VICEM: Hướng đến doanh nghiệp số, phát triển xanh, bền vững
(Xây dựng) – Được thành lập ngày 01/10/1979, đến nay, sau 42 năm, xây dựng, phát triển, VICEM vươn mình mạnh mẽ, trở thành DN trụ cột của ngành Xi măng Việt Nam, là DN xi măng lớn nhất Đông Nam Á. VICEM đang chuyển mình mạnh mẽ trong cuộc cách mạng 4.0 với những khát vọng lớn, số hóa nhà máy, số hóa các khâu sản xuất, tiêu thụ và tiến tới vận hành những nhà máy xi măng thông minh trong tương lai.
Môi trường cảnh quan Nhà máy Xi măng VICEM Hải Phòng. |
Vượt mọi khó khăn, đổi mới phát triển
Lịch sử phát triển của ngành Xi măng Việt Nam nói chung và lịch sử VICEM nói riêng gắn với chiều dài lịch sử đất nước. Sau chiến tranh, ngành Công nghiệp xi măng nước ta yếu kém, lạc hậu, năng lực sản xuất thấp, không đáp ứng nhu cầu xã hội. Cả nước có 2 nhà máy sản xuất xi măng lớn: Phía Bắc là Xi măng Hải Phòng (xây dựng năm 1809), phía Nam là Nhà máy Xi măng Hà Tiên (xây dựng năm 1964).
Ngày 01/10/1979, Liên hiệp các xí nghiệp Xi măng (tiền thân của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam – VICEM) được thành lập, giúp ngành Xi măng có cơ quan quản lý chuyên ngành trực tiếp để giải quyết các vấn đề phát triển ngành như: Tổ chức sử dụng, huy động nguồn lực đầu tư cả chiều rộng và chiều sâu, nâng cao năng lực sản xuất các nhà máy, đưa ngành Xi măng lên vị trí xứng đáng trong nền kinh tế nói chung và ngành VLXD nói riêng.Công suất sản xuất lúc đó là 700.000 tấn/năm; gồm hai thương hiệu Xi măng Hải Phòng và Xi măng Hà Tiên.
Ngay sau khi thành lập, Hội đồng Bộ trưởng và Bộ Xây dựng đã chỉ thị ưu tiên phát triển xi măng, đẩy nhanh tiến độ, lắp đặt hoàn chỉnh, đồng bộ Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn và Nhà máy Xi măng Hoàng Thạch, đồng thời phát huy công suất các nhà máy xi măng hiện có (Xi măng Hải Phòng, Xi măng Hà Tiên), mở rộng Nhà máy Xi măng Hà Tiên.
Với sự quyết tâm, nỗ lực tháo gỡ khó khăn, năm 1984, Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn hoàn thành xây dựng 2 dây chuyền. Nhà máy Xi măng Hoàng Thạch lắp đặt dây chuyền sản xuất xi măng lò quay phương pháp khô, chu trình khép kín, có hệ thống trao đổi nhiệt 4 tầng, hệ thống làm nguội kiểu hành tinh gồm 10 lò con, dây chuyền 1 cho ra mẻ clinker đầu tiên ngày 25/11/1983.
Trong năm 1983, Liên hiệp thành lập thêm 11 đơn vị mới, gồm 1 trường công nhân kỹ thuật; 1 hội đồng kinh tế – kỹ thuật; 2 xí nghiệp mới trực thuộc; 4 ban và 3 trạm cung ứng vật tư. Sản phẩm của các nhà máy trong Liên hiệp đã có mặt tại hầu hết các công trình trọng điểm quốc gia, kể cả các công trình chất lượng đặc biệt như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, các công trình thủy điện, sân bay, bến cảng, giao thông, quốc phòng – an ninh… Nhà máy xi măng ra đời, diện mạo nhiều vùng quê nghèo khó cũng “thay da đổi thịt”…
Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, giai đoạn 1986 -1993 và giai đoạn 1994 – 2000, những người thợ xi măng tiên phong thay đổi từ nhận thức đến tư tưởng, phương pháp quản lý, làm chủ khoa học công nghệ, thực hiện sứ mệnh góp phần xây dựng đất nước.
Tổng công ty tự đổi mới, thích ứng với cơ chế thị trường, giữ vai trò chủ đạo trong thực hiện các mục tiêu kinh tế – xã hội của Nhà nước, trong điều tiết nguồn cung xi măng, bình ổn thị trường; thực hiện hiệu quả việc tập trung vốn cho đầu tư phát triển, tăng năng lực sản xuất, kinh doanh có lãi, tạo sức mạnh tập trung trong sản xuất kinh doanh, góp phần thiết thực vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Tính đến năm 2000, Tổng công ty có 17 đơn vị thành viên, trong đó có 6 công ty sản xuất xi măng với tổng công suất thiết kế 7,4 triệu tấn/năm, chiếm 59% thị phần cả nước.
Đến doanh nghiệp lớn, đẩy mạnh số hóa
Đến nay, sau 42 năm xây dựng và phát triển, VICEM sản xuất, cung ứng cho thị trường gần 500 triệu tấn sản phẩm, trở thành DN lớn, trụ cột, dẫn dắt thị trường ngành Xi măng Việt Nam, là DN xi măng lớn nhất Đông Nam Á với 10 nhà máy sản xuất xi măng có 16 dây chuyền, công nghệ hiện đại từ các nước EU, G7….
Hiện nay, VICEM đang đẩy mạnh công tác đổi mới – sáng tạo, khẳng định vai trò, vị trí đầu tàu là DN dẫn dắt ngành Xi măng phát triển trong kỷ nguyên cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đề án số hóa được VICEM triển khai đồng thời hai nhánh là số hóa trong công tác quản lý điều hành, bán hàng, và số hóa trong dây chuyền sản xuất.
Số hóa dây chuyền sản xuất tập trung vào việc phục hồi, nâng cấp, hiện đại hóa thiết bị, quản lý và vận hành tự động dây chuyền, tiến tới hình thành các nhà máy thông minh trong tương lai. Chương trình đang được xây dựng và triển khai cụ thể. Đối với công đoạn khai thác, bốc xúc, vận chuyển nguyên liệu, ứng dụng phương pháp nổ mìn vi sai phi điện kết hợp phần mềm quản lý khai thác theo khối chất lượng; sử dụng công nghệ GPS, ảnh vệ tinh, phần mềm tối ưu hóa vận tải để quản lý phương tiện vận chuyển. Đối với công đoạn chuẩn bị nguyên liệu thô, kiểm soát chất lượng nguyên liệu trực tuyến trên băng (PGNAA) kết hợp phần mềm tối ưu hóa phối liệu tự động. Đối với công đoạn nghiền, lò nung, nghiền xi măng: Sử dụng các thiết bị điện thông minh, áp dụng phần mềm chuyên gia để vận hành tự động, tối ưu hóa dây chuyền. Công đoạn đóng bao và xuất sản phẩm: Nâng cấp hệ thống đóng bao và xuất bao tự động.
Song song hoạt động thí nghiệm và kiểm soát chất lượng được tối ưu hóa và trang bị thiết bị lấy mẫu, vận chuyển mẫu tự động, thiết bị phân tích X-ray kết nối với phần mềm điều khiển phối liệu tự động, sử dụng robot, các thiết bị thí nghiệm được kết nối trực tiếp với máy tính dưới sự kiểm soát của các thuật toán thông minh, phân tích dữ liệu lớn. VICEM sẽ xây dựng trung tâm thông tin tập trung (data center) để lưu trữ và sử dụng các thuật toán xử lý dữ liệu lớn, kết nối trực tiếp với hệ thống điều hành sản xuất tại từng đơn vị để phân tích, đưa ra quyết định tối ưu… Chương trình số hóa sản xuất sẽ được triển khai đồng bộ, liên tục, theo lộ trình từng bước để phù hợp với điều kiện thực tế từng công ty sản xuất xi măng của VICEM. Số hóa trong công tác quản lý, điều hành cũng được VICEM đặc biệt chú trọng.
VICEM luôn ý thức sử dụng tiết kiệm tài nguyên, sử dụng phế thải của các ngành công nghiệp khác để thay thế tài nguyên không tái tạo trong sản xuất xi măng như: Xỉ nhiệt điện, tro bay và thạch cao nhân tạo từ chất thải GYPS. Đồng thời, triển khai chương trình sử dụng rác thải làm chất đốt, sử dụng bùn thải từ sông hồ… góp phần xử lý môi trường cho đất nước, thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất xi măng. Văn phòng điện tử và chữ ký số đã được VICEM triển khai, đưa vào sử dụng.
VICEM chủ động tái cấu trúc mô hình tổ chức, áp dụng công cụ quản lý tiên tiến, xử lý “nút thắt”; thử nghiệm xử lý rác thải công nghiệp, bùn thải để thay thế một phần nguyên nhiên liệu trong sản xuất xi măng; sử dụng tiết kiệm tài nguyên không tái tạo và bảo vệ môi trường… Nhiều dây chuyền sản xuất của VICEM đang hoạt động vượt công suất 11 – 16%, giúp VICEM tăng thị phần nắm giữ lên 35% trên toàn thị trường trong nước. Không chỉ làm tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, VICEM còn tham gia nhiều hoạt động an sinh xã hội với đóng góp lớn cho xã hội.
Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, VICEM vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất; nhiều tập thể, cá nhân của VICEM được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động và nhiều phần thưởng cao quý khác. VICEM đang hướng tới mục tiêu phát triển xanh, bền vững, trở thành DN số trong tương lai gần.
Nguồn: Báo xây dựng