Việt Nam chịu ảnh hưởng của 21/22 loại hình thiên tai

Việt Nam chịu ảnh hưởng của 21/22 loại hình thiên tai

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã chịu ảnh hưởng của 21/22 loại hình thiên tai với 636 trận thiên tai.

Thiên tại đã khiến hơn 110 người thiệt mạng và mất tích. Đây là con số cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Thông tin từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai.

Dự báo, từ tháng 8, hiện tượng La Nina sẽ tác động đến nước ta. Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện nhiều hơn, đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất, tính mạng và tài sản của người dân.

Theo chuyên gia từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, ứng phó và dự phòng là hai yếu tố cần phải làm tốt để giảm thiểu hậu quả do thiên tai gây ra.

”Khu vực có nguy cơ ảnh hưởng thiên tai cần được phân loại thành 2 khu vực cụ thể. Điểm bắt buộc di dời và điểm di dời khi có thiên tai xảy ra. Trong bối cảnh này, chúng tôi thấy rằng việc mở rộng xây nhà an toàn chống chịu bão lụt cho người dân các vùng trọng điểm là hết sức quan trọng. Mô hình này cũng được chứng minh an toàn, đặc biệt trong trận lũ lịch sử 2020”, ông Vũ Thái Trường, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 11 – 17/8, Bắc Bộ khả năng tiếp tục có mưa dông, cục bộ có nơi mưa to. Tây Nguyên và Nam Bộ từ khoảng ngày 10/8 có mưa rào, dông rải rác (mưa tập trung vào chiều tối và tối), trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Do vậy để tiếp tục phòng, chống đồng thời khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 75/CĐ-TTg ngày 4/8 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới; trong đó tập trung vào việc tiếp tục chủ động tập trung chỉ đạo, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo phương châm “bốn tại chỗ” với tinh thần chủ động, kịp thời, quyết liệt nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của nhân dân và nhà nước.

Các địa phương khẩn trương rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó đối với từng loại hình thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn, nhất là phương án ứng phó bão, lũ lụt, sạt lở đất, lũ quét; xác định các khu vực trọng điểm xung yếu để chủ động xây dựng kịch bản bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xảy ra; chỉ đạo triển khai phương án phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão; tổ chức giám sát, kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn trước mùa mưa lũ và trước khi xảy ra bão, lũ theo quy định.

Các tỉnh, thành phố tổ chức rà soát, xác định các khu vực có nguy hiểm, nhất là các khu vực sườn dốc có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, khu vực bị ngập sâu ven sông, suối để chủ động tổ chức di dời người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, đối với những nơi chưa có điều kiện để di dời ngay phải có phương án chủ động sơ tán khi có tình huống thiên tai để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

Bên cạnh đó, chủ động bố trí ngân sách địa phương (bao gồm cả dự phòng ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác) để triển khai công tác phòng, chống, khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai theo quy định với phương châm tuyệt đối không để người dân nào thiếu chỗ ở, thiếu đói hoặc các vật dụng thiết yếu khác, không để xảy ra bệnh dịch, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sau bão, mưa lũ, ngập lụt, không để ảnh hưởng lớn đến việc học hành của các cháu học sinh….

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích