Việt Nam từng bước khẳng định vị trí trong lĩnh vực phần mềm di động

Nhìn lại sự tăng trưởng của ngành phần mềm di động Việt Nam

Số liệu của Hiệp hội doanh nghiệp Phần mềm và Nội dung số Việt Nam (VINASA) cho thấy, ngành phần mềm Việt Nam đã tăng trưởng doanh thu hơn 300 lần sau 20 năm, đạt 148 tỉ đô la Mỹ vào năm 2022. Ngành phần mềm đang chuyển đổi từ gia công (chỉ nhận làm một quy trình trong khâu sản xuất phần mềm) sang bán sản phẩm hoàn thiện ra nước ngoài, phát triển ứng dụng di động.

Năm 2003, ngành phần mềm Việt Nam ở giai đoạn phát triển đầu tiên. Toàn ngành lúc đó chỉ có doanh thu 500 triệu đô la Mỹ với khoảng 5.000 nhân lực. Đến năm 2022, ngành này đạt doanh thu 148 tỉ đô la với tổng nhân lực trên 1,2 triệu người, gấp hơn 300 lần về doanh thu và gấp 240 lần về quy mô nhân lực.

 Flappy Bird – Trò chơi điện tử do người Việt phát triển ra mắt năm 2014 làm khuynh đảo thế giới thời điểm đó

Sau 20 năm nỗ lực của các doanh nghiệp phần mềm, hiện Việt Nam đã có thứ hạng cao trong “bản đồ” gia công phần mềm của thế giới.

Tại một sự kiện được tổ chức gần đây, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng sáng lập VINASA cho rằng, 20 năm trước, ngành phần mềm Việt gần như chưa phát triển nhưng giờ “bức tranh” đã hoàn toàn thay đổi. Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu phần mềm.

Cũng phát hiểu tại một sự kiện được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng việc ngành phần mềm trong 20 năm tăng trưởng gần 300 lần có thể được xem là một câu chuyện thần kỳ.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho rằng, kinh tế Việt Nam muốn phát triển nhanh và bền vững thì phải dựa vào kinh tế số (sẽ chiếm tới 20-25% GDP vào năm 2025). Ngành phần mềm của Việt Nam thời gian tới phải tạo ra sự phát triển của kinh tế số – phải trở thành động lực tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế. Ngành kinh tế này sẽ là động lực để Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào giữa thế kỷ 21, sản xuất được sản phẩm và bán ra nước ngoài chứ không chỉ gia công.

Thực tế cho thấy, trước đây các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam cơ bản chỉ thực hiện một số công đoạn trong quy trình sản xuất phần mềm theo đặt hàng của nước ngoài. Giờ đây, vị thế của doanh nghiệp đã được cải thiện, đã nâng tầm trong chuỗi giá trị toàn cầu. Khi dần làm chủ được công nghệ, các công ty đã chuyển mình sang hướng đổi mới, sáng tạo để tư vấn cho khách hàng nhằm tìm các giải pháp tối ưu nhất.

Tiềm năng trở thành cường quốc thiết kế phần mềm di động

Theo các công bố mới đây, phát triển ứng dụng di động có tiềm năng trở thành trụ cột của ngành phần mềm Việt Nam. Dẫn báo cáo của DataAI & AppMagic, ông Marc Woo cho hay từ giai đoạn 2019 đến quý 1 năm nay cho thấy Việt Nam đã nhảy vọt từ Top 15 lên Top 5 trên toàn cầu về lượt tải ứng dụng di động, tương ứng 4,2 tỉ lượt trên cả App Store và CH Play

 Zalo hiện là phần mềm di động được nhiều người Việt sử dụng hằng ngày. Ảnh DNCC

Tốc độ tăng trưởng của ngành ứng dụng di động tại Việt Nam cũng tăng nhanh gấp 2,5 lần so với tốc độ trung bình của các quốc gia khác trên thế giới. Việt Nam hiện có 7 ứng dụng với số lượng người dùng trên 10 triệu người và 11 ứng dụng có từ 5 – 10 triệu người dùng.

Việt Nam cũng có 4 nhà phát triển ứng dụng lọt vào bảng xếp hạng top 50 công ty toàn cầu, có nhiều ứng dụng mới vượt mốc 100.000 lượt tải xuống năm 2022. Việt Nam đã và đang nổi lên như một trung tâm dành cho các nhà phát triển ứng dụng hàng đầu.

Năm 2022, doanh thu từ tính năng mua trực tiếp các ứng dụng do Việt Nam phát triển đã tăng 20%. Dư địa để phát triển ứng dụng di động không chỉ giới hạn ở phạm vi trong nước. Những ứng dụng Việt thành công trên toàn cầu đã đáp ứng được nhu cầu trải nghiệm của người dùng quốc tế.

Nhu cầu cao, thị trường lớn là những thuận lợi để ngành thiết kế ứng dụng di động lớn mạnh. Bên cạnh đó, còn phải kể đến sự phát triển của hạ tầng viễn thông, sự chuyên nghiệp của đội ngũ nhân sự, sự hỗ trợ của chính sách chuyển đổi số.

Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Statista, doanh thu lĩnh vực ứng dụng di động tại Việt Nam có thể đạt 982 triệu đô la Mỹ vào 2023.

Được biết trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ rà soát để tối ưu hóa các chính sách, thúc đẩy mạng lưới khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung để phục vụ cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số.

Hiện Việt Nam có khoảng 1.400 doanh nghiệp công nghệ đã có sản phẩm đi ra thị trường toàn cầu. Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Cục Xúc tiến Đối ngoại (Bộ Công Thương) để các doanh nghiệp công nghệ số có mặt trong các hoạt động xúc tiến thương mại ở nước ngoài.

Duy Trinh (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích