Vinh danh Copenhagen trở thành Thủ đô Kiến trúc Thế giới năm 2023
Vinh danh Copenhagen trở thành Thủ đô Kiến trúc Thế giới năm 2023
Theo dõi MTĐT trên
Thủ đô Copenhagen của Đan Mạch được tổ chức UNESCO kết hợp cùng Liên minh Kiến trúc sư Quốc tế (UIA) trao danh hiệu World Capital of Architecture 2023 (Thủ đô Kiến trúc Thế giới 2023).
Lễ vinh danh được tổ chức tại trụ sở Hội đồng thành phố Copenhagen ngày 17/1. Dự kiến, trong năm nay, tại thành phố này sẽ diễn ra khoảng 300 sự kiện liên quan đến lĩnh vực kiến trúc với chủ đề bao trùm “Tương lai bền vững – Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Trong số các sự kiện này, đáng chú ý là Đại hội Kiến trúc sư thế giới 2023 diễn ra vào tháng 7 tới, nơi dự kiến quy tụ hơn 10.000 chuyên gia tham dự. Sự kiện sẽ do Bella Center – Trung tâm hội nghị và triển lãm lớn nhất vùng Scandinavia tại Copenhagen tổ chức.
Thị trưởng Copenhagen, bà Sophie Andersen, cho biết đây là cơ hội để giới thiệu các giải pháp của Đan Mạch trong lĩnh vực kiến trúc, phát triển đô thị và tính bền vững, cũng như là dịp quan trọng nhằm thúc đẩy đối thoại về việc phát triển thủ đô hơn nữa trong tương lai. Theo bà, nếu Copenhagen tiếp tục là một trong những thành phố tốt nhất thế giới, thì thành phố này cần phải giải quyết những thách thức lớn của thời đại như biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng và thiếu nhà ở.
Đại hội Kiến trúc Thế giới là sự kiện quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực quy hoạch và kiến trúc đô thị, được tổ chức bởi Liên minh Kiến trúc sư Quốc tế từ năm 1948. Cứ 3 năm 1 lần, UIA cùng UNESCO sẽ chọn ra một thành phố đã có những thành công nhất định trong quy hoạch đô thị và kiến trúc bền vững để thắp sáng ngọn đuốc của Đại hội Kiến trúc sư thế giới, sự kiện diễn ra tại nơi được vinh danh là Thủ đô Kiến trúc Thế giới. Trước Copenhagen, Thủ đô Kiến trúc Thế giới là thành phố Rio de Janeiro của Brazil. Hiện Copenhagen đã nhận ngọn đuốc của danh hiệu Thủ đô Kiến trúc Thế giới từ Rio de Janeiro.
Không chỉ được vinh danh là Thủ đô Kiến trúc, Copenhagen còn đứng đầu trong bảng xếp hạng Chỉ số An toàn đô thị (Safe Cities Index – SCI) năm 2021 với 82,4/100 điểm theo nghiên cứu và đánh giá của tờ The Economist.
Một trong những yếu tố quan trọng giúp Copenhagen vượt qua Tokyo, Osaka (Nhật Bản) và Singapore – những thành phố luôn đứng đầu bảng xếp hạng của các năm trước để giành vị trí top đầu, là do năm nay vấn đề an ninh môi trường được thêm vào 5 tiêu chí quan trọng đánh giá Chỉ số An toàn đô thị của một thành phố. Theo đó, Copenhagen làm tốt hơn hẳn những đối thủ khác bởi các chiến lược hiệu quả nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Cũng trong năm nay, Copenhagen vinh dự nằm trong top 5 thành phố bền vững nhất thế giới do trang web Uswitch (Anh) bình chọn. Copenhagen là 1 trong 2 thành phố châu Âu duy nhất lọt top 5, cùng với Madrid của Tây Ban Nha.
Đối với giới kiến trúc sư, Copenhagen là biểu tượng của những sáng tạo đột phá hướng tới sự bền vững: không gian công cộng, văn hóa xe đạp, kiến trúc và ẩm thực.
Tại Copenhagen, hạ tầng kiến trúc đô thị phục vụ người dân đi bộ và đi xe đạp hơn hẳn hạ tầng dành cho ô tô về cả số lượng và chất lượng. Cùng với đó, thành phố này cũng ứng dụng mô hình “thành phố 5 phút” với việc tận dụng mật độ đô thị để phân bổ các cơ sở dịch vụ sao cho con người có thể tiếp cận các cơ sở này với thời gian di chuyển rất ngắn bằng cách đi bộ, đi xe đạp hoặc phương tiện giao thông công cộng.
Ngoài ra, kiến trúc đô thị của Copenhagen có sự kết nối với một yếu tố sinh thái cực kỳ quan trọng: Nước. Khác với những thành phố công nghiệp phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm nước công cộng nghiêm trọng, trong quá trình chuyển đổi từ một cảng công nghiệp sang thành phố bền vững, Copenhagen đặc biệt coi trọng yếu tố nước bằng việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải và điều tiết nước thông minh.
Dân cư và khách du lịch tại Copenhagen có thể thoải mái bơi lội tại công viên, cầu, bến cảng bởi dòng nước luôn xanh và trong. Khắp thành phố là những bậc thang dẫn xuống dòng nước, câu lạc bộ chèo thuyền, bơi lội, cano, bể bơi, khách sạn nổi mini…, cho phép người dân tương tác với dòng nước một cách an toàn và thoải mái. Điều này cũng trở thành một nét văn hóa đặc biệt của thành phố và đóng góp tích cực vào lối sống lành mạnh, chan hòa với thiên nhiên của cư dân.
Có thể nói, kiến trúc của thành phố Copenhagen luôn mang tính định hướng con người đến một lối sống bền vững: Không ô tô, không rác thải, không ô nhiễm, không lãng phí và thân thiện với hệ sinh thái. Copenhagen đặt mục tiêu trở thành thành phố không carbon vào năm 2030. Trong tương lai, rõ ràng thành phố này hoàn toàn có thể trở thành biểu tượng của đô thị phát triển bền vững và đạt mức phát thải ròng bằng 0 như mong muốn, với định hướng quy hoạch và kiến trúc hiệu quả.
Là “Thủ đô Kiến trúc Thế giới” vào năm 2023, Thủ đô Copenhagen sẽ tổ chức một loạt các sự kiện và chương trình lớn với chủ đề “Tương lai bền vững – Không bỏ lại ai phía sau”. Với sự hợp tác của Hiệp hội Kiến trúc sư Đan Mạch và các cơ quan chuyên môn khác nhau của khu vực Bắc Âu, thành phố này sẽ xem xét kiến trúc và thiết kế đô thị đóng góp như thế nào để đáp ứng 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Sau Copenhagen, Barcelona của Tây Ban Nha vừa được tuyên bố trở thành Thủ đô Kiến trúc Thế giới vào năm 2026 và là nơi đăng cai tổ chức Đại hội Kiến trúc sư Thế giới tiếp theo. Barcelona và Bắc Kinh đều chạy đua cho danh hiệu này, nhưng thành phố Catalan đã chiến thắng với thông điệp mang tên “Một hôm nay, một ngày mai”, khám phá cách tiếp cận của thành phố đối với tính bền vững và tương lai của môi trường.
Đại Phong (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị