Viện Võ học Việt Nam tôn vinh, tri ân cố đại lão võ sư Đỗ Duân

z4191816867649_cf6b1432462296dfdd63649881604e10
Trưởng nam Đỗ Đình Khôi (bên trái) con của cố đại lão võ sư Đỗ Duân tặng hoa đại biểu tham dự. 

Công cha, nghĩa mẹ

z4191816871093_91e4e49ec46c3e8613d718996316d62f
Quang cảnh buổi lễ tôn vinh. 

Buổi lễ này do Viện Võ học Việt Nam, Văn phòng đại diện Viện Võ học Việt Nam khu vực Tây Nguyên phối hợp cùng gia đình cố đại lão võ sư Đỗ Duân tổ chức, với sự tham dự của Tiến sĩ võ học Phạm Đình Phong- Kỷ lục gia thế giới về công trình Lịch sử Võ học Việt Nam, Viện trưởng Viện Võ học Việt Nam; lãnh đạo chính quyền địa phương; các võ sư, huấn luyện viên, khách mời đến từ Bình Dương, TP. HCM, Gia Lai, Đăk Nông, Phú Yên, Khánh Hòa và các địa phương của tỉnh Bình Định…

z4191816878252_8c391f03fe783be8228a55676f678a0e
Tiến sĩ võ học Phạm Đình Phong- Kỷ lục gia thế giới về công trình Lịch sử Võ học Việt Nam, Viện trưởng Viện Võ học Việt Nam phát biểu. 

Tại buổi tôn vinh, Đội Võ thuật của Bảo tàng Quang Trung, tỉnh Bình Định đã có nhiều tiết mục biểu diễn Võ cổ truyền Việt Nam xuất sắc; Tiến sĩ võ học Phạm Đình Phong, đại diện Viện Võ học Việt Nam đã phát biểu và trao bằng tôn vinh cố đại lão võ sư Đỗ Duân cho gia đình…

z4191816873087_926273e3aeef75859174ecb85f91a85d
Đội Võ thuật của Bảo tàng Quang Trung, tỉnh Bình Định biểu diễn Võ cổ truyền Việt Nam. 
z4191816873940_be3e99bd8c523d2e379036c61b1c03d8
Trao bằng tôn vinh cố đại lão võ sư, tặng hoa tri ân bà Huỳnh Thị Sương (vợ của cố đại lão võ sư Đỗ Duân). 

Võ sư Nguyễn Sơn Đông – Giảng viên cao cấp chuyên ngành võ học, Trưởng Văn phòng đại diện Viện Võ học Việt Nam khu vực Tây Nguyên cho biết, tôn vinh, tri ân các bậc tiền bối có công lao trong việc bảo tồn, phát huy giá trị nền võ học cổ truyền Việt Nam, đó là việc làm thường xuyên, cần thiết, mang nhiều ý nghĩa của Viện Võ học Việt Nam. Với những gì đã tận hiến cả cuộc đời, hết mình trong dòng chảy của nền Võ học cổ truyền Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung, cố đại võ sư Đỗ Duân hoàn toàn xứng đáng được tri ân, tôn vinh trong ngày hôm nay.

“Tôn vinh cố đại lão võ sư cũng là dịp để chúng ta cùng tri ân bà Huỳnh Thị Sương – vợ của cố lão đại võ sư Đỗ Duân, một người phụ nữ tận tụy, đảm đang vì chồng, vì võ nghiệp, lo cho đàn con mới có được như ngày hôm nay. Xin ghi nhận lòng hiếu thảo với cha mẹ của các con cố đại lão võ sư Đỗ Duân đã tích cực làm hồ sơ trình các cấp để có được buổi lễ này, đặc biệt là trưởng nam Đỗ Đình Khôi”, võ sư Nguyễn Sơn Đông nói thêm.

Đáp lại tình cảm trên, trưởng nam Đỗ Đình Khôi chia sẻ: “Làm được điều gì đó để vinh danh gia tộc, tôn vinh bố mẹ, ông bà tổ tiên là việc hết sức quan trọng trong cuộc đời của mỗi người. Thay mặt đại gia đình, chúng tôi xin gửi lời trân trọng cảm ơn đến Văn phòng đại diện Viện Võ học Việt Nam khu vực Tây Nguyên, Viện Võ học Việt Nam, lãnh đạo chính quyền địa phương… đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi để chúng tôi có được buổi lễ như hôm nay”.

Thân thế và sự nghiệp

Cố đại lão võ sư Đỗ Duân (sinh năm 1928) tại thôn Thuận Đức, xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ông được sinh ra, lớn lên, trưởng thành tại quê hương miền đất võ Bình Định; được thừa hưởng truyền thống tinh hoa võ học của gia tộc là ông tổ Đỗ Đồn (tức là ông Đội Đồn) lưu truyền; đồng thời ông không ngừng học tập, giao lưu, nghiên cứu phát triển và truyền bá nền võ học cổ truyền Việt Nam cho thế hệ sau.

z4176105392098_f98092d432502ee1547d25b41661b792
Cố đại lão võ sư Đỗ Duân. 

Năm 15 tuổi, thiếu niên nhà họ Đỗ đã được nhiều võ sư danh tiếng của các huyện An Nhơn, Bình Khê, Tuy Phước, Phù Cát dày công huấn luyện, đào tạo chuyên môn về võ học, trau dồi tinh hoa võ thuật, võ đạo, võ y bài bản.

Năm 1965, trong thời chiến tranh loạn lạc, ông đưa gia đình lên Pleiku làm ăn sinh sống, khi tuổi đời 37. Những năm đầu lên xứ lạ quê người lập nghiệp, ông đã làm nhiều nghề như phụ hồ, khuôn vác vô cùng cực nhọc, vất vả kiếm sống. Đã vậy, nơi đất khách, ông thường xuyên chứng kiến cảnh “ma cũ bắt nạt ma mới”, từ đây ông muốn làm cái gì đó cho đời được bình đẳng hơn.

Vào năm 1967, ông đã khai lập Võ đường Hùng Long trên đường Phan Đình Phùng, thị xã Pleiku (nay là TP. Pleiku) và được sự ủng hộ nhiệt tình của bác Kiểm Trung (Võ đường La Thành), Hoàng Thọ, võ sư Thanh Long và nhiều vị võ sư tên tuổi khác.

Vừa mở võ đường truyền bá võ học cho lớp trẻ địa phương để tự bảo vệ mình, bênh vực cho người yếu thế, đồng thời không ngừng tích cực học tập, giao lưu, nghiên cứu phát triển, truyền bá nền Võ học cổ truyền Việt Nam ngày càng sâu rộng.

z4191816867648_300bcd1f23e4fa177564e102af448b8f
Ông Đỗ Đình Khôi- trưởng nam của cố đại lão võ sư Đỗ Duân. 

Cố đại lão võ sư Đỗ Duân đã đào tạo nhiều võ sĩ từng tham gia thi diễn và thi đấu tại các tỉnh Cao nguyên Trung phần, duyên hải miền Trung, Sài Gòn – Gia Định trước những năm 1975 thế kỉ trước, đã đạt được nhiều thành tích vẻ vang. Thời gian hoạt động võ thuật ở Pleiku, ông đã đào tạo ra nhiều võ sư, huấn luyện viên, hướng dẫn viên, võ sĩ và môn sinh đạt nhiều thành tích xuất sắc. Trong số này có nhiều người mở võ đường huấn luyện và đào tạo nhiều môn sinh trên cả nước, đó là võ sư Võ Hữu Dũng, Ngọc Bích, Như Nguyệt, Long Thành Khôi, Long Thanh Hùng, Long Thanh Vân, Anh Khoa, Đình Khánh, Tám Khương…

Thường có câu: “Phía sau sự thành công của một người đàn ông luôn có bóng dáng phụ nữ”. Sự cống hiến nhiệt thành cho nền võ học nước nhà của cố đại lão võ sư có biệt hiệu Hùng Long, không thể không nhắc tới công sức đóng góp, hy sinh của bà quả phụ nhũ danh Huỳnh Thị Sương (vợ của cố lão võ sư Đỗ Duân). Đó là một người phụ nữ tận tụy, đảm đang vì chồng, vì võ nghiệp, lo cho đàn con nhỏ trong suốt những năm dài như vậy.

Lúc còn sống, đại lão võ sư Đỗ Duân là hội viên Tổng cục Quyền thuật Việt Nam, Phân cuộc Quyền thuật Cao Nguyên Trung phần, Tổng hội Đông y học Việt Nam, thành viên Hội Võ thuật tỉnh Gia Lai (trước 1975)…

Sau này, con trai trưởng của cố lão võ sư Đỗ Duân là Đỗ Đình Khôi đã tiếp nối truyền thống của cha, duy trì võ đường Hùng Long tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đào tạo ra nhiều môn sinh võ cổ truyền dân tộc.

Thêm một số hình ảnh khác: 

z4191816869323_c834a3f5b807df660d327410e28ccd63
Biểu diễn trống trận, nhạc võ của Bảo tàng Quang Trung. 
z4191816872711_2168c960f2550cb3f91cb3f5a5ece947
Biểu diễn “Roi thái sơn” của Võ cổ truyền Việt Nam.
z4191816872712_c08a7025c4224a0f10b1236c95f43090
Tặng hoa tri ân bà Huỳnh Thị Sương. 

 

 

 

 

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích