Vĩnh Phúc: Ban hành quy định quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc trên địa bàn tỉnh
(Xây dựng) – UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa ban hành quy định một số nội dung liên quan đến công tác quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc trên địa bàn tỉnh.
Công tác quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc từng bước được nâng cao. |
Quy định được ban hành liên quan đến kinh phí cho công tác quy hoạch xây dựng; thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng; thỏa thuận phương án kiến trúc công trình; lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy chế quản lý kiến trúc, danh mục các công trình kiến trúc có giá trị…
Theo đó, việc quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và kiến trúc trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đảm bảo thống nhất trong trình tự thực hiện gắn với trách nhiệm và thẩm quyền từ bước xây dựng danh mục, kế hoạch, lập, thẩm định, phê duyệt, quyết toán và lưu trữ hồ sơ.
Việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng; thỏa thuận phương án kiến trúc công trình; lập, thẩm định, phê duyệt quy chế quản lý kiến trúc, danh mục các công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn thành phố phải tuân thủ quy định của pháp luật, các quy hoạch cấp trên được cấp thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu quản lý của địa phương.
Đối với các công trình thuộc danh mục bí mật Nhà nước, việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước.
Đối với các hồ sơ, đồ án đã hoàn thành thẩm định và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước thời điểm quy định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo các quy định trước đây và theo chỉ đạo của UBND tỉnh, hướng dẫn của Sở Xây dựng.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh bằng văn bản về Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh Vĩnh Phúc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Trước đó, tháng 12/2023, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc đã tổ chức công bố và bàn giao quy chế quản lý kiến trúc đô thị cho các địa phương trên địa bàn tỉnh. Số lượng quy chế được tổ chức lập, phân chia làm 3 cấp độ trên cơ sở liên quan đến quy mô, tính chất, vị trí địa lý và đặc điểm của đô thị khác nhau. Trong đó, 2 quy chế được lập cho thành phố trực thuộc tỉnh (Vĩnh Yên và Phúc Yên); 7 quy chế lập cho các thị trấn trung tâm huyện gồm: Yên Lạc, Vĩnh Tường, Lập Thạch, Hợp Hòa, Hương Canh, Tam Hợp và Hợp Châu; 9 quy chế cho thị trấn riêng lẻ gồm: Bá Hiến, Gia Khánh, Đạo Đức, Thanh Lãng, Tứ Trưng, Hoa Sơn, Đại Đình, Tam Đảo và Thổ Tang.
Trong tổng số 18 quy chế thì có 5/9 địa phương lập 1 quy chế cho đô thị trung tâm gồm: Thành phố Vĩnh Yên, thành phố Phúc Yên, huyện Tam Dương, huyện Sông Lô, huyện Yên Lạc. Huyện Lập Thạch lập 2 quy chế. Huyện Vĩnh Tường, huyện Tam Đảo lập 3 quy chế. Huyện Bình Xuyên lập 5 quy chế.
Đây là công cụ quản lý Nhà nước có vai trò quan trọng trong định hướng, đảm bảo tính thống nhất trong quản lý từ không gian tổng thể đến không gian cụ thể của công trình kiến trúc, phù hợp với định hướng phát triển kiến trúc quốc gia, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và góp phần phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống.
Nguồn: Báo xây dựng