Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia: Phấn đấu trở thành viện nghiên cứu đầu ngành về lĩnh vực quy hoạch xây dựng

(Xây dựng) – Ngày 18/01, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2024; và Hội nghị viên chức và người lao động năm 2024.

Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia: Phấn đấu trở thành viện nghiên cứu đầu ngành về lĩnh vực quy hoạch xây dựng
Toàn cảnh Hội nghị.

Theo đó, năm 2023, VIUP đã thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng như lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia, Quy hoạch vùng Tây Nguyên, các quy hoạch tỉnh, quy hoạch các đô thị đặc biệt như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các đô thị lớn như: Thành phố Hạ Long, Bắc Ninh, Hải Dương, Buôn Ma Thuột, Thừa Thiên – Huế, Nha Trang, Vũng Tàu; các khu kinh tế lớn như: Khu kinh tế Thái Bình, Khu kinh tế Dung Quất, Khu kinh tế Nam Phú Yên…

Ngoài ra, VIUP cũng đang thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và dự án sự nghiệp kinh tế do Bộ Xây dựng giao.

Phát biểu tại Hội nghị, TS. KTS Phạm Thị Nhâm – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia đánh giá, hoạt động của VIUP năm 2023 có nhiều điều kiện thuận lợi, do công tác quy hoạch được quan tâm từ cấp Trung ương đến các địa phương. VIUP thường xuyên nhận được chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Xây dựng, sự quan tâm giúp đỡ của các vụ, cục chức năng, được các địa phương tín nhiệm và các đối tác tư vấn ủng hộ, trong đó có các đơn vị tư vấn nước ngoài.

Nhận thức sâu sắc công tác quy hoạch là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng như Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị đã đặt ra, tập thể lãnh đạo VIUP đã chỉ đạo, động viên viên chức, người lao động không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực tư vấn chính sách và sức cạnh tranh.

Nhờ kiên trì định hướng con đường đổi mới sáng tạo và huy động sức mạnh tập thể, trong năm 2023, VIUP đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ như duy trì được đà tăng trưởng hàng năm, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, các đồ án quan trọng và đảm bảo thu nhập cho viên chức, người lao động.

Bên cạnh đó, tập thể lãnh đạo VIUP luôn đoàn kết, thống nhất và được Bộ Xây dựng tin tưởng giao thực hiện các công trình, dự án thiết kế, quy hoạch trọng điểm của Nhà nước và của ngành Xây dựng; và trở thành sự lựa chọn hàng đầu của các tỉnh, thành phố trong cả nước trong tư vấn các đồ án quy hoạch lớn.

Tuy nhiên, TS. KTS Phạm Thị Nhâm cũng chỉ ra các khó khăn mà VIUP phải đối mặt, như đội ngũ cán bộ trẻ tuy được đào tạo cơ bản về chuyên môn, song vẫn còn hạn chế về kiến thức xã hội, về kinh nghiệm công tác. VIUP cũng thiếu các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực tư vấn chính sách và tư vấn thiết kế kiến trúc.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, TS. KTS Phạm Thị Nhâm nhấn mạnh, năm 2024, VIUP tiếp tục hướng tới mục tiêu là Viện nghiên cứu chiến lược chính sách đầu ngành quốc gia về lĩnh vực quy hoạch xây dựng; đồng thời là diễn đàn lớn về tư vấn, nghiên cứu khoa học, đào tạo.

Đồng thời, trong năm 2024, VIUP xác định các nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục bám sát các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị và các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Xây dựng.

Tích cực tham gia công tác hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hoá, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Hỗ trợ các Cục, Vụ chức năng của Bộ Xây dựng góp ý xây dựng văn bản pháp luật liên quan.

Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác đổi mới toàn diện về phương pháp, quy trình, nội dung và sản phẩm quy hoạch theo hướng tiếp cận đa ngành, tích hợp. Đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học trong thực tiễn, ứng dụng. Ứng dụng rộng rãi hệ thống thông tin địa lý (GIS) và công nghệ số, nền tảng số trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị.

Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường công tác nghiên cứu lý luận, phản biện về quy hoạch và quản lý phát triển đô thị – nông thôn để nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch.

Cùng với đó, VIUP sẽ tập trung hoàn thành các đồ án lớn, quan trọng, cũng như tập trung kiện toàn bộ máy, tổ chức, nhân sự theo đề án sáp nhập; rà soát điều chỉnh chức năng nhiệm vụ; nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ của viên chức và người lao động. Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong công tác quản lý, điều hành.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích