Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam: 40 năm hình thành và phát triển
Ngày 20/5/1983, Trung tâm Tiêu chuẩn Chất lượng được thành lập theo Quyết định số 150/QĐ của Uỷ Ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ), trực thuộc Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nhà nước (tiền thân của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng).
Ngày 05/8/2004, Trung tâm Tiêu chuẩn Chất lượng được đổi tên thành Trung tâm Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam theo Quyết định số 140/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 05/10/2009, Trung tâm Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam được đổi tên thành Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam theo Quyết định số 2238/QĐ-BKHCN của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Bốn mươi năm hình thành và phát triển của Viện gắn liền với năm dấu mốc quan trọng của hoạt động tiêu chuẩn hóa tại Việt Nam từ năm 1962 cho đến nay.
Giai đoạn 1962 – 1975: Hệ thống tiêu chuẩn 4 cấp
Nghị định số 123-CP ngày 24/8/1963 của Hội đồng Chính phủ ban hành “Điều lệ tạm thời về nghiên cứu, xây dựng, xét duyệt, ban hành và quản lý các tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp” và Quyết định số 290-CP ngày 30/12/1974 của Hội đồng Chính phủ ban hành “Điều lệ về công tác tiêu chuẩn hoá ở xí nghiệp công nghiệp” là cơ sở pháp lý cho quá trình xây dựng tổ chức, phát triển hệ thống và tiến hành hoạt động tiêu chuẩn hoá ở nước ta trong thời kỳ đầu.
Trong giai đoạn này, các tiêu chuẩn chủ yếu được xây dựng từ tiêu chuẩn GOST của Liên Xô, có sửa đổi yêu cầu kỹ thuật (thường là bỏ hoặc hạ thấp) cho phù hợp với thực tế ở nước ta. Hệ thống tiêu chuẩn được chia thành 4 cấp: TCVN (tiêu chuẩn nhà nước), TCN (tiêu chuẩn ngành), TCV (tiêu chuẩn địa phương) và TC (tiêu chuẩn xí nghiệp).
Hình thức hiệu lực của tiêu chuẩn được quy định như sau: TCVN, TCN và TCV có hai hình thức hiệu lực là chính thức áp dụng và khuyến khích áp dụng. TC được ban hành để chính thức áp dụng. Đa số các TCVN được ban hành để chính thức áp dụng. Tính đến cuối năm 1975, nước ta đã ban hành được 1.805 TCVN, hơn 1.000 TCN, hơn 200 TCV và khoảng gần 3.000 TC phục vụ kịp thời cho những nhu cầu sản xuất, quản lý và quốc phòng.
Từ năm 1973, Việt Nam đã cử đại diện tham gia một số khoá họp của Ban Thường trực Tiêu chuẩn hoá của Hội đồng Tương trợ kinh tế để tiếp cận dần với những hoạt động của Ban này và chuẩn bị cho sự tham gia vào những năm sau này. Giai đoạn 1962 – 1975 là chặng đường đầu với những kết quả bước đầu rất quan trọng trong việc xây dựng nền tảng lý luận – nghiệp vụ và đội ngũ cán bộ nòng cốt.
Giai đoạn 1976 – 1990: Phát triển hệ thống TCVN trên phạm vi cả nước và mở rộng hợp tác quốc tế
Sự kiện thống nhất đất nước đã mở ra một giai đoạn phát triển mới của đất nước cũng như của công tác tiêu chuẩn hoá. Ngày 24/8/1982, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Điều lệ về công tác tiêu chuẩn hoá theo Nghị định số 141-CP thay thế các điều lệ tạm thời đã được ban hành từ năm 1963. Theo Điều lệ này, đối tượng của tiêu chuẩn hoá đã được mở rộng hơn và tiêu chuẩn được quy định là văn bản pháp chế kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành để bắt buộc hoặc khuyến khích áp dụng. Hệ thống tiêu chuẩn vẫn gồm 4 cấp.
Tuy nhiên, Tiêu chuẩn nhà nước được đổi tên là Tiêu chuẩn Việt Nam. Tiêu chuẩn xí nghiệp được gọi là tiêu chuẩn cơ sở (TC). Hoạt động chứng nhận và cấp Dấu chất lượng Nhà nước được bắt đầu từ năm 1981 với 2 cấp chất lượng: Cấp cao tương ứng với tiêu chuẩn quốc tế và Cấp 1 tương ứng với TCVN nhằm thúc đẩy các xí nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm của mình.
Trong việc biên soạn TCVN, ngoài 2 phương pháp đã được áp dụng từ trước, còn có những phương pháp mới được nghiên cứu và đề xuất áp dụng như: Phương pháp bình tuyển (đối với các sản phẩm thông dụng và tương đối đơn giản), Phương pháp phân mức chất lượng (đối với những sản phẩm công nghiệp có trình độ chất lượng quá chênh lệch giữa các cơ sở sản xuất trong nước) và Phương pháp chấp nhận. Việc áp dụng linh hoạt các phương pháp nêu trên đã góp phần đẩy nhanh tốc độ xây dựng tiêu chuẩn và nâng cao chất lượng của TCVN.
Đến cuối năm 1990, hệ thống tiêu chuẩn hiện hành bao gồm trên 5.000 TCVN, hơn 1.000 TCN, hàng trăm TCV và hàng nghìn TC; có 75% TCVN là chính thức áp dụng và 25% là khuyến khích áp dụng. Trong giai đoạn này, hoạt động tiêu chuẩn hoá được mở rộng ra phạm vi cả nước, có những bước tiếp cận ban đầu với hoạt động tiêu chuẩn hoá quốc tế song nhìn chung hoạt động tiêu chuẩn hoá ở nước ta vẫn chịu sự chi phối của cơ chế quản lý kế hoạch hoá – tập trung.
Giai đoạn 1991 – 2006: Đổi mới và tăng cường hội nhập
Pháp lệnh Chất lượng hàng hoá được Hội đồng Nhà nước ngày 27/12/1990 là cơ sở pháp lý cao nhất cho việc đổi mới công tác tiêu chuẩn hoá ở nước ta trong giai đoạn này, hướng hoạt động Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nói chung và hoạt động tiêu chuẩn hoá nói riêng đi đúng quỹ đạo của cơ chế thị trường theo định hướng XHCN có sự quản lý quản lý vĩ mô của Nhà nước và đảm bảo quyền tự chủ của các tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.
Hệ thống TCVN có 2 hình thức áp dụng: bắt buộc áp dụng và tự nguyện áp dụng. Hiệu lực của hệ thống TCVN đã có những thay đổi đáng kể. Trong tổng số trên 5.000 TCVN hiện hành, số lượng TCVN bắt buộc áp dụng chỉ chiếm dưới 5%. Việc chấp nhận các tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và nước ngoài thành TCVN là bước đi thích hợp để tiến tới xoá bỏ các rào cản về kỹ thuật trong thương mại, làm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của nước ta tiếp cận với thị trường quốc tế.
Trong giai đoạn này Việt Nam chú trọng tham gia các chương trình hài hòa tiêu chuẩn của Tổ chức hợp tác kinh tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Á – Âu (ASEM) và Ủy ban Tư vấn về Tiêu chuẩn và Chất lượng của ASEAN (ACCSQ). Đây chính là cơ sở cho việc thực hiện hài hoà, tiệm cận hệ thống TCVN của nước ta với tiêu chuẩn quốc tế và thể hiện nghiêm túc cam kết của Việt Nam tham gia vào các hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế và khu vực.
Từ năm 1993, theo hướng dẫn của Tổ chức Tiêu chuẩn hoá Quốc tế (ISO), Việt Nam đã thực hiện xây dựng TCVN thông qua các Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia. Mọi tổ chức và cá nhân đều có quyền đề xuất xây dựng TCVN. Việc sử dụng phương pháp mới này đã mang lại những kết quả rõ rệt: thời hạn xây dựng TCVN được rút ngắn, chất lượng TCVN được nâng cao, huy động được sự tham gia của các bên liên quan vào quá trình xây dựng TCVN với sự điều phối của các cán bộ nắm vững nghiệp vụ tiêu chuẩn hoá của Trung tâm Tiêu chuẩn Chất lượng.
Giai đoạn 2007 – 2023: Triển khai Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật
Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006 (có hiệu từ ngày 01/01/2007) đã đáp ứng yêu cầu đổi mới hoạt động tiêu chuẩn hóa, thúc đẩy tiến trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và thực hiện Hiệp định Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT/WTO), bảo vệ được lợi ích quốc gia và lợi ích của các doanh nghiệp trong nước trước sức ép của cạnh tranh toàn cầu và tự do hóa thương mại, đồng thời thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam phục vụ cho giai đoạn đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Hệ thống tiêu chuẩn chỉ còn 2 cấp: tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và tiêu chuẩn cơ sở (TCCS).
Đặc biệt, xác định rõ tiêu chuẩn là yếu tố then chốt để nâng cao năng suất chất lượng, ngày 21/5/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 712/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” (gọi tắt là Chương trình 712) với Mục tiêu “Xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng; phát triển nguồn lực cần thiết để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa; tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất chất lượng của các sản phẩm, hàng hóa chủ lực, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước”. Ngày 31/8/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1322/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030 (gọi tắt là Chương trình 1322), là giai đoạn tiếp theo của Chương trình 712 có điều chỉnh một số mục tiêu.
Trong giai đoạn này, hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật ở nước ta đã có nhiều đóng góp tích cực cho công cuộc phát triển kinh tế – xã hội. Hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã và đang trở thành công cụ hữu hiệu góp phần đắc lực phục vụ yêu cầu quan lý kinh tế – xã hội của đất nước qua các thời kỳ và đưa hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ nói chung đi vào nề nếp.
Giai đoạn từ 2024: Định hướng đổi mới toàn diện hoạt động tiêu chuẩn hóa
Qua hơn 16 năm thực hiện Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, hoạt động trong tiêu chuẩn hóa đã đem lại hiệu quả và hiệu lực rõ rệt, công tác kế hoạch, xây dựng, thẩm định và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã thực sự đi vào nề nếp, chặt chẽ hơn; việc phân công thẩm quyền, trách nhiệm và sự phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan đã rõ ràng và minh bạch hơn, phù hợp với quy định WTO và thông lệ quốc tế, góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng, năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam.
Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng đã phát sinh một số bất cập, hạn chế, đòi hỏi phải sửa đổi Luật để phù hợp với thực tiễn và thúc đẩy sự phát triển, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng đổi mới một cách toàn diện hoạt động tiêu chuẩn hóa trong giai đoạn mới như:
(1) Xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia là nền tảng mang tính chủ đạo, định hướng phát triển lĩnh vực tiêu chuẩn, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xã hội bền vững, tuân thủ cam kết hội nhập quốc tế;
(2) Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động xây dựng, thu hút và khai thác hiệu quả nguồn lực xã hội, đặc biệt từ phía doanh nghiệp;
(3) Quản lý hoạt động đánh giá sự phù hợp hiệu quả phù hợp thông lệ chung của quốc tế;
(4) Tiếp tục nghiên cứu đổi mới hoạt động xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; quản lý tiêu chuẩn cơ sở;
(5) Tăng cường và đổi mới khả năng tiếp cận thông tin, quản lý và khai thác tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật;
(6) Tăng cường hiệu lực và hiệu quả hoạt động của ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia; đảm bảo nguồn nhân lực và kinh phí cho hoạt động của ban kỹ thuật;
(7) Tuân thủ đúng các quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế về bản quyền TCVN.
Những thành tựu đạt được của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trong hơn 60 năm qua có sự đóng góp không nhỏ của Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam trong suốt 40 năm hình thành và phát triển, đặc biệt đối với các hoạt động: xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; mã số mã vạch và giải thưởng chất lượng quốc gia. Hoạt động của Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam những năm qua đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất, hạng nhì, hạng ba và nhiều bằng khen, giấy khen khác.
Có được thành tích như vậy là nhờ vào sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể công chức, viên chức và người lao động qua các thế hệ. Tiêu chuẩn sẽ tiếp tục thúc đẩy xã hội tốt đẹp hơn!
TS. Phùng Mạnh Trường – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam