Vĩnh Phúc: 120 năm hình thành, xây dựng và phát triển thị trấn Tam Đảo

(Xây dựng) – Trải qua 120 năm hình thành, xây dựng và phát triển, thị trấn Tam Đảo từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch Việt Nam cũng như thế giới, được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến và yêu mến, xứng đáng với danh hiệu “Thị trấn điểm đến hàng đầu thế giới”.

Vĩnh Phúc: 120 năm hình thành, xây dựng và phát triển thị trấn Tam Đảo
Bác Hồ thăm công trường xây dựng tái thiết Tam Đảo sau chiến tranh ngày 19/5/1955. (Ảnh: Tư liệu)

Trước khi được biết đến, Tam Đảo là một vùng núi non hiểm trở, nơi sinh sống của một số gia đình người dân tộc Cao Lan, chưa có đường cho xe cơ giới, đường lên núi chỉ là những đường mòn quanh co dưới những tán rừng rậm.

Tam Đảo có diện tích khoảng 300ha, nơi đây có 3 ngọn núi cao hùng vĩ với nhiều tích truyền mang màu sắc thần thoại. Trong đó, núi Thiên Thị (Chợ trời) cao 1.378m. Do trên núi có bãi bằng phẳng, rải rác có những tảng đá mọc cao thấp, nhấp nhô như người trời xuống họp chợ, do đó được gọi là Thiên Thị.

Núi Thạch Bàn cao 1.388m. Tương truyền là nền của chùa Đồng Cổ ngày xưa. Trên núi có một phiến đá lớn bằng phẳng như một chiếc bàn, vì thế gọi là Thạch Bàn (bàn đá). Trên đây còn lưu dấu bàn cờ, tương truyền xưa là nơi các vị tiên thường giáng trần đánh cờ.

Núi Phù Nghĩa (hay còn gọi là núi Phù Nghì, núi Rùng Rình) cao 1.400m. Tương truyền, vợ chồng Lang Liêu từng đến đây lấy lá dong gói bánh chưng dâng Vua Hùng và quan trọng hơn cũng chính nơi đây, Vua Hùng thường cử các quan đến cầu giúp việc nghĩa cho giang sơn, vì thế gọi là Phù Nghĩa.

Sau khi phát hiện ra Tam Đảo, với mục đích xây dựng khu nghỉ dưỡng cho các viên chức vào mùa hè để tránh thời tiết nóng ẩm nhiệt đới, ngày 27/10/1904, Phó Toàn quyền Đông Dương Broni đã ký nghị định về việc xây dựng, triển khai công trình Khu điều dưỡng Tam Đảo (nay là thị trấn Tam Đảo, Khu du lịch quốc gia Tam Đảo).

Tam Đảo được ví như “Đà Lạt của miền Bắc” với núi non, cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, cùng khí hậu mang hơi hướng châu Âu mát mẻ quanh năm và thú vị hơn trong một ngày ở Tam Đảo, thời tiết có thể luân chuyển 4 mùa rõ nét.

Từ năm 1907, dự án tiếp tục được thực hiện, người Pháp tiến hành mộ phu xây cầu cống và khu nghỉ mát trên thung lũng có đường kính khoảng 2km. Ròng rã trong khoảng 40 năm, Tam Đảo được xây dựng khá hoàn chỉnh với nhiều công trình kiên cố.

Điển hình là Khách sạn – Nhà hàng Thác Bạc, 145 biệt thự lớn, nhỏ của tư nhân và các công ty, nhà điều dưỡng của Hội truyền giáo Tây Ban Nha, đồn lính khố xanh, trường học, trạm y tế, sân vận động, bể bơi, nhà thờ, vườn hoa, công viên, ki-ốt, rồi dần dần hình thành 2 làng riêng là làng Tây và làng An Nam.

Vĩnh Phúc: 120 năm hình thành, xây dựng và phát triển thị trấn Tam Đảo
Toàn cảnh khu nghỉ mát Tam Đảo thập niên 1920 thời Pháp thuộc.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, những người dân bị bắt đi phu ở Tam Đảo chủ yếu đến từ các vùng Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình… để đảm nhiệm việc mở đường, xây dựng các công trình phục vụ trạm nghỉ dưỡng mùa hè chịu nhiều khổ cực đã sớm giác ngộ cách mạng, hình thành nên các đội tự vệ đấu tranh với chế độ thực dân.

Từ tháng 4 đến tháng 7/1945, thực hiện chỉ thị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung đội Giải phóng quân Phạm Hồng Thái do đồng chí Thạch Sơn (Nguyễn Huy Minh) làm Trung đội trưởng đã tổ chức xây dựng cơ sở quần chúng Việt Minh dọc theo chân núi Tam Đảo, trong làng An Nam và trong đội quân Bảo an của địch.

Tháng 7/1945, Trung đội nhận lệnh tiến công tiêu diệt quân Nhật đang chiếm đóng Tam Đảo để mở rộng địa bàn hoạt động của ta. Sáng 16/7/1945, Trung đội phối hợp với lực lượng Bảo an binh và du kích tỉnh Vĩnh Yên chia làm 4 mũi tiến công áp sát tiêu diệt đồn binh Nhật đóng ở khu vực nhà thờ đá Tam Đảo.

Sau nhiều giờ chiến đấu, toàn bộ lính Nhật bị tiêu diệt, bắt sống, ta thu nhiều chiến lợi phẩm gồm hàng chục súng máy, súng bộ binh cùng các loại trang thiết bị vũ khí khác như lựu đạn, ống nhòm…

Thị trấn Tam Đảo được giải phóng, gieo niềm tin lớn vào lực lượng quân đội ta trong quần chúng nhân dân. Với sự tham gia nhiệt thành của người dân, đã xuất hiện nhiều quần chúng ưu tú, yêu nước. Đến tháng 10/1947, Chi bộ Đảng xã Tam Đảo được thành lập với 3 Đảng viên.

Trong 2 cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nơi đây trở thành an toàn khu, là nơi làm việc của nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Đây cũng là nơi đặt Sở chỉ huy chiến dịch Trần Hưng Đạo do Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy (giai đoạn từ 25/12/1950 – 16/1/1951).

Vĩnh Phúc: 120 năm hình thành, xây dựng và phát triển thị trấn Tam Đảo
Khách sạn Venus đạt tiêu chuẩn 5 sao tại Khu du lịch Tam Đảo.

Đặc biệt, Tam Đảo đã vinh dự được đón Bác Hồ về nghỉ dưỡng và làm việc nhiều lần. Trong đó, đúng dịp sinh nhật lần thứ 65 của Người (19/5/1955), khi về thăm công trường Tam Đảo đang xây dựng, tái thiết sau chiến tranh, Người đã căn dặn: “Phải xây dựng làm sống lại vẻ đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người, xứng đáng là khu nghỉ mát do chúng ta làm nên trên đống hoang tàn của chiến tranh”.

Với những thành tích xuất sắc trong tham gia kháng chiến và xây dựng đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thị trấn Tam Đảo nhiều lần được Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý như Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Nhì, Ba; 1 mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng…

Về địa giới hành chính, trước năm 1966, Tam Đảo là một xã thuộc huyện Tam Dương; ngày 18/11/1966, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 198-CP về việc thành lập thị trấn Tam Đảo trực thuộc thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 2004, huyện Tam Đảo được thành lập, thị trấn Tam Đảo được điều chuyển trực thuộc huyện Tam Đảo.

Trải qua các thời kỳ lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thị trấn Tam Đảo luôn phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đoàn kết, đóng góp không nhỏ sức người, sức của vào sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Vĩnh Phúc: 120 năm hình thành, xây dựng và phát triển thị trấn Tam Đảo
Hướng tới xây dựng thị trấn Tam Đảo là địa danh du lịch, nghỉ dưỡng an toàn, văn minh.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Nguyễn Duy Dũng, Chủ tịch UBND thị trấn Tam Đảo cho biết: Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương cùng sự chung tay của người dân, thị trấn Tam Đảo từng bước “thay da, đổi thịt”, hệ thống cơ sở hạ tầng của thị trấn Tam Đảo được đầu tư đúng mức, đường giao thông được nâng cấp, mở rộng, tạo điều kiện giao thương thuận lợi cho người dân phát triển thương mại, dịch vụ và khách du lịch đến tham quan, lưu trú tận hưởng vẻ đẹp thơ mộng của Khu du lịch thị trấn Tam Đảo.

Đến nay, thị trấn Tam Đảo có gần 200 cơ sở lưu trú, hàng chục khách sạn cao cấp từ 3 sao đến 5 sao với gần 100 nhà hàng cùng 3.500 phòng lưu trú, có thể phục vụ gần 1 vạn khách/ngày đêm, tăng gấp đôi so với 10 năm trước.

Cùng với đó, công tác cải cách thủ tục hành chính được quan tâm và đẩy mạnh. Công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được quan tâm, chú trọng. Lĩnh vực văn hóa – xã hội ngày càng phát triển. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và duy trì ổn định. Công tác xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm đất đai được tăng cường.

Trải qua 120 năm hình thành, xây dựng và phát triển, Tam Đảo đã từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch Việt Nam cũng như thế giới, được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến và yêu mến. Đặc biệt, năm 2022, năm 2023, vượt qua hàng loạt các thị trấn du lịch hàng đầu thế giới, Tam Đảo đã được Tổ chức World Travel Awards (Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới) vinh danh là “Thị trấn điểm đến hàng đầu thế giới”, góp phần hướng tới xây dựng thị trấn Tam Đảo là địa danh du lịch, nghỉ dưỡng an toàn, văn minh, khai thác hết được tiềm năng, lợi thế đặc trưng của vùng đất được thiên nhiên ưu ái, ban tặng.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích