VICEM – đồng tâm vượt khó
(Xây dựng) – Mùa Xuân gõ cửa, khép lại một năm vất vả, khó khăn với ngành Xi măng nói chung và VICEM nói riêng. Tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên lao động VICEM đã nỗ lực hết mình, đoàn kết, đồng tâm vượt khó, các đơn vị thành viên tương thân tương ái, hỗ trợ nhau.
Chủ động vượt khó, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo
Năm 2023, toàn VICEM sản xuất 16,54 triệu tấn clinker, trên 20,5 triệu tấn xi măng. Sản lượng tiêu thụ gần 22,6 triệu tấn, trong đó, tiêu thụ nội địa 19,68 triệu tấn, xuất khẩu 2,85 triệu tấn. Tổng doanh thu 30.169 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 1.378 tỷ đồng; thu nhập bình quân toàn VICEM đạt 18,01 triệu đ/người/tháng. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng, kết quả khiêm tốn nhưng VICEM có bước phát triển vững chắc và tiến bộ trong năm 2023, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, giữ vững vai trò dẫn dắt, định hướng, bình ổn thị trường xi măng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước.
Chia sẻ về cách thức vượt qua khó khăn, Tổng giám đốc VICEM Lê Nam Khánh nhấn mạnh: VICEM chủ động trước khó khăn, không để bị động. Ban lãnh đạo VICEM nhận diện thách thức, đưa ra chỉ đạo điều hành linh hoạt, các thành viên VICEM phối hợp chặt giữa khối sản xuất và tiêu thụ để rà soát, xây dựng các kịch bản; linh hoạt lựa chọn phương án chạy lò hiệu quả nhất, tương ứng với cơ cấu, chủng loại than, tối ưu vận hành, hạn chế thấp nhất đổ clinker ra bãi.
Trong khó khăn, giải pháp đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật giúp tiết giảm chi phí sản xuất được chứng minh là hướng đi đúng, mang lại hiệu quả kép cho VICEM, cả về kinh tế và môi trường. Việc sử dụng rác thải, bùn thải làm nhiên, nguyên liệu thay thế được VICEM và các đơn vị thành viên nghiên cứu, ứng dụng cách đây vài năm; nhưng năm 2023 này tỷ lệ thay thế được đẩy mạnh, hiệu quả kinh tế được nâng lên. VICEM tiết kiệm được 106,04 tỷ đồng nhờ tăng cường sử dụng thạch cao nhân tạo (tổng lượng thạch cao nhân tạo sử dụng 306.485 tấn, tương ứng thay thế 42% thạch cao tự nhiên; riêng VICEM Sông Thao sử dụng 100% thạch cao nhân tạo). Tiết kiệm 416,16 tỷ đồng khi tăng cường sử dụng rác thải thông thường thay thế một phần than cám; tiết kiệm 19,51 tỷ đồng nhờ sử dụng bùn thải thay thế sét. Tổng lượng rác thải sử dụng tại 4 đơn vị thành viên (VICEM Hà Tiên, VICEM Bút Sơn, VICEM Hạ Long và VICEM Sông Thao) là 258.943 tấn, tương ứng tỷ lệ bình quân thay thế nhiệt năng 19,97%. Tổng lượng bùn thải sử dụng tại 2 đơn vị thành viên (VICEM Bút Sơn và VICEM Hạ Long) là 60.972 tấn, đạt 107,3% kế hoạch năm, tương ứng thay thế sét 9,04% sét. Tổng lượng tro, xỉ sử dụng 2,045 triệu tấn, tương ứng tỷ lệ sử dụng bình quân là 10,66% tấn tro xỉ/tấn xi măng. Thực hiện đề tài “Sử dụng chất thải nguy hại làm nguyên, nhiên liệu thay thế và đồng xử lý chất thải trong sản xuất” tại VICEM Bút Sơn, tổng khối lượng thực hiện năm 2023 là 7.789 tấn.
Với 7 thương hiệu,16 dây chuyền sản xuất, 10 nhà máy trải dài từ Bắc vào Nam; các đơn vị thành viên VICEM đã bám sát diễn biễn thị trường tiêu thụ, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào để xây dựng giá bán và chính sách bán hàng phù hợp, linh hoạt theo từng chủng loại, địa bàn, phù hợp thực tế thị trường, nhằm gia tăng sản lượng, giữ vững thị phần.
Chưa bao giờ thị trường xi măng cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, khi cầu xi măng toàn xã hội giảm, nguồn cung dư thừa lớn; nhiều DN sẵn sàng giảm giá đối kháng để giành thị phần. Nhưng lãnh đạo VICEM yêu cầu các đơn vị thành viên: Thực hiện nghiêm kỷ cương trong phối hợp thị trường theo quy chế, quy định của Tổng công ty; tuyệt đối không tiêu thụ sản phẩm với giá thu về, thấp hơn chi phí biến đổi trong giá thành toàn bộ. Tăng cường gia công xi măng và tiêu thụ sản phẩm trong nội bộ VICEM để tối ưu hóa logistics, giảm chi phí bán hàng, phát huy lợi thế thương hiệu. Đặc biệt, các đơn vị thành viên VICEM tiếp tục nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới, tăng sức cạnh tranh trong mọi phân khúc.
Đoàn kết, kỷ cương, nâng cao hiệu quả quản trị DN
Nhận diện năm 2024 là năm khó khăn, thách thức, nhưng với quyết tâm cao, nỗ lực không ngừng, VICEM đặt mục tiêu sản xuất 17,03 triệu tấn clinker, tăng 3% so với năm 2023. Tổng sản lượng tiêu thụ 24,31 triệu tấn, tăng 7,7% so với năm 2023, trong đó, tiêu thụ xi măng nội địa 18,57 triệu tấn, tăng 5,3% so với năm 2023; tổng doanh thu 29.814 tỷ đồng.
Theo Tổng giám đốc VICEM Lê Nam Khánh, hiện nay, VICEM và các đơn vị thành viên đang nỗ lực phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, các thông tin và điều kiện thực tế hoạt động, rà soát tiết giảm tối đa chi phí để phấn đấu xây dựng kế hoạch lợi nhuận năm 2024 ở mức cao nhất có thể.
Về đầu tư xây dựng, năm 2024, VICEM tập trung 4 nhóm lĩnh vực chủ yếu, đó là; Nhóm dự án đầu tư mỏ nguyên liệu; nhóm dự án đầu tư chiều sâu, cải tạo năng lực sản xuất; nhóm dự án tận dụng nhiệt khí thải để phát điện và tiếp tục rà soát, xử lý tồn tại các dự án đầu tư xây dựng tại Công ty mẹ – VICEM và các đơn vị thành viên, trọng tâm là các dự án tận dụng nhiệt khí thải để phát điện và hoàn thiện dự án Trung tâm Điều hành và giao dịch VICEM.
Phân tích thực tế năm 2024, ông Nguyễn Quốc Việt – phụ trách Hội đồng Thành viên VICEM nhấn mạnh: Khó khăn trong năm 2024 rất khó đoán định. Nhưng càng khó khăn, VICEM càng đoàn kết, kỷ cương, đồng tâm vượt khó. Các đơn vị thành viên tập trung đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, trong đó tăng cường sử dụng rác, bùn thải làm nhiên, nguyên liệu thay thế than, sét; đẩy mạnh xây dựng dự án tận dụng nhiệt thừa phát điện…
Để đạt kế hoạch đề ra, Thứ trưởng Bùi Xuân Dũng nhấn mạnh: Tập thể cán bộ, công nhân viên lao động toàn VICEM tiếp tục đoàn kết, nỗ lực thực hiện các Nghị quyết Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương và Bộ Xây dựng giao; đảm bảo phát huy tốt nhất vai trò, nhiệm vụ của DN Nhà nước trong sản xuất kinh doanh, tham gia bình ổn, điều tiết thị trường xi măng.
“Cần đặt ra các kịch bản cụ thể trình cấp ngành có thẩm quyền phê duyệt. Đầu tư, tập trung lập, khởi công dự án, phấn đấu đến năm 2025, 10 nhà máy hoàn thành tận dụng nhiệt thừa phát điện. Để mở rộng thị trường tiêu thụ, ngoài các đại lý phân phối, VICEM tập trung các dự án lớn, vốn đầu tư công; đưa xi măng vào dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, dự án hạ tầng” – Thứ trưởng định hướng.
Theo Thứ trưởng, VICEM cần nâng cao năng lực phân tích, dự báo thị trường để xây dựng kịch bản sản xuất và chạy lò hiệu quả nhất. Triển khai hiệu quả Đề án sắp xếp, tái cơ cấu Tổng công ty giai đoạn 2021 – 2025, chú ý xác định cơ cấu phù hợp thực lực của Tổng công ty và thị trường. Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả quản lý, quản trị doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu mới. Tăng năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh. Quản lý, sử dụng hiệu quả vốn, tài sản Nhà nước; minh bạch, chặt chẽ trong các khâu, giai đoạn sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật.
Năm 2024, dẫu còn nhiều khó khăn nhưng với tinh thần đoàn kết, đồng tâm vượt khó, tương thân tương ái, VICEM quyết tâm đạt kế hoạch mục tiêu đề ra, đưa VICEM lên tầm cao mới. Khó khăn chung của thị trường chính là động lực để VICEM tiếp tục đổi mới sáng tạo, có hướng đi riêng và với họ, phía trước là mùa Xuân!
Nguồn: Báo xây dựng