Việt Nam phải trở thành nơi hội tụ khoa học, hội tụ tài năng

Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thị trường khoa học và công nghệ (KHCN) phát triển một thị trường rất đặc biệt, một cấu trúc thể chế của nền kinh tế hiện đại. “Ta đi sau mà ta muốn vượt lên, vẫn bàn như việc “bán khoai, bán sắn” thì không được. Trong kinh tế thị trường thì phát triển thị trường là cái khó nhất. Chúng ta phải bàn thị trường KHCN như một yếu tố nền tảng của nền kinh tế thị trường, chứ không phải chỉ là chuyện của một ngành, một lĩnh vực cụ thể”, PGS. TS Trần Đình Thiên cho hay.

Cũng theo PGS. TS Trần Đình Thiên, việc phát triển thị trường rất khó. Ít nhất 30-40 năm nay, câu chuyện phát triển đồng bộ hệ thống thị trường khó như nào như thị trường bất động sản, tiền tệ… Từ đó, để biết rằng thị trường KHCN – một thị trường liên quan đến sản phẩm trí tuệ còn khó hơn rất nhiều. Nên bàn về thị trường này không thể đơn giản được. Cần phải đặt vấn đề, tầm như thế để giải quyết.

Thứ hai, chúng ta đang ở thời đại công nghệ cao, tức là KHCN và trí tuệ con người là nguồn lực quan trọng nhất. Chúng ta đang bàn đến một thị trường rất quan trọng cho phát triển, rất khó và cũng rất mới. Chúng ta phải bàn đến thị trường này như là một thị trường then chốt bậc nhất trong hệ thống thị trường, là thị trường dẫn dắt phát triển thì nền kinh tế chúng ta mới phát triển được.

Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy họ làm bài bản, tầm nhìn xa nên họ nhảy vọt, gần như đuổi kịp các nền kinh tế bậc nhất. Những năm 90, thu nhập đầu người của Trung Quốc tương đương Việt Nam, còn bây giờ gấp 5-6 lần. Thực lực KH&CN đứng thứ hai thế giới.

Thời đại công nghệ cao thì chúng ta phải nhìn KHCN, sản phẩm KHCN tầm cỡ như thế để bàn về thị trường của nó, chứ không phải thị trường bình thường. Tất nhiên, thị trường nào cũng quan trọng, có vai của nó nhưng mỗi thời đại có những vai riêng thì phải nhận diện cho rõ.

Thứ ba, ta là nước đi sau, đây là lợi thế hay thách thức. Tất nhiên là nhiều lợi thế, chúng ta có thể rút ngắn được rất nhiều. Nhưng chúng ta lại thiếu nguồn lực, thiếu điều kiện, thiếu nền tảng. Những nước như Hàn Quốc, Trung Quốc biết lợi thế đi sau để bứt lên, dành tối đa nỗ lực quốc gia cho KHCN. KHCN bao giờ trở thành lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế, dẫn dắt phát triển nền kinh tế lúc đó chúng ta mới bàn về thị trường theo đúng nghĩa được.

PGS. TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, Việt Nam phải trở thành nơi hội tụ khoa học, hội tụ tài năng. Ảnh: VGP

Thứ 4, chúng ta phải hiểu được thị trường KHCN là gì? Sản phẩm của nó định giá như nào? Đây là thị trường đặc biệt! Một chiếc đĩa mềm, USB có thể vài chục, trăm nghìn nhưng thông tin chứa ở trong đó thì khác. Với thị trường này, định giá sản phẩm rất khó, rất nhiều rủi ro, bởi thay đổi rất nhanh. Một sản phẩm hôm trước 1 tỷ, hôm sau có thể là mấy tỷ. Biến hóa, phạm vi, không gian sản phẩm trí tuệ rộng vô cùng, luôn luôn mới, thay đổi nhanh. Cho nên có câu chuyện sandbox về mặt chính sách (sandbox là cơ chế cơ chế thử nghiệm có kiểm soát).

Cơ chế vận hành đặc biệt

Chúng ta phải định nghĩa đây là một thị trường mà sản phẩm của nó rất đặc biệt và cơ chế vận hành rất đặc biệt. Bộ KH&CN phải phối hợp với những Bộ về kinh tế để giải quyết vấn đề thị trường KHCN là gì? Vận hành như thế nào? Hỗ trợ phát triển như thế nào?

Về điều kiện để thị trường KHCN phát triển, đầu tiên, đất nước phải có tầm nhìn thời đại về KHCN để định hướng rõ: KHCN phải là trục chính, trục dẫn dắt cho sự phát triển quốc gia. Nếu không có tầm nhìn đó thì không phát triển được.

Thứ hai, đó là sự hỗ trợ của Nhà nước. Đây là thị trường mới, khó và ta lại là nước đi sau nên vai trò “bà đỡ” của Nhà nước là cực kỳ quan trọng. Vai trò này thể hiện ở 3 mặt: Nhà nước cung cấp cơ sở vật chất ban đầu, có cơ chế chính sách, hệ thống thể chế tương thích với đối tượng này thì thị trường mới phát triển được, ví dụ phải có Luật Sở hữu trí tuệ tương xứng hay Luật Lao động cũng phải quan tâm về lao động trí óc…

Tiếp đó, Nhà nước phải là người mua sản phẩm KHCN nhiều nhất. Đây là điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp. Nếu Nhà nước là người mua hàng lớn nhất thì thị trường này phát triển rất nhanh. Cách tiếp cận người mua là rất quan trọng

Thứ ba là phải phát triển một thị trường cạnh tranh. Thị trường không cạnh tranh thì không có động lực cho sáng tạo, KHCN phát triển. Bàn về thị trường KHCN thì nền kinh tế này phải cạnh tranh, trong đó khu vực doanh nghiệp đặc biệt doanh nghiệp tư nhân phải là nền tảng cho sự phát triển. Nếu không có cạnh tranh thì không có thị trường KHCN, đây là điểm mấu chốt.

“Trong cách phát triển thị trường phải có cách tiếp cận, bước đi phải thật sự “chuẩn”. Chúng ta đi sau thì nhập khẩu công nghệ, tiếp nhận công nghệ là chính hay sáng tạo công nghệ là chính? Nguồn lực chúng ta ít thì “bỏ” vào đâu là hợp lý? Đây là câu chuyện quan trọng và đúng với tinh thần tận dụng được lợi thế đi sau.

Chúng ta cũng phải tập trung vào hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Việt Nam phải trở thành nơi hội tụ khoa học, hội tụ tài năng. Chúng ta mời được các tập đoàn lớn về, làm sao để cùng nhau phát triển năng lực tự thân của chúng ta, phải có lợi cả 2 bên”, PGS. TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Bảo Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích