Việt Nam có thể đón cực điểm mưa sao băng Orionids cuối tuần này
Việt Nam có thể đón cực điểm mưa sao băng Orionids cuối tuần này
Orionids là mưa sao băng diễn ra trong toàn bộ tháng 10 này tới tận đầu tháng 11 và có thể quan sát được từ mọi nơi trên thế giới. Thời điểm phù hợp nhất để bạn quan sát nó sẽ là khoảng thời gian cực điểm từ 21 tới 22 tháng này.
Mưa sao băng Orionids là hiện tượng hệ quả của sao chổi nổi tiếng Halley. Đây là một sao chổi chu kỳ ngắn, hoàn thành một vòng quỹ đạo trong 76 năm và lần cuối cùng nó tiến tới cận điểm để chúng ta quan sát được là năm 1986. Những mảnh vụn mà sao chổi này để lại trong những lần ghé thăm của mình trở thành những dòng thiên thạch trải dài trong không gian. Những thiên thạch này lao vào khí quyển Trái Đất khi hành tinh của chúng ta đi qua khu vực quỹ đạo có dòng thiên thạch đó, tạo thành mưa sao băng Orionids.
Hiện nay, mưa sao băng này thường kéo dài từ mùng 2 tháng 10 đến mùng 7 tháng 11 hàng năm mặc dù mật độ không còn nhiều như trong quá khứ, điều đó có nghĩa là ngay trong thời gian đầu và giữa tháng 10 nếu trời đẹp và có một chút may mắn bạn có thể sẽ thấy được một vài sao băng vào mỗi đêm. Tuy nhiên cực điểm thực sự của hiện tượng này chỉ diễn ra trong khoảng thời gian 21 tới 22 tháng này.
Cực điểm năm nay của Orionids sẽ diễn ra trong khoảng giữ hai ngày 21 và 22 tháng 10. Khoảng 22h30 (10h30 tối) những ngày cuối tháng 10 này, chòm sao Orion bắt đầu xuất hiện trọn vẹn trên bầu trời phía Đông và bạn có thể quan sát thấy nó nếu như có góc nhìn thoáng về phía Đông. Mặc dù vậy, thời điểm hợp lý nhất để bạn bắt đầu quan sát hiện tượng này là sau đó nửa đêm, tức là rạng sáng ngày 21 và 22 tháng 10. Lúc này chòm sao Orion đã mọc đủ cao để bạn có thể dễ dàng xác định nó nếu trời không nhiều mây và nơi bạn quan sát không quá ô nhiễm.
Năm nay, việc quan sát sẽ tương đối thuận lợi nếu như không có biến động về thời tiết, bởi ánh Mặt Trăng sẽ lặn sớm và bầu trời sau lúc nửa đêm sẽ không bị ánh Trăng làm lóa. Như mọi trận mưa sao băng khác, người quan sát không cần sự hỗ trợ của bất cứ dụng cụ đặc biệt nào để quan sát hiện tượng này, chỉ cần một bầu trời đủ trong, một vị trí quan sát an toàn, và một chút kiên nhẫn.
Hãy chọn nơi có góc nhìn rộng, ít ô nhiễm và không có ánh đèn chiếu thẳng vào mắt (chẳng hạn nếu phía trên đầu bạn là một cột đèn thì khi ngẩng đầu lên bạn sẽ chỉ thấy ánh sáng của nó và không thấy sao nào cả. Ánh sáng mạnh từ các nhà cao tầng hay công trình xây dựng cũng vậy).
Bạn cần đặc biệt theo dõi thời tiết trước khi quan sát bởi nếu có mây thì bạn sẽ không có cơ hội quan sát được sao băng. Để tự kiểm tra, ngoài việc xem dự báo thời tiết, vào đêm cực điểm bạn có thể tự kiểm tra bằng cách xác định chòm sao Orion như hướng dẫn trên. Hãy nhìn lên bầu trời phía Đông tập trung quan sát khoảng 5 đến 10 phút để mắt của bạn quan với bóng tối. Khi đó nếu bạn thấy được chòm sao Orion thì tức là bạn có cơ hội thấy được sao băng, nếu không thì khả năng có thể quan sát sao băng của bạn khá thấp, nếu bạn thấy rõ mây che phủ thì tốt nhất nên từ bỏ ý định đợi sao băng.
Hiện tượng này có thể quan sát tại bất cứ đâu trên thế giới, không riêng tại Việt Nam hay bất cứ tỉnh thành nào. Bạn không cần bất cứ dụng cụ hỗ trợ nào mà chỉ cần một góc nhìn tốt và nếu có thể nên chuẩn bị một chiếc ghế dài để ngả lưng – như vậy bạn có thể luôn hướng mắt lên bầu trời, vì quan sát mưa sao băng đòi hỏi một chút kiên nhẫn. Cuối cùng, đừng quên chú ý bảo vệ sức khỏe và an toàn cá nhân của bạn khi ở ngoài trời vào ban đêm.
Một hiện tượng thiên văn đang chú ý khác sắp diễn ra là nguyệt thực một phần vào rạng sáng 29/10. Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam sẽ có hướng dẫn sớm về việc quan sát hiện tượng này.
An Đông (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị