Việt Nam – điểm đến mới cho các trung tâm nghiên cứu của các tập đoàn đa quốc gia
Việt Nam đang muốn nâng chất dòng vốn FDI với những sản phẩm mang hàm lượng công nghệ cao và giá trị gia tăng cao hơn trong khi các tập đoàn FDI cũng đang hướng đến điều này sau một thời gian ‘an cư’ ở Việt Nam.
Nâng chất dòng vốn FDI
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN đầu tư nước ngoài ngày 17/9, nhiều tập đoàn FDI lớn đã chia sẻ những kế hoạch đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu sản phẩm, tiếp sau ông lớn công nghệ Samsung với trung tâm nghiên cứu tại Hà Nội đang dần về đích.
Ông Marukawa, đại diện Công ty TNHH Panasonic Việt Nam, cho biết, sau 50 năm gia nhập thị trường Việt Nam, DN đang mở rộng đầu tư những dự án như thành lập Trung tâm sản xuất và nghiên cứu phát triển các thiết bị IAQ (giải pháp chất lượng không khí trong nhà) cho thị trường châu Á tại tỉnh Bình Dương; thành lập Trung tâm sản xuất và nghiên cứu phát triển các sản phẩm máy giặt, tủ lạnh thông minh cho thị trường châu Á tại tỉnh Hưng Yên và Hà Nội.
“Chúng tôi cũng mở rộng trung tâm Nghiên cứu phát triển IoT (Internet vạn vật) tại Hà Nội, để phát triển các sản phẩm ứng dụng công nghệ IoT, AI (trí thông minh nhân tạo), giải pháp nhà máy số thông minh, và rất nhiều phần mềm ứng dụng trí thông minh nhân tạo khác”, đại diện Panasonic chia sẻ.
Với giá trị hàng sản xuất tại Việt Nam trong các năm qua là 200 triệu USD – một con số còn khiêm tốn, ông Micheal Vũ Nguyễn, Giám đốc Quốc gia Boeing tại Việt Nam vẫn nhận thấy tiềm năng tăng trưởng lớn ở Việt Nam.
“Chúng tôi đã tổ chức Diễn đàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Boeing Việt Nam lần thứ nhất trong tháng 8 vừa qua, quy tụ hơn 200 đại biểu, gồm có các nhà cung cấp tiềm năng của Việt Nam, các nhà cung cấp chính từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia,… các cơ quan Chính phủ Việt Nam và Mỹ, các hãng hàng không và các trường đại học của Việt Nam. Các nhà cung cấp chính mà Boeng đã mời như Mitsubishi Heavy Industry, Nikkiso, Aerospace Composites Malaysia, Korea Aerospace Industries,… Boeing tạo cơ hội và khuyến khích các nhà cung cấp chính đầu tư thêm, hoặc đầu tư mới vào Việt Nam và liên kết sâu rộng với các nhà cung cấp Việt Nam để tạo ra một chuỗi cung ứng đầy đủ, hiệu quả và linh hoạt nhằm cung cấp các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao nhất cho khách hàng”, ông Micheal Vũ Nguyễn chia sẻ.
Ông Rafael Frankel, Giám đốc Meta khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cho biết đang phối hợp với Bộ TT&TT tìm thêm các biện pháp hỗ trợ chiến lược quốc gia về nền kinh tế số của Việt Nam nhằm thúc đẩy quyền công dân số, chính phủ số và xã hội số ở Việt Nam.
Giám đốc Meta cũng vẽ ra một tương lai mà Việt Nam dẫn đầu khu vực về nền kinh tế xanh, công nghệ, tạo ra hàng triệu việc làm mới.
“Hãy tưởng tượng một Việt Nam – nơi những công nghệ do Việt Nam sản xuất rải trên khắp các nẻo đường Đông Nam Á, đồng thời mang lại việc làm cho hàng triệu người Việt Nam và giữ gìn môi trường trong sạch cho các thế hệ mai sau. Hãy tưởng tượng một Việt Nam có nhiều kỹ sư phần mềm, không chỉ viết phần mềm cho các công ty công nghệ quốc tế hàng đầu mà còn thực sự sở hữu những công ty công nghệ hàng đầu”, ông Rafael Frankel nói.
“Đồng thời, chúng ta hãy tưởng tượng một Việt Nam đi đầu trong công nghệ đã vũ trụ Metaverse, đó là thiết bị thực tế ảo và thực tế tăng cường. Điều này cho phép một bác sĩ phẫu thuật ở TP.HCM dạy cho thế hệ bác sĩ phẫu thuật tiếp theo ở Huế mà không cần rời văn phòng của mình. Tương lai này trong tầm tay với của Việt Nam”.
Điều này cho thấy Việt Nam đang nâng hình ảnh của một đất nước có nhiều đại gia công nghệ thế giới hiện diện, không chỉ dừng ở mức gia công, lắp ráp.
Việt Nam đang nâng hình ảnh của một đất nước có nhiều đại gia công nghệ thế giới hiện diện (ảnh minh họa – Vinanippon) |
Thách thức nhân lực và cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư
Bà Erin Ennis, Phó Chủ tịch Cấp cao Tập đoàn DELL TECHNOLOGIES, bày tỏ: “Kinh nghiệm của chúng tôi với các khoản đầu tư tương tự trong 30 năm qua cho thấy các dự án của Dell ở Việt Nam sẽ thúc đẩy và đóng góp đáng kể vào sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử, cơ khí và đóng gói sở tại. Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình chúng tôi tiếp tục đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình”.
Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, khi phát biểu tại Hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW về vùng Đồng bằng Sông Hồng ít ngày trước cũng thẳng thắn đánh giá khi thu hút FDI, Việt Nam mới chỉ thu hút được các dự án mang phần “xác”, còn phần “hồn” với giá trị gia tăng cao, công nghệ cao như chip bán dẫn vẫn chưa được như mong đợi.
Lãnh đạo Hà Nội cũng cho biết nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc cũng đang quan tâm đến lĩnh vực này. Nhưng việc bỏ ra số vốn đầu tư lớn 5-10 tỷ USD cũng đòi hỏi Việt Nam phải có những cơ chế chính sách hỗ trợ các ‘đại bàng’ quốc tế.
Trong bối cảnh việc thực hiện Thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu – Thỏa thuận mà các ưu đãi đầu tư cho các tập đoàn nước ngoài sẽ bị khống chế để thuế thu nhập DN không được thấp hơn 15%, việc thu hút các dự án FDI chất lượng cao gặp thách thức không nhỏ khi Chính phủ phải cân đo các biện pháp hỗ trợ ngoài thuế cho các tập đoàn này.
Mặt khác, nguồn lao động chất lượng cao là điều Việt Nam còn thiếu để hiện thực hóa được mục tiêu trở thành điểm đến của những dự án mang hàm lượng công nghệ cao. Đại diện Bosch cũng khuyến nghị Chính phủ tiếp tục các nỗ lực trong việc cải thiện lĩnh vực dạy nghề. Bosch cho hay rất sẵn sàng và hy vọng được đồng hành cùng Chính phủ để giúp chuẩn bị lực lượng lao động của Việt Nam cho những cơ hội trong kỉ nguyên công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số.
Nguồn: Báo xây dựng