cụ thể, theo tìm hiểu, từ năm 2018 đến 2022, doanh nghiệp này ghi nhận mức doanh thu từ mốc 180 tỷ đồng tăng lên mốc gần 300 tỷ đồng.

Tuy nhiên, điều gây bất ngờ là mặc dù doanh thu trăm tỷ mỗi năm nhưng Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Ninh Bình lại ghi nhận lợi nhuận vô cùng “lẹt đẹt”.

Vĩnh Phúc: Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Ninh Bình thu mỗi năm hàng trăm tỷ nhưng lợi nhuận thấp đến mức

Điển hình như mốc năm 2018, sau khi thu về 180 tỷ đồng, doanh nghiệp chỉ lãi vỏn vẹn 397 triệu đồng. Nếu chia bình quân theo 12 tháng, mỗi tháng doanh nghiệp chỉ mang về nhỉnh 30 triệu đồng, tương đương mỗi ngày thu nhập của doanh nghiệp chỉ hơn 1 triệu đồng. Trong khi đó, năm 2018 là thời điểm giá vật liệu cũng như các thiết bị chưa bị đội giá như hiện tại.

Con số này cho thấy tỉ suất sinh lời của doanh nghiệp vô cùng thấp bé, phản ánh việc kinh doanh không thực sự hiệu quả và mức lãi thấp đến “bất thường”. Bởi lẽ, nếu đem số vốn bỏ ra của doanh nghiệp gửi ngân hàng hàng tháng cũng đem về khoản lãi cao gấp rất nhiều lần việc tham gia đấu thầu đầu tư công.

Tình trạng lãi ở mức “tượng trưng” vẫn tiếp diễn trong năm 2019 khi doanh thu của doanh nghiệp đạt 176 tỷ đồng nhưng chỉ lãi khoảng 660 triệu. Bước sang năm 2021, doang thu vọt lên mốc hơn 200 tỷ đồng, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Ninh Bình báo lãi 2 tỷ đồng. Và đến năm gần đây nhất 2022, doanh thu của doanh nghiệp chuyênh trúng thầu đầu tư công này đã chạm mốc gần 300 tỷ đồng nhưng khoản lãi cũng chỉ vươn lên được mức 5 tỷ đồng.

Đây là năm lãi cao nhất của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Ninh Bình nhưng ROE (Return On Equity, được hiểu là lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu là chỉ số đo lường mức độ hiệu quả của việc sử dụng vốn chủ sở hữu trong doanh nghiệp) cũng chỉ đạt 2,4 %, thấp hơn so với trung bình cả ngành.

Trước đó, như đã phản ánh, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Ninh Bình là một trong những nhà thầu thường xuyên trúng các gói thầu “khủng” trên địa bàn TP. Phúc Yên và tỉnh Vĩnh Phúc.

Vĩnh Phúc: Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Ninh Bình thu mỗi năm hàng trăm tỷ nhưng lợi nhuận thấp đến mức

Điều đáng nói là dù tỷ lệ tiết kiệm cho ngân sách nhà nước ở các gói thầu doanh nghiệp được nhận thường xuyên thấp hơn 1%, thậm chí là dưới 0,05% nhưng tỷ lệ trúng thầu của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Ninh Bình lại lên tới “suýt soát” 90% khi xét một cách tổng quát gồm cả các gói thầu đang đợi công bố kết quả.

Xét trong khoảng 20 gói thầu thời gian gần đây đấu trực tiếp với các nhà thầu khác, tỷ lệ trúng thầu của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Ninh Bình lên tới 95%.

Thậm chí, xét trong 21 gói thầu gần đây khi đấu thầu theo diện liên danh, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Ninh Bình trúng tuyệt đối 100%.

Vĩnh Phúc: Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Ninh Bình thu mỗi năm hàng trăm tỷ nhưng lợi nhuận thấp đến mức

Một trong những gói thầu đắt giá nhất trong những năm gần đây Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Ninh Bình liên danh với Công ty TNHH Phúc Thành An trúng là gói thầu xây lắp thuộc dự án đường song song đường sắt Hà Nội – Lào Cai tuyến phía bắc, đoạn từ Khu công nghiệp Khai Quang (Vĩnh Yên) đến đường 36 Khu công nghiệp Bình Xuyên đi qua Khu Công nghiệp Bá Thiện.

Tại gói thầu này, giá trúng thầu được duyệt là 427.145.888.000 đồng, so với giá gói thầu đưa ra chỉ tiết kiệm khoảng hơn 300 triệu đồng, tương đương với tỷ lệ tiết kiệm cho ngân sách chưa đầy 0,1 %, một tỷ lệ vô cùng nhỏ bé nếu không muốn nói là “có như không”. Người ký phê duyệt gói thầu này là ông Đào Văn Tiến, Giám đốc Ban QLDA ĐTXD các CTDD và CN tỉnh Vĩnh Phúc.

Vào năm 2021, ở gói thầu trị giá hàng trăm tỷ Xây lắp + thiết bị thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình Cải tạo, chỉnh trang đường Nguyễn Tất Thành, đoạn từ ngã 5 Gốc Vừng đến đường Hùng Vương, thành phố Vĩnh Yên, giá trúng thầu của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Ninh Bình với vai trò liên danh chính đưa ra là 134.475.995.000 đồng, so với giá dự toán gói thầu là 134.530.381.000 đồng, giá trúng thầu tiết kiệm 54.386.000 đồng (tương đương tiết kiệm khoảng 0,04%) cho ngân sách Nhà nước.

Quyết định lựa chọn Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Ninh Bình trúng thầu nêu trên do ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Giám đốc Ban QLDA ĐTXD thành phố Vĩnh Yên ký.

Vào năm 2020, ông Nguyễn Thanh Bình cũng ký quyết định phê duyệt cho liên danh có Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Ninh Bình trúng gói thầu xây lắp và thiết bị thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng đường tỉnh 305, đoạn từ QL2 (quán Tiên) đến khu đô thị Đầm Cói, phường Hội hợp, TP. Vĩnh yên. Giá trúng thầu là 85.331.743.000 đồng, so với giá gói thầu đưa ra là 85.577.801.000 đồng, tỷ lệ tiết kiệm cho ngân sách chỉ đạt 0,29%.

Ngoài các gói thầu nêu trên, ông Đào Văn Tiến – Giám đốc Ban QLDA ĐTXD các CTDD và CN tỉnh Vĩnh Phúc; ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Giám đốc Ban QLDA ĐTXD TP. Vĩnh Yên và ông Trương Hùng Kiên – Giám đốc Ban QLDA ĐTXD TP. Phúc Yên ký nhiều quyết định lựa chọn có Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Ninh Bình trúng thầu với tỷ lệ giảm giá “siêu thấp” dẫn tới tiết giảm ngân sách nhà nước không đáng kể.

Như vậy, có thể thấy, việc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Ninh Bình cùng các liên danh của mình được nhận các gói thầu có mức giảm giá thấp đã diễn ra trong nhiều năm liền và khá thường xuyên.

Thực trạng nêu trên đặt ra vấn đề cần quan tâm đối với lãnh đạo TP. Phúc Yên và tỉnh Vĩnh Phúc trong lĩnh vực đầu tư công đó là thực trạng sử dụng vốn ngân sách khi các gói thầu đều trúng giá “sát nút”, tỷ lệ tiết kiệm ngân sách “nhỏ giọt”.

Bởi lẽ, trong hoạt động đấu thầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước, chủ đầu tư không chỉ cần lựa chọn nhà thầu có năng lực chuyên môn cao mà còn có trách nhiệm tiết giảm tối đa nguồn kinh phí đầu tư, giảm tải gánh nặng cho ngân sách.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích