Việt Nam hướng tới ngành vật liệu xây dựng sạch và thân thiện
(TN&MT) – Sáng 28/9, Báo Xây dựng phối hợp với Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) tổ chức Hội thảo: Xu hướng công nghệ – vật liệu trong công trình xây dựng.
Hội thảo là dịp để của các nhà quản lý, hoạch định chính sách, chủ đầu tư, nhà sản xuất và chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng (VLXD) cùng phân tích thực trạng thị trường, giới thiệu những xu hướng công nghệ VLXD mới ứng dụng trong kiến trúc và công trình xây dựng.
Không ngừng đổi mới và phát triển
Theo TS. Nguyễn Quang Hiệp, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), cùng với sự phát triển chung của đất nước, ngành VLXD không ngừng được đầu tư, đổi mới và phát triển. Trên tất cả các lĩnh vực sản xuất VLXD đều có sự chuyển biến tích cực. Các dây chuyền sản xuất theo công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, tiêu tốn nguyên liệu, nhiên liệu, hiệu quả thấp, gây ô nhiễm môi trường từng bước được loại bỏ. Các nhà máy mới được đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, nhiều dây chuyền được trang bị mức độ cơ giới hóa, tự động hóa cao, trình độ công nghệ đạt ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới. Phát triển VLXD đã từng bước được chú trọng hơn theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.
“Công suất thiết kế và sản lượng một số sản phẩm VLXD đã tăng gấp 2 đến 3 lần so với thời kỳ 10 – 15 năm trước. Mẫu mã sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của thị trường trong nước, từng bước thay thế hàng nhập khẩu và đã xuất khẩu ra thị trường thế giới”, TS. Nguyễn Quang Hiệp nhấn mạnh.
Thống kê về sản lượng một số chủng loại VLXD cho thấy, với ngành xi măng, nếu sản lượng năm 2018 mới đạt 97,02 triệu tấn, đến năm 2021, đã tăng lên 103,2 triệu tấn; kính xây dựng tăng từ 185 triệu tấn năm 2018 lên 225 triệu tấn năm 2021; đá ốp lát tăng từ 18,53 triệu tấn lên 20 triệu tấn năm 2021. Sản lượng một số loại VLXD khác vào năm 2021 như sau: gạch gốm ốp lát 473 triệu tấn; sứ vệ sinh 17 triệu tấn; vôi công nghiệp 2,3 triệu tấn; vật liệu xây không nung 3,9 triệu tấn; tấm lợp AC 42 triệu tấn; cát xây dựng 130 triệu tấn…
Theo các chuyên gia về VLXD, ngành VLXD có được sự phát triển mạnh mẽ trong những năm qua là nhờ kinh tế, xã hội Việt Nam đang trên đà phát triển, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, nhu cầu xây dựng kết cấu hạ tầng lớn, tạo ra nhu cầu rất lớn về sản xuất và tiêu thụ VLXD.
Bên cạnh đó, sự phát triển vượt bậc của khoa học – công nghệ ở các lĩnh vực khác như cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ hoá học đã giúp cho lĩnh vực sản xuất VLXD tăng năng suất, giảm chi phí và cho ra đời nhiều vật liệu mới, có tính năng ngày càng cao. Mặt khác, hành lang pháp lý, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật ngày càng đầy đủ, hoàn thiện tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, sự phát triển của ngành sản xuất VLXD trong những năm qua cũng gặp phải nhiều thách thức đó là: Tài nguyên khoáng sản ngày càng cạn kiệt, cần phải có giải pháp, công nghệ để sử dụng nguyên liệu có chất lượng thấp, tận dụng phế thải từ các ngành khác; nhiên liệu hóa thạch ngày càng khan hiếm, chi phí cho nhiên liệu, năng lượng ngày một tăng cao. Đặc biệt, các yêu cầu về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính tạo ra các thách thức không nhỏ khiến ngành sản xuất VLXD cần phải có thay đổi mạnh mẽ về công nghệ sản xuất.
Hướng đến nguồn vật liệu xanh
hát triển các loại VLXD thông minh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường là xu thế tất yếu, là mục tiêu hướng tới của ngành công nghiệp sản xuất VLXD. Để đạt được mục tiêu này, các sản phẩm vật liệu phải đáp ứng được yêu cầu: tiêu tốn ít năng lượng hơn cho việc tạo ra nó và giúp tiết kiệm được năng lượng tiêu thụ cho công trình xây dựng khi đưa vào sử dụng.
Một trong các sản phẩm rất chú trọng phát triển theo tiêu chí xanh, thân thiện có thể kể đến là sản phẩm ứng dụng công nghệ mineral silicate. Sản phẩm ứng dụng công nghệ này được phân tích với nhiều ưu điểm vượt trội. Đó là an toàn với con người, không độc hại và không gây dị ứng; không chứa hợp chất hữu cơ dễ bay hơi VOC, các chất hoạt động bề mặt APEO, chất bảo quản hay các loại hóa chất độc hại khác; không chứa các vật liệu dễ cháy nổ.
Bên cạnh đó, những sản phẩm này còn tác động tối thiểu, có lợi tới môi trường như: Sử dụng rất ít năng lượng trong sản xuất, vận chuyển và thi công; sử dụng rất ít tài nguyên nước trong thi công; xử lý một số loại rác thải công nghiệp; rác thải hầu như không ảnh hưởng tới môi trường; có thể tái chế tới 100%; dễ dàng vệ sinh và càng để lâu càng trở nên cứng chắc hơn…
Hiện nay, xu hướng sử dụng các sản phẩm các vật liệu xây không nung cho các công trình xây dựng ngày càng phổ biến. Để khuyến khích loại vật liệu thân thiện này, ngày 23/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 2171/QĐ- TTg phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung tại Việt Nam đến năm 2030. Chương trình đã đưa ra mục tiêu đẩy mạnh sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế một phần gạch đất sét nung đạt tỷ lệ: 35 – 40% vào năm 2025, 40 – 45% vào năm 2030 trong tổng số vật liệu xây, đảm bảo tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình theo quy định.
Ông Lê Văn Tới, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, tính tới năm 2015, cả nước đã đầu tư trên 2 ngàn dây chuyền sản xuất gạch block bê tông (gạch xi măng cốt liệu), trong đó, gần 150 dây chuyền khoảng trên 10 triệu viên/năm và 13 dây chuyền gạch bê tông khí chưng áp. Chỉ tích 3 loại vật liệu xây không nung cơ bản là block bê tông, AAC và bê tông bọt, cả nước đã có tổng công suất là 6,5 tỷ viên QTC. Công suất đó đã vượt chỉ tiêu của năm 2020. Đáng tiếc là từ đầu năm 2020, cả nước bị ảnh hưởng lớn của Đại dịch Covid-19, các ngành sản xuất bị đình trệ, việc đầu tư mới các cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung cũng chững lại.
Để thúc đẩy việc sản xuất và sử dụng VLXD thân thiện, ông Lê Tấn Tới cho rằng, Nhà nước cần có những biện pháp hành chính cần thiết để thúc đẩy sử dụng VLXD thân thiện. Những biện pháp này cần được quy định trong văn bản pháp luật, ít nhất là trong Nghị định. Đồng thời, cần nhất quán, quyết liệt hơn, gắn trách nhiệm cho các địa phương, có kiểm tra, có khen thưởng các địa phương làm tốt, có phê bình đối với những địa phương thực hiện chưa tốt. Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng cần ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sản phẩm, đến việc sử dụng VLXD thân thiên. Đặc biệt đối với công trình “xanh” cần đưa ra các tiêu chí và thông số đặc thù cụ thể.
Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18/2/2020 khẳng định, phát triển ngành VLXD hiệu quả, bền vững, tiếp cận và ứng dụng nhanh nhất các thành tựu khoa học, công nghệ, quản lý đặc biệt là thành tựu của cuốc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; sử dụng hiệu quả tài nguyên, triệt để tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu; hạn chế tối đa ảnh hưởng tới môi trường trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản làm VLXD và sản xuất VLXD.
TS. Nguyễn Quang Hiệp, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng cho rằng, với các quan điểm nêu trên, Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam đã định hướng phát triển ngành sản xuất VLXD theo hướng sản xuất vật liệu xây dựng đạt trình độ tiên tiến, hiện đại; triệt để tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tận dụng tối đa chất thải từ các ngành khác; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; giảm các chỉ số phát thải nhằm bảo vệ môi trường.