VICEM: Xử lý chất thải công nghiệp hướng đến kinh tế tuần hoàn

(TN&MT) – Hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH), từ khoảng 3 năm trở lại đây, các đơn vị thành viên Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) đã bắt đầu nghiên cứu, thử nghiệm xử lý rác thải, bùn thải thông thường làm nguyên, nhiên liệu thay thế. Trong năm 2020 và 2021, VICEM đã tiếp tục chỉ đạo triển khai các chương trình “Đổi mới – Sáng tạo” trong sản xuất để giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu, tăng năng suất, nghiên cứu các sản phẩm mới giảm phát thải ra môi trường.

Trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn mới 2021 – 2030, tầm nhìn 2045, Đảng, Nhà nước rất quan tâm khuyến khích phát triển mô hình KTTH để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất. Trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng đã nêu cụ thể: “KTTH là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”.

Kho xử lý rác thải công nghiệp của VICEM BÚT SƠN

Với đặc thù là ngành sản xuất có nhiều tác động đến môi trường, VICEM đã nỗ lực nghiên cứu, đầu tư thử nghiệm xử lý chất thải công nghiệp hướng đến KTTH. Kết quả thực hiện các chương trình thử nghiệm và ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bước đầu đã đạt những thành công nhất định, góp phần giảm sử dụng tài nguyên không tái tạo, giảm chi phí sản xuất cũng như góp phần bảo vệ môi trường.

Nổi bật phải kể đến Chương trình Nghiên cứu sử dụng rác thải công nghiệp thông thường làm nhiên liệu thay thế trong sản xuất xi măng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chất thải rắn đến từ ngành công nghiệp dệt may, da giày, ni lông đã qua phân loại, mùn cưa… Thông qua Chương trình, năm 2020, 6 dây chuyền trên tổng số 16 dây chuyền sản suất clinker tại các đơn vị thuộc VICEM đã xử lý gần 119.000 tấn rác thải; đạt bình quân tỷ lệ thay thế tổng tiêu hao nhiệt năng sản xuất clinker là 14,61%. Dự tính đến cuối năm 2021, tổng lượng rác thải xử lý có thể tăng lên hơn 206.000 tấn, đạt tỷ lệ 19,71%.

Với Chương trình xử lý bùn thải làm nguyên liệu thay sét, VICEM đã tận dụng, xử lý bùn thải từ các nhà máy nước, khu làng nghề, các loại bùn đã qua xử lý tại các khu công nghiệp… để thay nguyên liệu sét trong sản xuất clinker xi măng. Thực tế ứng dụng rất khả quan. Dự kiến năm 2021, khối lượng bùn thải xử lý có thể đạt gần 64.000 tấn, tăng gấp 4 lần so với năm đầu thử nghiệm 2020.

Bên cạnh đó, VICEM đã tăng cường sử dụng tro, xỉ của các ngành công nghiệp khác (nhiệt điện, luyện kim,…) và nghiên cứu sử dụng thạch cao nhân tạo làm nguyên liệu thay thế trong sản xuất clinker và làm phụ gia sản xuất xi măng trong toàn hệ thống. Tổng lượng tro, xỉ thực hiện tăng dần hàng năm, đến năm 2021 dự kiến sử dụng 2,796 triệu tấn, với tỷ lệ sử dụng trong sản xuất xi măng là 11,79%. Tổng lượng thạch cao ước thực hiện năm 2021 là 0,932 triệu tấn với tỷ lệ sử dụng bình quân trong sản xuất xi măng là 3,93%; Trong đó, khối lượng thạch cao nhân tạo là 0,123 triệu tấn với tỷ lệ sử dụng trong sản xuất xi măng là 0,52%, khối lượng thạch cao tự nhiên là 0,808 triệu tấn với tỷ lệ sử dụng là 3,41%. Tỷ lệ sử dụng thạch cao nhân tạo thay thế thạch cao tự nhiên năm 2021 là 15,31%.

Nhà máy xi măng VICEM HÀ TIÊN tại Bình Phước

Song song với đổi mới sản xuất, VICEM cũng đầu tư nghiên cứu các dòng sản phẩm mới và các sản phẩm đặc thù giúp giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu, phục vụ biển đảo như xi măng hỗn hợp bền sunfat tại Hà Tiên, Tam Điệp… Nghiên cứu thử nghiệm các sản phẩm clinker và xi măng Low Carbon để tận dụng tài nguyên, giảm phát thải CO2 và tăng hiệu quả sản xuất (Hoàng Thạch, Bỉm Sơn, Bút Sơn, Hà Tiên). 

Thông qua các chương trình, các đơn vị thành viên của VICEM cũng đã nhận thức rõ hơn và chủ động áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn nhằm giảm mức phát sinh chất thải, tiêu thụ nguyên vật liệu, năng lượng và nước, tiết kiệm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp. Qua đó, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất đã dần chủ động thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Tiếp nối những thành công bước đầu, trong giai đoạn 2021 – 2025, VICEM sẽ tiếp tục triển khai các chương trình đổi mới, sáng tạo trong việc xử lý chất thải và tro, xỉ, thạch cao nhân tạo làm nguyên, nhiên liệu thay thế trong sản xuất xi măng.

Kế hoạch triển khai, nghiên cứu và áp dụng các đề tài, dự án tiến bộ khoa học vào sản xuất, bám sát các chỉ tiêu theo Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020. Trong đó, chú trọng nghiên cứu đẩy mạnh việc sử dụng tro, xỉ và thạch cao nhân tạo trong sản xuất clinker, xi măng; Đa dạng các chủng loại chất thải và tăng cường tỷ lệ thay thế nguyên, nhiên liệu khi đồng xử lý chất thải trong sản xuất xi măng (Chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại, chất thải sinh hoạt…).

Đối với các đơn vị đáp ứng các điều kiện xử lý chất thải để thay thế nguyên, nhiên liệu theo quy định, phấn đấu đến năm 2025 sử dụng tối thiểu 20%; đến năm 2030, sử dụng tối thiểu 30% tro bay nhiệt điện hoặc chất thải công nghiệp khác làm nguyên liệu thay thế trong sản xuất clinker và làm phụ gia trong sản xuất xi măng.

Nghiên cứu các sản phẩm clinker và xi măng tiết kiệm tài nguyên không tái tạo (đá vôi, sét), giảm phát thải ra môi trường và nâng cao hiệu suất sử dụng nhiệt, thu hồi triệt để nhiệt không hữu ích để tối ưu và giảm giá thành sản xuất. Nghiên cứu sản xuất các chủng loại xi măng mác cao, xi măng bền sun phát cung cấp cho công trình biển.

Bạn cũng có thể thích