Vĩnh Phúc: Chỉ đạo xử lý khẩn cấp tình trạng nứt mặt đê Cà Lồ – Nam Viêm
(Xây dựng) – Mới đây, ông Vũ Chí Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai trên tuyến đê Cà Lồ – Nam Viêm do thành phố Phúc Yên quản lý.
Lãnh đạo UBND thành phố Phúc Yên cùng đại diện các cơ quan chuyên môn kiểm tra hiện trường các vết lún nứt tại đê Bá Hanh. |
Theo đó, hiện tượng nứt mặt đê xuất hiện từ tháng 7/2023. Thời gian đầu, các vết nứt nhỏ, ngắn và nông, sau đó các vết nứt liên tục có diễn biến lan rộng phức tạp tại những đoạn đê không có khu dân cư từ tháng 11-12/2023. Những tháng đầu năm 2024, trên địa bàn thành phố có những đợt mưa lớn cục bộ kết hợp mực nước sông Cà Lồ luôn ở mức thấp, dẫn đến hiện tượng nứt mặt đê phát triển mạnh, cá biệt có những vị trí khe nứt đến 5cm và đang có xu hướng ngày càng phát triển thêm cả về chiều rộng, chiều dài và chiều sâu.
Qua kiểm tra, đánh giá sơ bộ nguyên nhân chính gây nứt lún mặt đê là tuyến đê được xây dựng từ lâu, do nhân dân sinh sống ven đê gia cố đắp đê, vật liệu đất đắp đê không đảm bảo tiêu chuẩn, nên còn nhiều ẩn họa trong thân đê. Thực tế, theo số liệu khảo sát của đơn vị tư vấn địa chất thân đê có hàm lượng hạt bụi (35,2%) và hạt sét (31,8%) cao dễ bị trương nở khi có nước, co ngót về mùa khô và có xu hướng nứt dọc đê.
Trên tuyến đê Cà Lồ – Nam Viêm do UBND thành phố Phúc Yên quản lý có một số vị trí bị sạt lở, lún, sụt nền, nứt mặt đê, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đê điều. Đoạn 1 từ K2 +165 đến K2+285 dài khoảng 120m, bề rộng vết nứt khoảng 2-5cm, chiều sâu vết nứt khoảng 10-20cm. Đoạn 2 từ K2+305 đến K2+395 dài khoảng 90m, bề rộng vết nứt khoảng 1-3cm, chiều sâu vết nứt khoảng 10-20cm.
Đoạn 3 từ K2+410 đến K2+590 dài khoảng 180m, bề rộng vết nứt khoảng 1-4cm, chiều sâu vết nứt khoảng 10-25cm, cá biệt có một số chỗ sâu 35cm. Đoạn 4 từ K2+720 đến K3+050 dài khoảng 330m, bề rộng vết nứt khoảng 3-6cm, chiều sâu vết nứt khoảng 30-50cm, cá biệt có một vài vị trí sâu đến 60cm; vết nứt có xu hướng phát triển thêm cả về chiều rộng, chiều sâu và chiều dài.
Nhiều vết nứt kéo dài xuất hiện trên đê Bá Hanh khiến cư dân lo lắng về nguy cơ không đảm bảo an toàn. |
Do vậy, để tránh những thiệt hại không đáng có cho công trình và người dân, UBND tỉnh giao thành phố Phúc Yên có trách nhiệm duy trì thực hiện việc cảnh báo thông báo rộng rãi, về tình hình sự cố đến toàn thể nhân dân sinh sống trong vùng ảnh hưởng. Chuẩn bị vật tư, nhân lực, phương tiện để chủ động xử lý khi có tình huống bất lợi, nghiên cứu các biện pháp gia cố tạm thời tại các vị trí nứt trên mặt đê, để hạn chế việc lan rộng các vết nứt mặt đê khi có diễn biến thời tiết bất lợi.
Lập chốt trực, tổ chức phân luồng giao thông, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông cho người và các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đê.
Phối hợp cùng với đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi chặt chẽ diến biến sự cố. Trường hợp phát hiện tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, báo cáo ngay về Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của tỉnh.
Tổ chức triển khai các bước tiếp theo để xử lý tình huống khẩn cấp về thiên tai trên tuyến đê Cà Lồ – Nam Viêm theo quy định. Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện để tháo gỡ khó khăn, vướng mặc kịp thời, sớm hoàn thành việc xử lý sự cố.
Trước đó, Báo điện tử Xây dựng đã có thông tin phản ảnh về tình trạng mất an toàn mặt đê Bá Hanh (tuyến đê Cà Lồ – Nam Viêm) đoạn qua xã Cao Minh, thành phố Phúc Yên xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo an toàn cho các phương tiện giao thông, cũng như nguy cơ đe dọa tính mạng người dân khi mưa bão sắp đến.
Nguồn: Báo xây dựng