Viết nhân ngày đại lễ Vu lan
Viết nhân ngày đại lễ Vu lan
Nhớ như in … ngày ấy dưới trăng ngà///Hình bóng mẹ hiện về trong trí nhớ!
ĐÊM BUỒN NHỚ MẸ
(Viết nhân ngày đại lễ Vu lan
Lời thơ: Lê Đình Đức)
Trời về khuya, mẹ vẫn bên khung dệt
Ánh trăng suôn yếu ớt hắt vào phòng
Mẹ một mình bên mỗi chiếc đèn chong
Đôi cánh nhỏ nhịp nhàng bên khung cửi.
* * *
Công lớn thế chưa bao giờ mẹ kể
Đến ngày này khôn lớn đủ hiểu ra
Nhớ như in… ngày ấy dưới trăng ngà
Hình bóng mẹ hiện về trong trí nhớ.
* * *
Lời bình của Bác sĩ Đồng Xuân Thọ
Nhớ như in … ngày ấy dưới trăng ngà
Hình bóng mẹ hiện về trong trí nhớ!
Vâng người mẹ ấy là mẹ của anh, nhưng ngay từ phút đầu tôi có cảm nghĩ rằng mẹ anh và mẹ tôi là một, bởi 2 chữ đức hạnh. Và giờ này cả hai không còn nữa, hai mẹ đã dắt nhau đi vào một nơi nào đó xa xôi lắm thì phải! Phận làm con, tác giả là anh, còn độc giả là tôi đã không vô tình mỗi khi nhớ đến công dày của mẹ. Cái tình cảm thiêng liêng và dạt dào khó quên ấy giờ đã đi sâu vào mọi ngóc ngách của thơ văn để thương để nhớ nhiều hơn.
Và giờ nếu cần phải nói thêm đôi chút về anh, không phải để ca ngợi, mà tình cờ ta bắt gặp một sáng tác mới của anh viết về công đức của mẹ, không chỉ hay về lời đẹp về ý. Khi đọc qua ta nghe như có chút thi vị, êm ái và ngọt ngào, có chút không khí lãng đãng của nhạc, của thơ.
Nói tóm lại, đây là một bài thơ viết theo thể thơ mới, gieo vần tự do mang theo giá trị giáo dục thời đại mà chính tác giả đã đăng tải trên dòng Facebook.
Thế mà thời gian qua giới yêu thơ, yêu nhạc, trong đó có cả tôi… gần như đã bỏ sót tên tuổi anh. Giờ giật mình mỗi khi nghĩ lại mới nhận ra mọi lỗi lầm. Chúng tôi mong mỏi ở anh có thêm những sáng tác mới được phổ biến rộng rãi trên diễn đàn công luận.
Giờ trở lại với nội dung bài thơ trên, chắc chắn không ai đã nhầm lẫn khi nói đến đức dày của mẹ. Ôi cái đức hy sinh thầm lặng ấy nghe sao nó lớn lao lắm! Lúc kịp nhớ đến bài thơ, tôi có cảm nhận riêng rằng mẹ anh giống mẹ tôi lắm và tôi đã nhận ra ngay cái giá trị này từ lúc mẹ cầm tay tôi tập nắn nót những kí tự đầu tiên.
Cái tình mẫu tử ấy ngày qua ngày đã đi sâu vào tiềm thức, khiến tôi biết nâng niu và giữ gìn. Lớn hơn chút nữa, qua những bài tập làm văn viết về công đức của mẹ cha, từ cuộc thi viết trong sân chơi chữ nghĩa được phát động trên trang tuần báo. Từ một câu hát và những lời ru của mẹ ru em ngủ mỗi tối. Từ một cành hoa hồng cài áo nhân ngày đại lễ Vu Lan.
Mẹ anh cũng như mẹ tôi, người mẹ cả đời lam lũ vì chồng, vì con, mộc mạc đơn giản bằng chiếc quần nâu áo thô. Mới tinh mơ mẹ đã quàng đôi gánh lên vai, chiều nhập nhoạng tối đi về với mớ rau má, con cua đồng hoặc mớ cá sông. Tối đến mẹ không được nghỉ ngơi sớm như những người mẹ khác mà tranh thủ thời gian chật hẹp về đêm ngồi bên khung dệt để kịp mai giao hàng sớm cho khách.
Giờ mỗi khi ngồi đọc lại bài thơ ấy, tôi bỗng nhớ ra mẹ mà giật mình cho cái xóm nghèo nằm heo hút cuối thôn. Trong tâm trí tôi tiếng gọi “mẹ ơi” là những kỉ vật êm đềm mỗi khi nhắc đến mẹ, người mẹ thân thương đã len lỏi và đi sâu vào cõi đời tôi. Tôi chợt nhớ đến những ca khúc buồn ru em ngày ấy của mẹ như vẫn còn vang vọng đâu đây, nghe man mát buồn như nhắc trọn quãng đời lam lũ của mẹ ngày nào vì con!
Song chưa dừng lại ở đó, dù đang lan man về con gió heo may se sắt cuộc đời, nhưng mẹ đã không quản những khó khăn mỏi mòn từ con lối nhỏ đường làng mà đã dốc trọn phần đời còn lại của mẹ dành riêng cho những đứa con. Dù cuộc đời có ra sao, chúng con vẫn khó mà quên ơn dày của mẹ mình!
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị