Việt Nam cải thiện môi trường kinh doanh nhanh nhất trong 20 năm qua
Kinh tế – xã hội có nhiều điểm sáng
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nền kinh tế đã lấy lại được đà tăng trưởng như giai đoạn trước dịch COVID-19. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, bội chi, nợ công, nợ Chính phủ thấp hơn nhiều phạm vi cho phép, nợ nước ngoài giảm nhanh.
Cụ thể, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 10 tháng tăng 3,78% so với cùng kỳ trong bối cảnh đã điều chỉnh giá điện, học phí. Tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, phù hợp với diễn biến thị trường thế giới. Thu NSNN 10 tháng ước đạt 97,2% dự toán, tăng 17,3% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu 10 tháng tăng lần lượt 15,8%, 14,9% và 16,8% so với cùng kỳ; xuất siêu ước đạt 23,3 tỷ USD. Các cân đối lớn, an ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực, lấy lại được đà tăng trưởng như giai đoạn trước dịch, doanh nghiệp tiếp tục khôi phục niềm tin vào triển vọng kinh tế. Sản xuất nông nghiệp duy trì tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi nhanh, là động lực dẫn dắt tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 7% so với cùng kỳ năm trước; 10 tháng tăng 8,3%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,6%.
Xuyên suốt thời gian qua, Chính phủ không ngừng quyết liệt tập trung hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xử lý tồn đọng, vướng mắc; đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.
“Việt Nam được đánh giá có môi trường kinh doanh cải thiện nhanh nhất trong 20 năm qua”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành luôn chú trọng làm tốt công tác an sinh xã hội, bảo đảm đời sống người dân, nhất là các đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, bão lũ; giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin tuyên truyền tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả tốt; ổn định chính trị, độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; tình hình an ninh, trật tự cơ bản ổn định; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, nhất là đối ngoại cấp cao được triển khai chủ động, đồng bộ, toàn diện, hiệu quả, không ngừng củng cố và nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước, mở ra các cơ hội hợp tác, hướng phát triển mới.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận định nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là từ bên ngoài; sức cầu trong nước thấp; nhiều dự án bị đình trệ, vướng mắc khiến nguồn lực của nền kinh tế bị tồn đọng.
“Nhiệm vụ những tháng cuối năm là rất thách thức để thúc đẩy tiêu dùng trong nước, cần có giải pháp mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả để giải quyết các vấn đề tồn đọng, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn, phấn đấu tăng trưởng cả năm đạt 7% và trên 7%”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất.
Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống
Trên cơ sở những kết quả đạt được và nhận diện khó khăn, thách thức trong bối cảnh mới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính cần tập trung triển khai trong các tháng còn lại của năm 2024.
Thứ nhất, tiếp tục phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất kinh doanh.
Thứ hai, chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, chất lượng các nội dung trả lời chất vấn, tiếp thu, giải trình ý kiến của Quốc hội, bảo đảm điều kiện để Quốc hội xem xét, thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi), các luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, quy hoạch, ngân sách nhà nước, tài chính, quản lý nợ công… tại Kỳ họp thứ 8; tổ chức thực hiện hiệu quả các luật ngay sau khi được Quốc hội ban hành.
Thứ ba, tiếp tục tập trung ưu tiên nguồn lực cho công tác hoàn thiện thể chế, xác định công tác hoàn thiện thể chế là “đột phá của đột phá”, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho phát triển sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư.
Thứ tư, tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, bảo đảm nguồn cung và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2025.
Thứ năm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, đất đai, giải phóng tối đa nguồn lực bị tồn đọng trong nền kinh tế cho tăng trưởng và phát triển.
Cùng với đó là tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế; chú trọng làm tốt công tác an sinh xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường…; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường hội nhập quốc tế, đẩy mạnh ngoại giao kinh tế; tăng cường thông tin, tuyên truyền; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; kiên quyết chấn chỉnh, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; thực hiện hiệu quả quy định về bảo vệ cán bộ, dám nghĩ, dám làm./.
Nguồn: hoanhap.vn