Việt Nam chi 1,43 tỷ USD nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt, ngành chăn nuôi có gặp khó?

1
Việt Nam đang nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt từ 57 thị trường trên thế giới.

Nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt từ 57 thị trường

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 716,89 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 1,43 tỷ USD, tăng 5,4% về lượng, nhưng giảm 3,9% về trị giá so với năm 2022.

Năm 2023, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 57 thị trường trên thế giới. Trong đó, Ấn Độ là thị trường cung cấp lớn nhất cho Việt Nam với 160,66 nghìn tấn, trị giá 476,44 triệu USD, tăng 6,1% về lượng, nhưng giảm 1,4% về trị giá so với năm 2022.

Trong năm 2023, cơ cấu thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm thịt cho Việt Nam có sự thay đổi khi lượng nhập khẩu từ Ấn Độ, Nga tăng; trong khi nhập khẩu từ Hoa Kỳ, Brazil, Hàn Quốc giảm so với năm 2022.

Trong năm 2023, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là các chủng loại thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm; phụ phẩm ăn được sau giết mổ của heo, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt trâu tươi đông lạnh; thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; mỡ heo đông lạnh…

Trong đó, lượng nhập khẩu thịt bò, thịt gia cầm, thịt heo đều giảm. Trong khi nhập khẩu thịt trâu và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của heo, trâu, bò sống lại tăng so với năm 2022.

Năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 112,6 nghìn tấn thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 279,77 triệu USD, giảm 2,1% về lượng, nhưng tăng 11,8% về trị giá so với năm 2022.

Việt Nam nhập khẩu thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh từ 30 thị trường, trong đó chủ yếu được nhập khẩu từ Nga, chiếm 40,67% trong tổng lượng nhập khẩu của cả nước; tiếp theo là Brazil chiếm 35,43%; Đức chiếm 5,7%; Canada chiếm 3,01%; Hoa Kỳ chiếm 2,54%…

Ngành chăn nuôi gặp khó?

2
Nếu chúng ta không kiểm soát được tình hình nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi thì chỉ 5 – 7 năm nữa là Việt Nam sẽ trở thành nước nhập siêu.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương – nguyên quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay ngành chăn nuôi Việt Nam gặp nhiều khó khăn có nhiều lý do, đặc biệt là hội nhập khiến cho chăn nuôi đang trở thành ngành kinh tế yếu thế nhất trong khu vực nông nghiệp. Trong khi dịch bệnh vẫn luôn diễn biến phức tạp làm phát sinh nhiều chi phí đầu vào, nhất là dịch tả lợn châu Phi.

Khi dịch Covid-19 xảy ra, sản phẩm chăn nuôi tiêu thụ rất khó vì chủ yếu là hàng tươi sống, khó giết mổ và lưu thông được… “Những cái khó cứ tích tụ lại và hội chứng lớn nhất bây giờ là không gian chăn nuôi của Việt Nam vốn đã không rộng nay càng bị thu hẹp hơn, thị trường không còn nữa…” – ông Dương nói.

Trong khi nguồn cung sản phẩm chăn nuôi ở trong nước tăng lên nhưng sức mua lại không tăng và cũng không xuất khẩu được. Cùng với đó là lượng sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu từ 2 – 3 năm trở lại đây tăng mạnh.

Cụ thể, thịt lợn nhập khẩu gần 300.000 tấn móc hàm/năm, quy ra lợn hơi khoảng gần 400.000 tấn, chiếm trên 10% lượng thịt lợn sản xuất trong nước, đó là chưa kể số lượng lợn nhập khẩu tiểu ngạch không thống kê được. Về gia cầm, trước chỉ nhập khẩu 80.000 – 90.000 tấn/năm, giờ khoảng trên 250.000 tấn/năm, quy ra cỡ 350.000 tấn hơi. Như vậy nhập khẩu đã chiếm tới 25 – 27% so với sản xuất trong nước.

Về nhóm thịt gia súc ăn cỏ cũng không ngừng gia tăng. Ngoài các loại thịt và phụ phẩm (móng vó, tim, nội tạng khác) ở dạng đông lạnh và lượng bò sống nhập từ Úc về khoảng 500.000 con/năm để vỗ béo, giết thịt bằng con đường nhập khẩu chính ngạch thì còn một lượng lớn trâu, bò nhập khẩu tiểu ngạnh (nhập lậu) không thể thống kê được.

Ước tính lượng thịt trâu, bò, dê, cừu nhập khẩu đang chiếm tới trên 60% thị trường trong nước là nguy cơ quá cao với ngành chăn nuôi nhất là nông hộ.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, nếu chúng ta không kiểm soát được tình hình nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi thì chỉ 5 – 7 năm nữa là Việt Nam sẽ trở thành nước nhập siêu các sản phẩm chăn nuôi. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề an ninh dinh dưỡng của đất nước mà còn là sinh kế của bao nhiêu doanh nghiệp, người chăn nuôi trong nước và ý tưởng muốn Việt Nam trở thành “bếp ăn của thế giới” cũng khó trở thành hiện thực.

 Theo Thương Hiệu Và Sản Phẩm

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích