Việt Nam chi khoảng 6,8 tỷ USD nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong năm 2023
Ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển, lượng nhập khẩu còn ở mức cao
Thông tin từ Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước tính cả năm 2023, nước ta nhập khẩu 16,8 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (tương đương 6,8 tỷ USD, chưa bao gồm nguyên liệu nguồn gốc từ động vật). Trong đó, một số nguyên liệu nhập khẩu chính gồm: Ngô hạt 7 triệu tấn (tương đương 2,1 tỷ USD); khô dầu các loại 4,9 triệu tấn (tương đương 2,4 tỷ USD); lúa mì và lúa mạch 1,4 triệu tấn (tương đương 453 triệu USD); DDGS (bã rượu khô) 1,15 triệu tấn (tương đương 394 triệu USD); cám các loại 474 nghìn tấn (tương đương 110 triệu USD); tấm và gạo 414 nghìn tấn (tương đương 145 triệu USD); đậu tương hạt 343 nghìn tấn (tương đương 226 triệu USD); thức ăn bổ sung 527 nghìn tấn (tương đương 574 triệu USD).
Tính chung năm 2023, sản lượng thức ăn công nghiệp ước đạt 20 triệu tấn (giảm 2,4% so với năm 2022). Trong năm 2023, giá các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính đều giảm so với năm 2022.
Cụ thể hơn, ngô hạt 7,76 nghìn đồng/kg (giảm 12,5%); khô dầu đậu tương 14,1 nghìn đồng/kg (giảm 3,1%); DDGS 9,24 nghìn đồng/kg (giảm 7,6%); cám mì 6,87 nghìn đồng/kg (giảm 1,9%); cám gạo chiết ly 6,19 nghìn đồng/kg (giảm 1,7%). Mặc dù có giảm so với năm 2022, tuy nhiên giá các nguyên liệu chính trong năm 2023 vẫn cao hơn từ 32,4% đến 45,6% so với giai đoạn trước dịch Covid-19 (năm 2020).
“Mặc dù giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trung bình cả năm 2023 giảm so với năm 2022, tuy nhiên giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp hoàn chỉnh cho heo và gia cầm trung bình cả năm 2023 vẫn cao hơn 0,7 – 3,5% so với năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu do giá thức ăn chăn nuôi hoàn chỉnh chỉ được điều chỉnh giảm giá kể từ tháng 06/2023 đến nay (khoảng 06 đợt điều chỉnh giảm giá nhưng mức giảm mỗi đợt không nhiều). Chẳng hạn, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm cho heo vẫn cao hơn 44,8% so với giai đoạn trước dịch Covid-19 (năm 2020)”, theo Cục Chăn nuôi.
Theo các chuyên gia, thời gian vừa qua, ngành chăn nuôi của Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng do nhu cầu về thịt và các sản phẩm từ sữa ngày càng tăng cao. Cùng với đó là nhu cầu tiêu thụ thức ăn chăn nuôi có chất lượng, đầy đủ dinh dưỡng để đảm bảo tăng trưởng và năng suất. Tuy nhiên, hiện nay nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam phần lớn đến từ nhập khẩu nước ngoài – ước tính chiếm khoảng 65% tổng nhu cầu thức ăn chăn nuôi trong nước, đặc biệt theo các chuyên gia ngành thức ăn chăn nuôi dòng nguyên liệu họ đạm thực vật phải nhập khẩu chiếm gần 90%, như đậu tương là gần 100%.
Nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi thành phẩm sẽ có xu hướng giảm
Tại báo cáo Triển vọng Thị trường hàng hóa nông nghiệp thường niên của Ngân hàng Đầu tư Rabobank cho thấy, thị trường hàng hóa nông sản thế giới dự kiến sẽ hạ nhiệt trong năm 2024, mặc dù tình hình chưa hoàn toàn hồi phục nhưng triển vọng nhóm hàng nông sản vẫn tích cực hơn nhiều so với những năm trước đây.
Trong nước, Cục Chăn nuôi dự báo giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi thành phẩm sẽ tiếp tục có xu hướng giảm từ nay tới đầu năm 2024. Tuy nhiên, trước bối cảnh giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đầu vào diễn biến thất thường và rủi ro về dịch bệnh vẫn hiện hữu, các doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh chiến lược cho phù hợp.
Trong đó, một số giải pháp được doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi ưu tiên thực hiện trong thời gian sắp tới, bao gồm: Tập trung xây dựng nhóm hàng chiến lược có doanh số lớn và lợi nhuận cao; Tăng cường các biện pháp quản trị rủi ro tài chính, biến động giá và chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào; Phát triển tổ hợp mô hình an toàn sinh học 4F (Farm – Food – Feed – Fertilizer); Cải tiến cơ cấu tổ chức, chính sách, quản lý của doanh nghiệp; và Thực hiện chiến lược phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.
Về dài hạn, các doanh nghiệp tiếp tục các chiến lược mang tính bền vững như Phát triển tổ hợp mô hình an toàn sinh học 4F (trang trại (Farm) – thực phẩm (Food) – thức ăn chăn nuôi (Feed) – phân bón hữu cơ (Fertilizer) hay Phát triển bền vững, bảo vệ môi trường được các doanh nghiệp ưu tiên thiết lập.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định 1625/QĐ-TTg phê duyệt đề án Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án). Theo Đề án, sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đạt 24 – 25 triệu tấn vào năm 2025 và 30 – 32 triệu tấn vào năm 2030; đáp ứng tối thiểu 70% tổng nhu cầu thức ăn chăn nuôi tinh. Mở rộng một phần diện tích đất nông nghiệp để sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa đáp ứng nhu cầu trong nước và hạn chế việc nhập khẩu…
Với các nhiệm vụ, dự án ưu tiên của Đề án, gồm: Đánh giá trình độ công nghệ và đề xuất giải pháp cải tiến công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp; phát triển công nghiệp sản xuất thức ăn bổ sung; phát triển công nghiệp sản xuất, chế biến, bảo quản nguồn phụ phẩm nông, công nghiệp làm thức ăn chăn nuôi; phát triển vùng sản xuất nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi,… sẽ góp phần giúp ngành chăn nuôi hạ giá thành sản phẩm, từ đó, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi trong nước.
Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trong năm 2024, Cục sẽ tăng cường các kênh theo dõi sát diễn biến về nguồn cung, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và trên thế giới, có biện pháp chỉ đạo kịp thời nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi trong bối cảnh giá vật tư đầu vào ở mức cao và đảm bảo về chất lượng thức ăn chăn nuôi.
Nhằm phát huy tiềm năng sẵn có, tăng cường hơn nữa năng lực sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và hạ giá thành sản phẩm, giảm tỷ trọng nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định 1625/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án).
Mục tiêu cụ thể của Đề án là công nghiệp hóa sản xuất các loại thức ăn bổ sung trong nước có lợi thế (chế biến vi sinh vật, enzyme, thảo dược, các loại hợp chất thiên nhiên, khoáng đa lượng, khoáng vi lượng, khoáng tự nhiên…) để cung cấp khoảng 20 – 25% nhu cầu vào năm 2025 và 30 – 35% vào năm 2030.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong chế biến các loại phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp, chế biến thực phẩm… làm thức ăn chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, nâng cao giá trị sử dụng và hiệu quả kinh tế.
Theo Thương hiệu Công luận
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu