Việt Hương: “Dây thần kinh số 7 không bị đứt mà nó co rút khiến mặt tôi biến dạng”

Việt Hương: “Dây thần kinh số 7 không bị đứt mà nó co rút khiến mặt tôi biến dạng”

“Ngâm nước lâu, da thịt không tổn thương nhưng lại ngấm nước, lạnh vào xương của mình”, Việt Hương nói.

  • •  Việt Hương: 17 năm viên mãn bên chồng nhạc sĩ, ở biệt thự hơn 200 tỷ đồng
  • •  Sao Việt bàn luận “Con gái là người tình kiếp trước của cha”, Việt Hương nói cực thấm

Bộ phim điện ảnh “Ma da”
với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ như: Việt Hương, Trung Dân, Diệu Đức, Thành
Lộc, Cẩm Ly, Minh Khang, Dạ Chúc… sẽ chính thức ra rạp vào ngày 16/8 tới.

Trong phim, Việt Hương vào vai một
người phụ nữ làm nghề vớt xác trên sông. Có thể nói, trong sự nghiệp diễn xuất
mấy chục năm của mình, đây là vai diễn làm khó, làm khổ Việt Hương nhất. Nhân
dịp này, nghệ sĩ Việt Hương đã dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện nhiều thú
vị.

Nghệ sĩ Việt Hương và nghệ sĩ Trung Dân trong phim “Ma da”.

“Tôi tìm 2 sư phụ làm nghề vớt
xác để học”

– Vào vai một người phụ nữ vớt xác
trên sông có làm khó chị không?

Vai này là vai diễn hay nhất và cũng
khó nhất với tôi, đòi hỏi rất nhiều kỹ năng sống còn. Khó thì không khó mà quá
cực. Không chỉ cực khổ mà tôi còn không có một chút chất liệu hay kinh nghiệm
nào về sông nước, thói quen lẫn nếp sống của người Cà Mau.

Tôi đi nhuộm da cho nâu, rám nắng,
tập từ dáng đi, cách ăn mặc đến để tóc tai. Rồi kiếm thầy giỏi chỉ mình cách
lặn ở sông nước. Đoàn phim tìm thầy cho tôi, tôi cũng tìm 2 sư phụ làm nghề vớt
xác để học.

Một người là vớt xác hiện đại, họ sử
dụng ca nô, thợ lặn, dây, đầy đủ. Một người là vớt xác theo kiểu tâm linh, phải
cúng kiến trước khi thực hiện, đi sông, cảm nhận con nước, xác đứng, xác nằm ra
sao… Tất cả phải học mất một thời gian dài chứ không phải một sớm một chiều.

Tập là một chuyện nhưng đến khi quay
thì nỗi sợ vẫn còn, vẫn bất an, lo lắng. Ngoài sông lớn nước rất mạnh và không
hề an toàn. Người ta nói “nhất thủy nhì hỏa”, nước đã trôi thì trôi
đi luôn.

Mình phải an toàn trước rồi mới đến
nhảy xuống cứu người, vớt người làm sao, cắt lưới để kéo người lên, rồi đến xử
lý thế nào khi vỏ lãi bị lật. Hồi đầu học, tôi lặn được 17-18 giây, cuối phim
thì lặn được tới 50 mấy giây.

– Nguy hiểm, cực khổ như vậy, có bao
giờ chị muốn bỏ vai?

Tôi có 2 điều. Nếu mà khó quá một là
mình rút lui, hai là mình tới luôn. Tôi luôn chọn vế sau.

Vai diễn cực khổ nhất trong sự nghiệp của nữ nghệ sĩ.

– Chị có tin những điều tâm linh của
nghề vớt xác trên sông?

Tôi tin vào tâm linh nhưng tôi không
sợ ma. Mình cứ nghĩ là mình làm tốt, mình cúng kiếng đàng hoàng, xin phép đi
làm. Nếu mà có ma thật thì người ta cũng tội nghiệp, cũng giúp mình chứ không
hù dọa mình.

Những nghi thức cúng kiến ở trong
phim trước khi lặn xuống nước không phải làm giả đâu mà là tôi làm thật. Cúng
bái đàng hoàng, cầu xin thật hết.

Mình đi làm mà. Mình đàng hoàng
không có gì phải sợ. Ông bà mình có câu, có thờ có thiêng, có kiêng có lành.
Mình cứ hết lòng thì sẽ được hỗ trợ giúp đỡ.

Mặt biến dạng vì quay phim

– Trong quá trình quay phim, chị có
gặp điều gì đặc biệt liên quan tới tâm linh?

Đêm quay cảnh tôi chụp xác dưới
nước, tôi cứ chụp trật hoài. Mọi người mới nói: Chắc không được, thôi chị Hương
đi lên đi, chỗ này không ổn đâu. Qua ngày sau đoàn phim kiếm dòng nước khác để
làm thì được. Mọi người nghĩ theo hướng tâm linh còn tôi nghĩ nước mạnh quá nên
mình chụp bị hụt.

– Có điều gì khiến chị bị ám ảnh
không?

Tôi nghĩ là cái xác giả. Dĩ nhiên là
mình sử dụng ma-nơ-canh nhưng để tạo hiệu ứng cũng như sự chân thật nhất khi
quay cận thì mình phải lựa chọn những chất liệu để giống da, thịt của một người
chết đuối.

Người chết đuối quá lâu thì da thịt
sẽ phân hủy, rã ra nên khi mình xuống dưới nước, nhịp đầu tiên mình chạm vào
thì nó rất nhớt. Vừa chạm vào là mình giật mình liền mà đâu phải quay 1-2 cảnh
rồi nghỉ mà quay rất nhiều lần.

Nước ban đêm rất lạnh mà nước chảy
mạnh là thịt của ma-nơ-canh rã ra. Rồi cái xác thì mắt phải vẽ nên cứ nhìn là
bị giật mình.

Rồi tôi bị ám ảnh bởi nhân vật. Một
người phụ nữ đơn thân nuôi con gái nhỏ, nghèo, vất vả và làm nghề vớt xác người
trên sông giúp cho người ta.

Ở lâu dần, đôi lúc tôi rơi vào tình
trạng căng thẳng vì tôi cứ nghĩ mình là bà Lệ. Vòng lặp cuộc sống hàng ngày cứ
y chang nhau. Ngày nào cũng khóc, kiếm con, cõng con, chơi với con, ăn cơm, ra
vô trong căn nhà chòi đó. Cái nhà dựng đó như trở thành nhà của tôi nên mình
không thoát vai ra được.

Đến nỗi, sau khi quay xong, mọi
người kêu: “Mình đốt căn nhà đó nha” để tôi quên bối cảnh, hoặc mấy
cái gì đó không hay thì bỏ lại hết. Cái nhà đó là đoàn phim mướn rồi dựng lên
bằng mây tre lá.

Việt Hương bị ảnh hưởng nhiều về sức khỏe sau vai diễn.

– Chị từng chia sẻ, vì ngâm mình
dưới nước quá nhiều nên ảnh hưởng cơ mặt. Vậy hiện tại, sức khỏe của chị thế
nào?

Ngâm nước lâu, da thịt không tổn
thương nhưng lại ngấm nước, lạnh vào xương của mình. Khí lạnh nhập vô người
mình nên ảnh hưởng đến các cơ.

Da bị ghẻ ngứa hay bị côn trùng cắn
thì mình xức thuốc còn ngâm nước lạnh thì bị hạ thân nhiệt, ảnh hưởng rất nhiều
thứ khác.

Dân chuyên nghiệp người ta ngâm từ
6- 8 tiếng, tôi ngâm nước có ngày lên đến 12-13 tiếng đồng hồ. Dây thần kinh số
7 không bị đứt mà nó bị co rút khiến mặt biến dạng.

Chưa kể mình còn bị tâm lý không
muốn bản thân làm trì trệ tiến độ công việc vì phụ nữ sẽ đến thời kỳ kinh
nguyệt. Khi mình đến ngày đèn đỏ thì đoàn phim phải nghỉ ít nhất 3 ngày. Mà
đoàn gần cả trăm người nên là tôi cứ cứ lo lắng cầu nguyện “đừng có bị,
đừng có bị”… và không bị thật.

Nhưng sau khi đoàn phim quay xong,
đến 3 tháng sau tôi vẫn chưa có kinh nguyệt trở lại và phải nhờ đến sự trợ giúp
của bác sĩ (cười). Hiện tại thì tôi hồi phục rồi.

– Cảm ơn chị đã chia sẻ!

Bạn cũng có thể thích