Việt Nam xuất khẩu hàng hoá sang Hoa Kỳ thu 97 tỷ USD
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, năm 2023, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 97 tỷ USD, giảm 12,4 tỷ USD so với năm 2022. Dù vậy, đây vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Năm 2023, có 12 nhóm hàng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó, dẫn đầu là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 18,2 tỷ USD; tiếp đến là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 17 tỷ USD; dệt may đứng thứ 3 với 14,47 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Hoa Kỳ trong năm 2023 đạt 13,82 tỷ USD, giảm gần 700 triệu USD so với năm 2022. Như vậy, năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt gần 111 tỷ USD. Đây là năm thứ 3 liên tiếp thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ đạt kim ngạch từ 100 tỷ USD trở lên. Hoa Kỳ là đối tác thương mại thứ hai của Việt Nam cán mốc 100 tỷ USD (sau Trung Quốc).
Đánh giá về quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ, TS. Lê Đăng Doanh – chuyên gia kinh tế cao cấp nhận định, Việt Nam – Hoa Kỳ đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững vào tháng 10/2023, cánh cửa vào thị trường Hoa Kỳ đã mở rộng, chỉ cần Chính phủ có các chính sách cụ thể hỗ trợ và doanh nghiệp Việt chủ động thực hiện.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Hoa Kỳ đạt 11,1 tỷ USD, chiếm 21% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam. TS Lê Đăng Doanh nhận định, cơ hội đối với nông sản Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ là rất lớn. Nhiều nông sản đặc trưng của Việt Nam như cà phê, hồ tiêu… nhưng Hoa Kỳ không có thế mạnh để sản xuất. “Đặc biệt, với 2 triệu người Mỹ gốc Việt thì đây sẽ là những bạn hàng hết sức thiện chí đối với hàng hóa nông sản Việt Nam”, TS. Lê Đăng Doanh nhận định.
Còn theo TS Lê Quốc Phương – nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), với thị trường Mỹ, năm 2024 lạm phát dự kiến sẽ được kiểm soát sớm. Hoa Kỳ là nước nhiều dầu và khí, thị trường này phục hồi tốt hơn EU.
Bên cạnh các mặt thuận lợi, hiện các thách thức khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hoa Kỳ là không nhỏ. Theo đó, Hoa Kỳ ban hành nhiều chính sách bảo hộ thương mại để bảo vệ các lợi ích của các doanh nghiệp trong nước khi các sản phẩm từ Việt Nam chiếm thị phần, cạnh tranh mạnh với doanh nghiệp Hoa Kỳ. Các rào cản phi thuế quan có thể làm hạn chế tiếp cận thị trường và tăng chi phí cho các doanh nghiệp Việt Nam, giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Theo TS. Lê Đăng Doanh – Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành dự thảo sửa đổi các quy định nhằm tăng cường thực thi các biện pháp phòng vệ thương mại trong Luật Chống bán phá giá và Chống trợ cấp (Đạo luật Thuế quan 1930 của Hoa Kỳ) để lấy ý kiến các bên liên quan cũng là một khó khăn cho doanh nghiệp Việt.
Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) – cho hay, bước sang năm 2024, bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đã có nhiều yếu tố tích cực hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá. Cục Dữ trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đã đưa ra những thông điệp ngừng tăng lãi suất và tiến tới xem xét giảm lãi suất trong năm 2024. Vấn đề hàng tồn kho cao tại Hoa Kỳ và nhiều thị trường đang dần được khắc phục. Đây là những thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.
Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2024 vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định. Xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn, nhiều nước có các biện pháp đưa đầu tư về trong nước, dựng nên các rào cản thương mại để bảo vệ, thúc đẩy sản xuất trong nước. Các thị trường phát triển chú trọng đến phát triển bền vững sẽ có tác động đến một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta. Tình trạng căng thẳng gần đây ở Biển Đỏ làm các tuyến tàu phải đổi hướng cũng làm gia tăng thời gian và chi phí cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Với những khó khăn và thuận lợi được dự báo cho năm 2024, để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ nói riêng, ông Trần Thanh Hải cho biết, Cục Xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các Hiệp định.
Đồng thời, tăng cường các hoạt động cung cấp thông tin thị trường trên nền tảng số cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp; hỗ trợ xây dựng và triển khai các triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại tập trung, quy mô lớn, mang tính liên kết vùng cho sản phẩm, ngành hàng có thế mạnh của vùng tại các thị trường mục tiêu.
Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới; triển khai thực thi các chiến lược, chương trình hành động về xuất nhập khẩu hàng hoá, phát triển dịch vụ logistics, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các rào cản thương mại mới tại các thị trường nhập khẩu…
Theo Thương Hiệu Và Sản Phẩm
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu