Viettel giữ vững vị trí số 1 trong chuyển đổi số lĩnh vực công
Theo báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 của Viettel, 67% sản phẩm chuyển đổi số (CĐS) mới được Viettel phát triển đều phục vụ lĩnh vực công như Hệ thống giám sát hình ảnh từ camera xe ô tô, Sổ tay Đảng viên…
Trong CĐS cho các lĩnh vực y tế, giáo dục, Viettel tiếp tục duy trì vị trí số 1 với các giải pháp bệnh viện thông minh, ứng dụng sổ sức khỏe điện tử, nền tảng giáo dục thông minh, cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, giải pháp lớp học thông minh và nhận dạng điểm danh…
Với khối doanh nghiệp, Viettel cũng đã xúc tiến, tư vấn triển khai CĐS chuyên sâu, toàn diện cho hơn 200 khách hàng thuộc 5 lĩnh vực trọng điểm: tài chính ngân hàng, năng lượng, logistics, sản xuất, bán lẻ, tăng 25% so với cùng kỳ 2021. Các sản phẩm, dịch vụ CĐS cũng được Viettel triển khai cho Chính phủ, Bộ ngành và khối doanh nghiệp tại các thị trường Myanmar, Campuchia, Lào, Haiti, Burundi, Úc.
Thực hiện chương trình CĐS quốc gia nhằm mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, Viettel tiếp tục đóng góp vai trò tích cực trong 6 tháng đầu năm qua.
Đến nay, Viettel đã ký thỏa thuận hợp tác CĐS với khoảng 80 cơ quan Đảng, Chính phủ, bộ ngành, tổ chức, doanh nghiệp… với 112 hợp đồng được ký mới trong 6 tháng đầu năm 2022. Doanh thu lĩnh vực dịch vụ giải pháp công nghệ thông tin của Viettel trong thời gian này tăng trưởng 14% so với năm 2021.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng cho biết, năm 2022 là năm thứ ba, Viettel tuyên bố chuyển dịch thành một công ty công nghệ, công ty cung cấp dịch vụ số.
“Viettel sẽ tiếp tục hành trình tiên phong trong việc tận dụng những công nghệ này để mang đến hạnh phúc cho người dân, sự thịnh vượng cho đất nước; trở thành doanh nghiệp số 1 về an ninh mạng, các sản phẩm chuyển đổi số để xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số…”- ông Tào Đức Thắng nhấn mạnh.
LKL