VICEM: Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý, quản trị doanh nghiệp
(Xây dựng) – Là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị tại Lễ tổng kết sản xuất kinh doanh năm 2022, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023 của Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM), kỷ niệm 93 năm Ngày truyền thống ngành Xi măng Việt Nam, diễn ra ngày 7/01, tại Tam Điệp, Ninh Bình.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ. |
Gắn phương án sản xuất với kịch bản kinh doanh
Tại lễ tổng kết, báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023, Tổng Giám đốc VICEM Lê Nam Khánh nhấn mạnh: Năm 2022, mặc dù tình hình dịch bệnh và môi trường kinh doanh xi măng gặp nhiều khó khăn, giá cả dịch vụ, nguyên liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt là giá than; nhu cầu tiêu thụ xi măng, clinker giảm… Tuy nhiên, dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, cùng sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt khó của toàn thể CBCNV và người lao động, VICEM triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh.
VICEM đã chỉ đạo đơn vị thành viên xây dựng các kịch bản sản xuất kinh doanh trong 5 tháng cuối năm 2022, lựa chọn phương án chạy lò hiệu quả nhất tương ứng với cơ cấu, chủng loại, chi phí tiêu hao than, năng suất lò khai thác và các điều kiện vận hành với hiệu quả tối ưu. Gắn phương án sản xuất với kịch bản kinh doanh tiêu thụ sản phẩm để chủ động, linh hoạt, ứng phó kịp thời với tình hình của từng đơn vị, từng thị trường.
Ngoài ổn định nguồn than cho sản xuất, VICEM và các đơn vị thành viên đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sửa chữa, cải tạo, xử lý nút thắt dây chuyền, duy trì tối đa năng suất thiết bị để tiết giảm tiêu hao nhiệt, điện. Các biện pháp đẩy mạnh tiêu thụ được VICEM đẩy mạnh, ngoài phân cấp phân quyền mạnh cho các công ty thành viên, VICEM chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất bám sát tình hình thị trường để điều chỉnh giá bán, có chính sách bán hàng linh hoạt; giữ vững kỷ cương phối hợp thị trường, nhằm hạn chế cạnh tranh nội bộ, tránh hao phí nguồn lực.
Đạt kết quả khả quan
Tổng Giám đốc Lê Nam Khánh nhấn mạnh: Năm 2022, sản xuất kinh doanh toàn VICEM đạt kết quả khá tốt: Tổng lượng sản xuất clinker đạt 20,65 triệu tấn, năng suất trung bình lò nung thực hiện là 63.737 tấn/ngày; thời gian hoạt động lò nung trung bình là 324 ngày/1 dây chuyền. Sản lượng sản xuất xi măng đạt 24,56 triệu tấn, tương ứng 94,8% kế hoạch năm 2022, tăng 1,7% so với năm 2021. Tổng sản phẩm tiêu thụ đạt 27,46 triệu tấn, trong đó, tiêu thụ xi măng trong nước đạt 21,34 triệu tấn, đạt 95,6% kế hoạch năm 2022 , tăng 5,6% so với năm 2021. Tổng doanh thu ước đạt 39.453 tỷ đồng, đạt 95,5% kế hoạch năm 2022, tăng 16,6% so với năm 2021. Lợi nhuận trước thuế (chưa tính chênh lệch tỷ giá cuối kỳ) ước đạt 1.532,3 tỷ đồng, đạt 89,8% kế hoạch; nộp ngân sách Nhà nước đạt 1.863 tỷ đồng, đạt 98,4% kế hoạch. Năm 2022 VICEM cùng các đơn vị thành viên tích cực thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo, chăm sóc phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, ủng hộ quỹ “Vì người nghèo”… với tổng số tiền trên 72,2 tỷ đồng.
Chia sẻ về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023, Tổng Giám đốc VICEM Lê Nam Khánh cho biết: Bước vào năm 2023, VICEM dự kiến sản xuất khoảng 21,2 triệu tấn clinker, tăng 2,6% so năm 2022; tổng sản phẩm tiêu thụ khoảng 29,2 triệu tấn, tăng 6,3%; tổng doanh thu khoảng 40.919 tỷ đồng, tăng 3,7%; lợi nhuận trước thuế (chưa tính chênh lệch tỷ giá) khoảng 800 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 1.665 tỷ đồng.
Phát biểu chỉ đạo tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh: Trong bối cảnh năm 2022 có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp toàn diện, chủ động và hiệu quả, cùng sự nỗ lực, phấn đấu của toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động và cộng đồng doanh nghiệp trong toàn Ngành, ngành Xây dựng đã vượt qua khó khăn, thách thức, đạt nhiều kết quả quan trọng, đạt và vượt tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu chính. Trong thành tích, kết quả tích cực chung của ngành Xây dựng năm 2022, có vai trò, đóng góp quan trọng của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam.
Lãnh đạo Tổng công ty Xi măng Việt Nam nhận Cờ Thi đua của Thủ tướng Chính phủ. |
Giữ vững vai trò chi phối, bình ổn và phát triển thị trường
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, trong bối cảnh giá cả vật tư, nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng tăng cao, đặc biệt giá than và giá xăng, dầu; lãi suất cho vay tăng cao và thị trường vốn ngày càng khó tiếp cận; thị trường xuất khẩu khó khăn, thị trường bất động sản sụt giảm và trầm lắng, làm ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ thị trường xi măng nội địa; Tổng công ty VICEM tiếp tục có bước phát triển mới vững chắc và tiến bộ trong năm 2022, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, tiếp tục giữ vững vai trò chi phối, dẫn dắt, định hướng, bình ổn và phát triển thị trường xi măng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô đất nước.
“Đây là những kết quả rất tích cực, là thành quả của sự nỗ lực, bền bỉ, kiên trì, năng động, sáng tạo và nghị lực của toàn thể cán bộ, lãnh đạo, công nhân viên và người lao động Tổng công ty VICEM. Thay mặt Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Xây dựng, tôi ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương các kết quả đạt được của Tổng công ty VICEM trong năm vừa qua”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp
Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, năm 2023 được dự báo có nhiều thách thức và cơ hội đan xen. Nhưng thách thức rất lớn, đòi hỏi phải có sự nỗ lực hơn nữa của toàn ngành. Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng yêu cầu Tổng Công ty Xi măng Việt Nam tiếp tục nâng cao năng lực phân tích, dự báo thị trường, bám sát kết hoạch phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, các vùng và địa phương để bổ sung, điều chỉnh kế hoạch hoạt động 5 năm và hàng năm, cụ thể hóa từng lĩnh vực, hoạt động, phù hợp với diễn biến thị trường và điều kiện cụ thể của Tổng Công ty, đảm bảo phát huy tốt nhất vai trò, nhiệm vụ của doanh nghiệp Nhà nước trong sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, đồng thời tham gia bình ổn, điều tiết thị trường xi măng. Tập trung triển khai có hiệu quả Đề án án sắp xếp, tái cơ cấu Tổng Công ty VICEM giai đoạn 2021-2025 ngay sau khi được Bộ Xây dựng phê duyệt.
Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý, quản trị doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu mới; tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh. Quản lý, sử dụng hiệu quả vốn, tài sản nhà nước; tối ưu hóa lợi ích nhà nước; minh bạch, chặt chẽ trong các khâu, các giai đoạn sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật.
Xác định đúng cơ cấu đầu tư – sản xuất – dịch vụ phù hợp với thực lực của Tổng Công ty và diễn biến thị trường. Quan tâm điều phối nguồn nguyên liệu, clinker và xi măng giữa các nhà máy và vùng thị trường đảm bảo hợp lý và phát huy hiệu quả cao, hỗ trợ tích cực cho nhà máy còn khó khăn. Tích cực, chủ động trong xử lý, cơ cấu lại các công ty một cách hiệu quả, hợp lý, nhất là đơn vị đang gặp khó khăn…
Tích cực áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ – kỹ thuật, không ngừng nỗ lực làm chủ công nghệ mới, tiên tiến; sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên khoáng sản. Cần nghiên cứu, ứng dụng và sản xuất theo lộ trình một số sản phẩm mới.
Tổng Công ty đã làm tốt, nhưng cần phát huy hơn nữa, thường xuyên tham gia phản biện và xây dựng chính sách, đảm bảo chất lượng và tính khả thi cao, phục vụ tốt nhất cho công tác quản lý, điều tiết và phát triển các lĩnh vực VLXD, trong đó có ngành Xi măng.
Quan tâm công tác xây dựng đảng, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với Tổng công ty, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ. Đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, điều hành, xây dựng đội ngũ lãnh đạo kế cận đáp ứng yêu cầu mới. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và thực hiện tốt quy chế làm việc. Quản lý tốt nội bộ, cán bộ; phòng chống tiêu cực, tham nhũng.
Cũng tại buổi lễ, Tổng công ty Xi măng Việt Nam vinh dự đón nhận Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ; 10 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng.
Trong năm 2022, Bộ Xây dựng đã hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phương án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu DNNN, doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu giai đoạn 2021 – 2025. Bộ Xây dựng là một trong những cơ quan đầu tiên phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của các Tổng Công ty 100% vốn Nhà nước trực thuộc từ sau khi Luật Doanh nghiệp năm 2020 có hiệu lực, trong đó có Tổng Công ty Xi măng Việt Nam.
Nguồn: Báo xây dựng