Việt Yên (Bắc Giang): Hướng đến đô thị giàu bản sắc văn hóa
(Xây dựng) – Là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, văn hóa và hiếu học của xứ Kinh Bắc xưa, những năm qua, công tác quy hoạch phát triển đô thị luôn được Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Việt Yên đặc biệt quan tâm, trong đó chú trọng tới việc phát triển đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, gìn giữ và phát huy các yếu tố văn hóa đặc trưng.
Diện mạo đô thị trên địa bàn huyện Việt Yên đang đổi mới từng ngày. |
Vùng đất giàu truyền thống văn hóa
Việt Yên là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với trên 300 di tích lịch sử văn hóa. Nhiều ngôi đình không những mang giá trị lịch sử, văn hoá tiêu biểu mà còn trở thành biểu trưng văn hóa của làng xã Việt Nam như: Đình Thổ Hà (xã Vân Hà), đình Đông (thị trấn Bích Động), đình Mật Ninh… Nhiều ngôi chùa của huyện cũng rất nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam như: Chùa Bổ Đà (xã Tiên Sơn), chùa Vĩnh Hưng (xã Quảng Minh), chùa Sùng Nghiêm và đình làng Vân Cốc (xã Vân Trung) được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia…
Là vùng đất màu mỡ, giàu tiềm năng nên cách đây hàng nghìn năm, Việt Yên đã là nơi thu hút người dân tới sinh sống làm ăn, buôn bán. Do đó, nơi đây đã hình thành nhiều làng nghề nổi tiếng và tồn tại cho đến ngày nay. Theo số liệu thống kê, toàn huyện hiện có 6 làng được công nhận làng nghề truyền thống (Phúc Long, Chùa, Chằm, Bảy – xã Tăng Tiến; Yên Viên, Thổ Hà – xã Vân Hà) và 1 làng được công nhận làng nghề (thôn Nguyệt Đức – xã Vân Hà).
Đặc biệt, huyện Việt Yên còn bảo tồn và phát huy được hai giá trị di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu là ca trù và dân ca quan họ. Di sản văn hóa ca trù được lưu giữ trên tấm bia đá có niên đại từ năm 1693 tại đình Thổ Hà, xã Vân Hà.
Dân ca quan họ là một loại hình nghệ thuật độc đáo với hàng trăm điệu, ngàn lời, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2009. Người Việt Yên xưa nay vẫn “ăn quan họ, ngủ quan họ”. Hiện nay, toàn huyện có 18 làng quan họ được UNESCO công nhận, đưa vào danh sách bảo tồn và phát triển di sản văn hóa, trong đó có 5 làng quan họ cổ (Hữu Nghi, Nội Ninh, Mai Vũ, Giá Sơn, Sen Hồ), 125 làng quan họ thực hành, nằm dọc theo bờ Bắc sông Cầu huyền thoại và lịch sử, có 108 câu lạc bộ hát quan họ với hơn 1.800 thành viên. Toàn huyện có 2 nghệ nhân nhân dân, 13 nghệ nhân ưu tú (11 nghệ nhân quan họ, 2 nghệ nhân tuồng cổ, 1 nghệ nhân chèo, 1 nghệ nhân đàn nhị).
Những giá trị truyền thống văn hóa đặc sắc kể trên đặt ra nhiều bài toán cho việc quy hoạch phát triển đô thị trên địa bàn huyện. Khi đó, công tác quy hoạch cần có sự tỉ mỉ, kĩ lưỡng, hướng đến việc vừa phát triển đô thị hiện đại bắt kịp với xu thế, vừa giữ gìn, lưu giữ các giá trị văn hoá truyền thống.
Tạo lập bản sắc đô thị trong quá trình đô thị hóa
Trao đổi với PV Báo Xây dựng, ông Nguyễn Đại Lượng – Chủ tịch UBND huyện Việt Yên cho biết, những năm qua, huyện Việt Yên huyện có tốc độ phát triển công nghiệp – đô thị, dịch vụ vô cùng mạnh mẽ, do đó công tác quy hoạch và phát triển đô thị của huyện đã được Huyện ủy, HĐND, UBND huyện quan tâm chỉ đạo với những định hướng, chủ trương phù hợp với sự phát triển của xã hội; đồng thời có sự hỗ trợ kịp thời của các Sở, ngành, tỉnh; sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân trong huyện, sự vào cuộc tích cực của các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn, do đó công tác quy hoạch được thực hiện đồng bộ ở các cấp độ quy hoạch; các đồ án được thực hiện đảm bảo chất lượng, tiến độ đề ra.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Việt Yên đã được phê duyệt 1 đồ án quy hoạch gắn với du lịch văn hóa là đồ án Khu đô thị du lịch văn hóa và dịch vụ thương mại tại xã Ninh Sơn, Trung Sơn và Tiên Sơn, huyện Việt Yên quy mô khoảng 150ha. Đây được quy hoạch là khu đô thị phức hợp, du lịch văn hóa và dịch vụ thương mại, khai thác bền vững cảnh quan thiên nhiên, các giá trị về văn hóa và các giá trị về không gian kiến trúc cảnh quan đặc trưng như làng Việt, làng cổ Bắc Bộ, kết hợp với Khu du lịch tâm linh chùa Bổ Đà cạnh đồ án. Khu vực quy hoạch được thiết kế đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của huyện Việt Yên.
Di tích Chùa Bổ Đà. |
Ngoài ra, UBND huyện Việt Yên cũng đang tổ chức lập quy hoạch một số đồ án gắn với du lịch văn hóa gồm: Khu đô thị và không gian văn hóa quan họ làng Khả Lý Thượng, xã Quảng Minh, huyện Việt Yên (quy mô khoảng 22ha); không gian văn hóa tại làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên (quy mô khoảng 4ha); Khu đô thị du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng tại xã Vân Hà và xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên (quy mô khoảng 378ha).
Đánh giá về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc quy hoạch các khu đô thị du lịch, văn hóa tới sự phát triển đô thị chung của huyện, Chủ tịch UBND huyện Việt Yên cho rằng, việc quy hoạch các khu đô thị du lịch văn hóa có ý nghĩa rất quan trọng trong sự phát triển đô thị chung của huyện trong thời gian tới.
Định hướng quy hoạch các khu đô thị phức hợp, du lịch văn hóa và dịch vụ thương mại, khai thác bền vững cảnh quan thiên nhiên, các giá trị về văn hóa và các giá trị về không gian kiến trúc cảnh quan đặc trưng như làng Việt, làng cổ Bắc Bộ. Đồng thời, xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển của huyện Việt Yên trong tương lai.
“Việc quy hoạch và đầu tư xây dựng các khu đô thị du lịch văn hóa góp phần bảo tồn và xây dựng các không gian văn hóa để gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, không gian làng Bắc Bộ đặc trưng, bảo tồn các loại hình nghệ thuật dân tộc trong đó có nghệ thuật hát quan họ tại địa phương; đồng thời là nơi tổ chức các lễ hội truyền thống, góp phần phát triển và thu hút dịch vụ du lịch của địa phương; góp phần quảng bá, lan tỏa hình ảnh của quê hương, con người Việt Yên ngày càng xa, rộng”, ông Nguyễn Đại Lượng nhấn mạnh.
Được biết, huyện Việt Yên đang tích cực hoàn thiện các tiêu chí, phấn đấu đến năm 2025 huyện sẽ đủ điều kiện trở thành thị xã, đạt tiêu chuẩn đô thị loại III vào năm 2030. Trong đó, tập trung đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, nâng tỷ lệ đô thị hóa của đô thị Việt Yên cao hơn mức trung bình của tỉnh; bộ máy chính quyền tại đô thị hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chất lượng cuộc sống đô thị ngày càng nâng cao, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị; phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, gìn giữ và phát huy các yếu tố văn hóa đặc trưng; có mạng lưới dịch vụ hoàn thiện… , qua đó tạo lập bản sắc đô thị riêng, gìn giữ được các nét văn hóa đặc trưng.
Nguồn: Báo xây dựng