Vĩnh Long: Cần hơn 100.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở

(Xây dựng) – UBND tỉnh Vĩnh Long vừa ban hành Quyết định số 1741/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung Quyết định số 3052/QĐ-UBND ngày 09/11/2020 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Vĩnh Long đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035. Theo Quyết định này, tổng nhu cầu vốn để phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 là 44.229 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 là 56.201 tỷ đồng.

Vĩnh Long: Cần hơn 100.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở
Một góc dự án nhà ở Khu đô thị T&T Tam Đa Vĩnh Long.

UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết: Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 1384/TTr-SXD, ngày 03/7/2023, UBND tỉnh Vĩnh Long quyết định: Sửa tên Quyết định số 3052/QĐ-UBND ngày 09/11/2020 của UBND tỉnh từ “Về việc phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Vĩnh Long đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035” thành: “Quyết định về việc phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2030”. Sửa đổi, bổ sung Điều 1 Quyết định số 3052/QĐ-UBND ngày 09/11/2020 của UBND tỉnh, nội dung cụ thể như sau:

Sửa đổi nội dung Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5, Khoản 6 Điều 1 Quyết định số 3052/QĐ-UBND của UBND. Theo đó, sửa đổi, bổ sung Khoản 2. Định hướng phát triển nhà ở. Định hướng phát triển nhà ở khu vực đô thị: Tuân thủ theo quy hoạch được phê duyệt; Gắn với chương trình phát triển đô thị; Đẩy mạnh phát triển nhà ở thương mại theo dự án góp phần đa dạng hóa sản phẩm nhà ở cho người dân lựa chọn, giải quyết một phần nhu cầu nhà ở của người dân, tiết kiệm nguồn lực đất đai, tạo cảnh quan khang trang, hiện đại cho tỉnh; Phát triển nhà ở có quy mô, cơ cấu, giá cả đa dạng đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp, đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội.

Định hướng phát triển nhà ở khu vực nông thôn: Phù hợp với quy hoạch nông thôn mới; Tổ chức dân cư và phát triển nhà ở theo hướng tập trung tại trung tâm xã và hình thành các điểm dân cư tập trung; đưa dân định cư phân tán rải rác trong nội đồng, nhà sàn trên các tuyến kênh rạch vùng sâu vào các điểm dân cư tập trung. Phát triển nhà ở hình thành các tuyến dân cư nông thôn theo các trục hành lang chính kết nối với các đô thị nhằm khai thác hạ tầng sẵn có.

Hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng xây dựng tự phát, đặc biệt tại các khu vực ven sông kênh rạch, vùng nguy hiểm dễ bị sạt lở; Huy động khả năng của các hộ gia đình, cá nhân kết hợp sự giúp đỡ hỗ trợ của cộng đồng và các thành phần kinh tế để thực hiện mục tiêu cải thiện nhà ở; thực hiện chính sách ưu tiên và hỗ trợ cải thiện nhà ở cho đồng bào dân tộc, các hộ gia đình nghèo; từng bước xóa bỏ loại hình nhà ở thiếu kiên cố, đơn sơ, phát triển nhà ở thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Sửa đổi, bổ sung Khoản 3. Mục tiêu phát triển nhà ở. Sửa đổi, bổ sung mục tiêu trong giai đoạn đến năm 2025: Diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn tỉnh phấn đấu đạt 30,0m2 sàn/người, trong đó, tại khu vực đô thị đạt 29,4m2 sàn/người và tại khu vực nông thôn đạt 30,2m2 sàn/người. Phấn đấu nâng chất lượng nhà ở kiên cố và bán kiên cố đạt 96,9%, giảm tỷ lệ nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ còn 3,1%. Hoàn thành việc xây dựng thêm được khoảng 5.380.000m2 sàn nhà ở trên địa bàn tỉnh, tương đương với khoảng 37.093 căn nhà.

Trong đó: Phát triển tăng thêm được khoảng 1.252.978m2 sàn nhà ở thương mại, nhà ở trong các khu đô thị, khu dân cư, tương đương khoảng 8.353 căn nhà xây dựng mới. Phát triển tăng thêm được khoảng 161.000m2 sàn nhà ở xã hội, tương đương khoảng 2.300 căn nhà xây dựng mới. Tiếp tục kêu gọi, đầu tư phát triển các dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp khu vực đô thị, cán bộ công chức viên chức, công nhân tại các khu công nghiệp,…

Khuyến khích người dân tự xây dựng mới, cải tạo nhà ở đạt chất lượng kiên cố hoặc bán kiên cố. Phấn đấu trong giai đoạn 2021 – 2025 diện tích sàn nhà ở do hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng tăng thêm khoảng 3.966.023m2 sàn, tương ứng khoảng 26.440 căn nhà. Không thực hiện các dự án xây dựng nhà ở tái định cư mà bố trí vốn ngân sách thực hiện đầu tư hạ tầng và bố trí quỹ đất tái định cư cho người dân đáp ứng 100% nhu cầu tái định cư trong từng giai đoạn. Tiếp tục thực hiện hỗ trợ nhà ở theo chương trình mục tiêu.

Sửa đổi, bổ sung mục tiêu giai đoạn 2026-2030: Diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn tỉnh phấn đấu đạt khoảng 36,0m2 sàn/người, trong đó, tại khu vực đô thị đạt 33,9m2 sàn/người và tại khu vực nông thôn đạt 36,9m2 sàn/người, chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu đạt 10m2 sàn/người. Đến năm 2030, toàn tỉnh phấn đấu nâng chất lượng nhà ở kiên cố và bán kiên cố đạt 97,4%, giảm tỷ lệ nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ còn 2,6%.

Hoàn thành việc xây dựng thêm được khoảng 6.186.000m2 sàn nhà ở trên địa bàn tỉnh, tương đương với khoảng 43.160 căn nhà. Trong đó: Phát triển tăng thêm được khoảng 1.571.375m2 sàn nhà ở thương mại, nhà ở trong các khu đô thị, khu dân cư, tương đương khoảng 10.476 căn nhà xây dựng mới. Phấn đấu tăng thêm được khoảng 252.000m2 sàn nhà ở xã hội, tương đương khoảng 3.600 căn nhà xây dựng mới.

Tiếp tục kêu gọi, đầu tư phát triển các dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp khu vực đô thị, cán bộ công chức viên chức, công nhân tại các khu công nghiệp,… Khuyến khích người dân tự xây dựng mới, cải tạo nhà ở. Phấn đấu trong giai đoạn 2026 – 2030 diện tích sàn nhà ở do hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng tăng thêm khoảng 4.362.625m2 sàn, tương ứng khoảng 29.084 căn nhà.

Không thực hiện các dự án xây dựng nhà ở tái định cư mà bố trí vốn ngân sách thực hiện đầu tư hạ tầng và bố trí quỹ đất tái định cư cho người dân đáp ứng 100% nhu cầu tái định cư trong từng giai đoạn. Tiếp tục thực hiện hỗ trợ nhà ở theo chương trình mục tiêu.

Sửa đổi, bổ sung khoản 4. Quỹ đất để phát triển nhà ở: Nhu cầu về diện tích đất để xây dựng các loại nhà ở đến năm 2030 khoảng 1.578,79ha, trong đó nhu cầu diện tích đất để xây dựng các loại nhà ở giai đoạn 2021- 2025 là 736,56ha, giai đoạn 2026-2030 là 842,23ha.

Sửa đổi, bổ sung khoản 5. Nhu cầu nguồn vốn phát triển nhà ở. Tổng nguồn vốn: Giai đoạn đến năm 2025 là 44.229 tỷ đồng, trong đó: Nhà ở thương mại, khu đô thị, khu dân cư khoảng 10.475 tỷ đồng. Nhà ở xã hội khoảng 1.776 tỷ đồng. Nhà ở riêng lẻ do hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng khoảng 31.978 tỷ đồng. Giai đoạn 2026 – 2030 là 56.201 tỷ đồng, trong đó, nhà ở thương mại, khu đô thị, khu dân cư khoảng 14.450 tỷ đồng; Nhà ở xã hội khoảng 3.058 tỷ đồng; Nhà ở riêng lẻ do hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng khoảng 38.693 tỷ đồng.

Cơ cấu nguồn vốn bao gồm vốn ngân sách, vốn hỗ trợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội và vốn từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình. Nhà ở thương mại được đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng. Nhà ở hộ gia đình, cá nhân do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng. Nhà ở xã hội được đầu tư chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng ưu đãi, Ngân hàng Chính sách xã hội… Hỗ trợ nhà ở theo các chương trình mục tiêu từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương.

Sửa đổi, bổ sung khoản 6. Giải pháp chính thực hiện. Bổ sung giải pháp về chính sách, quy hoạch: Nghiên cứu, đề xuất ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi trên địa bàn tỉnh nhằm thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực tham gia phát triển nhà ở, hạ tầng đô thị. Trong quá trình lập quy hoạch đô thị, thực hiện điều chỉnh, quy hoạch lại, tái thiết các khu dân cư hiện hữu theo hướng giảm mật độ tập trung dân cư kết hợp mô hình nhà ở cao tầng hiện đại, đảm bảo đồng bộ hạ tầng, hoặc có kế hoạch cải tạo, nâng cấp hạ tầng khu dân cư hiện hữu; ưu tiên triển khai thực hiện các dự án nhà ở chung cư cao tầng tại các vị trí tiếp cận thuận tiện với các trục giao thông công cộng lớn.

Giải pháp huy động nguồn lực để thực hiện chương trình: Tận dụng tối đa các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, vốn vay từ ngân hàng, nguồn vốn ngân sách tỉnh, nguồn vốn huy động hợp pháp từ các tổ chức, doanh nghiệp và người dân để đầu tư xây dựng nhà ở. Sử dụng nguồn thu từ quỹ đất 20% tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để thực hiện hỗ trợ một phần chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng đối với các dự án nhà ở xã hội.

Tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng cho phù hợp, chú ý xác định rõ quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại cho phù hợp với nhu cầu phát triển nhà tại mỗi đơn vị hành chính; làm căn cứ đẩy nhanh công tác chấp thuận đầu tư các dự án nhằm tăng tính hấp dẫn trong việc kêu gọi các doanh nghiệp bỏ vốn để thực hiện các dự án đầu tư bất động sản, nhà ở. Mở rộng quy mô của các quỹ từ thiện để bổ sung kinh phí hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách kết hợp với các chương trình mục tiêu…

UBND tỉnh Vĩnh Long giao Sở Xây dựng Vĩnh Long: Tổ chức triển khai thực hiện Chương trình phát triển nhà ở; tham mưu, đề xuất UBND tỉnh đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã trong từng thời kỳ và hàng năm để triển khai thực hiện; chỉ đạo, điều hành và kiểm điểm kết quả thực hiện theo định kỳ.

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện lập, điều chỉnh Kế hoạch phát triển nhà ở 05 năm và xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm trình UBND tỉnh phê duyệt. Hướng dẫn, tham gia ý kiến vào các đồ án quy hoạch dự án nhà ở và khu đô thị của các địa phương để bố trí quỹ đất phát triển từng loại nhà ở trên phạm vi địa bàn quản lý.

Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện việc hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách của các xã trên địa bàn (gồm số hộ gia đình đã được hỗ trợ, số nhà ở đã được xây dựng mới hoặc sửa chữa, số tiền hỗ trợ đã cấp cho các hộ gia đình, số tiền huy động được từ các nguồn khác, các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị trong quá trình thực hiện).

Kiểm tra đôn đốc việc thực hiện Chương trình phát triển nhà ở tại các địa phương. Chủ trì phối hợp với các ngành liên quan, tham mưu xây dựng quy định về quản lý dự án nhà ở sau đầu tư xây dựng; Nghiên cứu, ban hành các mẫu nhà ở phù hợp với điều kiện và đặc thù của các địa phương để tham khảo, áp dụng, đặc biệt cho các hộ nghèo chịu ảnh hưởng bởi thiên tai biến đổi khí hậu. Chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện và các Sở, ngành có liên quan triển khai thực hiện Chương trình phát triển nhà ở; hướng dẫn, đôn đốc và giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện; tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện chương trình, kế hoạch với HĐND, UBND tỉnh, Bộ Xây dựng định kỳ và đột xuất theo yêu cầu. Phối hợp tham gia ý kiến vào hồ sơ đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn có liên quan.

Chủ trì, tham mưu UBND tỉnh triển khai xây dựng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long theo quy định tại Nghị định số 44/2022/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29/6/2022. Nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh xây dựng, ban hành Đề án phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long thực hiện Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 3/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”.

Sở Xây dựng đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng, tham mưu UBND cấp tỉnh đăng tải công khai chương trình trên Cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh; đồng thời, gửi chương trình về Bộ Xây dựng để theo dõi, quản lý…

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích