VIC có lúc tăng trần, VN-Index lên hơn 16 điểm trong phiên 3/8
Thị trường chứng khoán Việt Nam phiên 3/8 vẫn có được sự tích cực. VN-Index và HNX-Index đa phần giao dịch ở trên mốc tham chiếu khi nhận được lực đẩy của nhiều cổ phiếu trụ cột. Ngay từ đầu phiên giao dịch, nhiều cổ phiếu trụ cột đã tăng giá và kéo các chỉ số lên trên mốc tham chiếu. Ngay sau đó, bất ngờ đã xảy ra khi nhóm cổ phiếu họ Vingroup nhận được lực cầu rất mạnh, trong đó, VIC được kéo lên mức giá trần 115.000 đồng/cp, cả VHM và VRE cũng tăng mạnh theo.
Tuy nhiên sau đó, VIC đã không thể giữ được mức giá trần nhưng mức tăng của cổ phiếu này vẫn khá tốt và tiếp tục là động lực chính giữ cho các chỉ số đi lên. Chốt phiên, VIC tăng 6,5% lên 114.500 đồng/cp, VRE tăng 2,9% lên 28.300 đồng/cp, còn VHM tăng 2,6% lên 110.900 đồng/cp. Động lực tăng của nhóm này được cho là đến từ thông tin Vingroup đang hợp tác với Arcturus trong việc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, dự kiến sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam từ tháng 8. Nếu thành công, nhà máy Vingroup sẽ có năng lực sản xuất 100 – 200 triệu liều vaccine hàng năm.
Bên cạnh nhóm cổ phiếu họ Vingroup, các cổ phiếu thuộc nhóm chứng khoán và ngân hàng cũng đồng loạt tăng giá vào cuối phiên, đây cũng là nhóm cổ phiếu tạo lực đẩy tốt đến các chỉ số. Trong đó, VND tăng 8,5% lên 49.900 đồng/cp, VCI tăng 3,2% lên 51.500 đồng/cp, SSI tăng 2,7% lên 56.500 đồng/cp, TCB tăng 2% lên 51.800 đồng/cp.
Bên cạnh nhóm Vingroup, các cổ phiếu bất động sản lớn gồm NVL, PDR hay THD cũng tăng giá ở phiên 3/8, trong đó, NVL tăng 0,9% lên 105.500 đồng/cp, PDR tăng 0,3% lên 93.900 đồng/cp và THD tăng 0,1% lên 209.500 đồng/cp.
Đối với các cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, sắc xanh có phần chiếm ưu thế hơn, trong đó, PTL, AMD và HDG đều được kéo lên mức giá trần. Như vậy, PTL đã có 14 phiên tăng liên tiếp từ mức chỉ 4.330 đồng/cp lên thành 8.870 đồng/cp. Công ty Dịch vụ và Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Phương Nam thông báo đăng ký mua 15 triệu cổ phiếu Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (Petroland – PTL) theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận từ ngày 5/8 đến 4/9. Hiện, đơn vị này chưa sở hữu bất kỳ cổ phiếu PTL nào. Nếu giao dịch được thực hiện thành công, Công ty Dịch vụ và Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Phương Nam sẽ nắm 15% vốn điều lệ Petroland.
Bên cạnh đó, SZC tăng 5,9% lên 43.000 đồng/cp, CEO tăng trở lại 3,6% lên 8.600 đồng/cp, CRE tăng 3% lên 51.300 đồng/cp.
Ở hướng ngược lại, một số cổ phiếu bất động sản vẫn biến động theo chiều hướng tiêu cực với những cái tên đáng chú ý như BII, KHG, TIG… Trong đó, KHG giảm 2,4% xuống 16.000 đồng/cp.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 18,22 điểm (1,39%) lên 1.332,44 điểm. Toàn sàn có 243 mã tăng, 140 mã giảm và 37 mã đứng giá. HNX-Index tăng 4,2 điểm (1,33%) lên 319,23 điểm. Toàn sàn có 103 mã tăng, 96 mã giảm và 70 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,24 điểm (0,27%) lên 87,59 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng so với phiên trước, trong đó, giao dịch khớp lệnh đạt 24.500 tỷ đồng, tăng 11,4%.
Khối ngoại tiếp tục mua ròng khoảng 170 tỷ đồng, trong đó, VHM là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong top 10 về giá trị mua ròng của khối ngoại với 74 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VIC, VRE, NLG và SZC đều nằm trong danh sách bán ròng mạnh. VIC bị bán ròng lên đến 214 tỷ đồng.
Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), VN-Index có phiên tăng điểm thứ bảy liên tiếp với thanh khoản gia tăng so với phiên trước đó và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy dòng tiền có sự quay trở lại thị trường và tâm lý nhà đầu tư đang có sự tích cực trở lại sau giai đoạn ảm đạm trước đó. Tuy nhiên, trên góc nhìn kỹ thuật, mặc dù tăng mạnh nhưng VN-Index vẫn nằm trong mục tiêu của sóng hồi phục nên khả năng thị trường sẽ diễn biến giằng co và rung lắc trong phiên giao dịch 4/8 với ngưỡng hỗ trợ và kháng cự lần lượt tại 1.300 điểm và 1.350 điểm./.