Việt Nam có 5 doanh nghiệp trúng thầu cung cấp gạo cho Indonesia: Tự hào thương hiệu gạo Việt

Doanh nghiệp Việt Nam trúng 8/17 gói thầu

1
Tập đoàn Lộc Trời là một trong những doanh nghiệp trúng thầu đợt này.

Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) vừa công bố kết quả đấu thầu cung cấp 500.000 tấn gạo, trong đó Việt Nam có 5 doanh nghiệp trúng thầu

Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã trúng 8/17 gói thầu nhập khẩu gạo 5% tấm.

Cụ thể, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) mỗi doanh nghiệp trúng 2 gói thầu; Công ty CP xuất nhập khẩu Kiên Giang và Công ty TNHH lương thực Phát Tài, mỗi doanh nghiệp trúng 1 gói thầu.

Các doanh nghiệp trúng thầu sẽ phải giao hàng trong tháng 2 và 3-2024, thời điểm Việt Nam thu hoạch rộ lúa gạo vụ Đông Xuân.

Trong đợt mở thầu này, Bulog yêu cầu xuất xứ gạo từ các nước: Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia, Myanmar, Trung Quốc, Pakistan.

Theo cập nhật từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam là 642 USD/tấn, Thái Lan 656 USD/tấn, Pakistan 638 USD/tấn.

Theo kế hoạch, năm nay Indonesia sẽ nhập khẩu khoảng 3 triệu tấn gạo – đây là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Philippines).

Năm 2023, Indonesia là thị trường có giá trị tăng mạnh nhất, gấp 10,9 lần so với năm 2022.

Tự hào thương hiệu gạo Việt

2
Gạo Việt đã vượt qua cái bóng của gạo Thái Lan hay Campuchia để xác lập vị thế mới với thương hiệu riêng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan từng chia sẻ: “Hình ảnh hạt gạo không chỉ nằm ở độ dài, độ tròn, độ ngọt, độ thơm, mà còn ở hình ảnh cộng đồng những người làm ra và trao gửi hạt gạo đến tận tay người tiêu dùng. Hình ảnh đó dần sẽ trở thành thương hiệu “gạo Việt”.

Nghề trồng lúa vốn vất vả và để có được những thành tựu như hôm nay đã trải qua hành trình dài, bền bỉ, nhiều trở ngại nhưng cũng lắm ngọt ngào. Đó là hành trình chứng kiến các nghiên cứu, cống hiến của nhà khoa học vì có những giống lúa phải mất đến hàng chục năm mới phát triển thành công; có những vất vả nắng sương của người nông dân; có sự tâm huyết, nhạy bén thị trường của doanh nghiệp và các nhà quản lý. Hạt gạo đi xa mang niềm vui đến cho những người thưởng thức nó. Và cũng là hạnh phúc cho những người góp sức làm ra nó.

Những thương hiệu gạo Việt như A An trước hết là thương hiệu nội địa phục vụ cho chính người tiêu dùng trong nước. Sau đó là thương hiệu quốc gia, đại diện cho sản phẩm gạo sạch tự tin xuất hiện trên kệ hàng thế giới, gói ghém bao nhiêu tâm tình và cả tâm huyết trong từng hạt gạo chất lượng cao. Để khi nhắc đến gạo của Việt Nam còn là nhắc đến một thương hiệu có sự bảo chứng về chất lượng ngon, an toàn, được ưa chuộng ở phạm vi thế giới.

Chúng ta tự hào vì là quốc gia nông nghiệp gắn với văn hóa hàng trăm năm trồng lúa, nhưng phải tự hào hơn nữa vì có những giống gạo ngon, có những thương hiệu Việt Nam được thế giới biết đến và tin dùng. Khi đó, hạt gạo Việt Nam sẽ càng nâng cao giá trị và nền nông nghiệp sẽ càng phát triển hơn nữa, tỏa sáng hơn nữa trong một năm 2023 được đặt nhiều kỳ vọng sắp tới.

Gạo Việt đã vượt qua cái bóng của gạo Thái Lan hay Campuchia để xác lập vị thế mới với thương hiệu riêng và chất lượng tốt hơn. Đây là thành quả sau thời gian Việt Nam thay đổi cơ cấu giống, tập trung vào giống chất lượng cao và kỹ thuật 3 Giảm – 3 Tăng: Giảm lượng giống – Giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật – Giảm lượng phân đạm; Tăng năng suất lúa – Tăng chất lượng lúa gạo – Tăng hiệu quả kinh tế.

Thực tế, Việt Nam là quốc gia đa dạng về giống gạo và nhờ thế mà có thể đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu đến nhiều quốc gia khác nhau. Trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều lợi thế khi sản xuất các giống lúa trong nước và giống lai tạo từ giống của nước ngoài (như giống Nhật Japonica) đều cho năng suất cao, chất lượng ngon. Vì thế, ngoài các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Philippines, châu Phi; gạo Việt Nam vào Hàn Quốc, Đài Loan, EU cũng ngày càng tăng về lượng, mặc dù để vào được các thị trường này phải vượt qua rất nhiều tiêu chí kỹ thuật và chất lượng khắt khe.

Xuất khẩu gạo sang quốc gia khó tính đã là một thành công. Xuất khẩu gạo bằng chính tên tuổi của mình thay vì đóng gói dưới tên của nhà nhập khẩu lại là một thành công rất đáng tự hào. Năm 2022, Gạo A An – thương hiệu gạo vốn vẫn đang phục vụ thị trường nội địa của Tập đoàn Tân Long từ hơn 1 năm trước đó – chính thức xuất hiện tại Nhật Bản. Được biết, để được bày bán trên các kệ hàng, siêu thị tại Nhật, gạo ST25 A An phải vượt qua hàng rào gần 600 tiêu chí kiểm định và đây cũng là sự kiện đáng nhớ của gạo Việt trong năm vừa qua.

Chỉ tính riêng số lượng người Việt sinh sống tại Nhật Bản đã có gần 450.000 người; người Hoa và Philippines gần 1 triệu người và đa số đều có sở thích ăn hạt gạo dài, thơm, dẻo như ST25. Vì thế, tuy rất khắt khe nhưng Nhật Bản cũng đồng thời là thị trường đầy tiềm năng để đưa thương hiệu gạo Việt vào phục vụ chính cộng đồng người Việt, sau đó là người gốc Á và cư dân Nhật Bản.

Theo Thương Hiệu Và Sản Phẩm

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích