Vị thế, uy tín của Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng nâng cao
PV: Thượng tướng có thể điểm lại những thành tựu đối ngoại quốc phòng nổi bật của đất nước từ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược đến giai đoạn hiện nay?
Phải khẳng định đối ngoại quốc phòng gắn liền với chủ trương, chính sách của nhà nước Việt Nam, đã thể hiện trong suốt chiều dài lịch sử, đặc biệt trong giai đoạn chống Mỹ và giai đoạn hội nhập hiện nay.
Tôi đã từng phụ trách đối ngoại quốc phòng Việt Nam trong 10 năm, bắt đầu từ những đối ngoại song phương và quan hệ đối ngoại đầu tiên với các nước láng giềng như Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp cũng như chống Mỹ, 3 nước láng giềng này gắn kết với nhau trong công cuộc xây dựng bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp giải phóng của dân tộc.
Sau đó, chúng ta thiết lập đối ngoại với các nước xã hội chủ nghĩa như Liên Xô cũ (nay là nước Nga), Ấn Độ, các nước bạn bè như Cuba. Đây là những nước gắn bó mật thiết với chúng ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nên thành tựu về đối ngoại là rất lớn.
Con đường đối ngoại mà Việt Nam lựa chọn xuyên suốt đến bây giờ là đối ngoại độc lập tự chủ. Độc lập tự chủ ở đây là Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước.
Chủ trương của Việt Nam là không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024
Đối ngoại quốc phòng đã trở thành một kênh quan trọng, góp phần củng cố và phát triển quan hệ của Việt Nam với các quốc gia, tổ chức, khu vực trên thế giới.
Các hoạt động đối ngoại quốc phòng thúc đẩy, củng cố lòng tin chiến lược và xây dựng quan hệ hữu nghị với các đối tác.
Việt Nam đã tham gia nhiều cơ chế, diễn đàn quốc phòng, quân sự đa phương khu vực, quốc tế và có đóng góp tích cực, quan trọng vào các cơ chế, diễn đàn này. Vì thế mà vị thế, uy tín của Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.
Đối ngoại quốc phòng đã tạo điều kiện cho Quân đội nhân dân Việt Nam thiết lập quan hệ quốc phòng với quân đội hơn 100 nước, trong đó có 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, 3 tổ chức vũ trang quốc tế của Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Thủy đạc quốc tế (IHO).
Trong khu vực, với việc chủ động, tích cực tham gia các cơ chế quốc phòng, quân sự của ASEAN ngay từ những ngày đầu thành lập, Việt Nam ngày càng khẳng định vị trí, vai trò trong các hoạt động hợp tác quốc phòng, quân sự của ASEAN.
PV: Thưa Thượng tướng, trải qua từng thời điểm lịch sử của đất nước, từ những ngày mới thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam cách đây 80 năm đến kháng chiến chống Mỹ và giai đoạn hiện nay, mục tiêu mũi nhọn của đối ngoại quốc phòng là gì?
Có thể khẳng định, đối ngoại quốc phòng để thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Nhiệm vụ của đối ngoại quốc phòng là để thiết lập, phát triển quan hệ quốc phòng với các quốc gia có chủ quyền và các tổ chức quốc tế; xây dựng, mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác quốc tế; xây dựng, củng cố lòng tin, sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, tình đoàn kết giữa Quân đội nhân dân Việt Nam với quân đội các nước trên thế giới; tham gia xây dựng và thực thi các cơ chế hợp tác quốc phòng song phương, đa phương, khu vực, liên khu vực và toàn cầu vì mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển,…
Cụ thể, trong các giai đoạn chiến tranh lịch sử, đối ngoại quốc phòng của Việt Nam luôn tranh thủ sự ủng hộ của các nước láng giềng như Trung Quốc, như Lào, Campuchia để liên kết chiến đấu.
Trong chiến tranh, chủ trương của chúng ta là phải tranh thủ sự ủng hộ của tất cả các nước xã hội chủ nghĩa, các nước yêu chuộng hoà bình để họ giúp đỡ mình về tinh thần cũng như vật chất.
Từ đó, chúng ta từng bước phát triển và nhận được sự ủng hộ của nhân dân trên toàn thế giới trong đó có cả nhân dân Pháp, Mỹ yêu chuộng hòa bình, công lý. Như chúng ta đã biết, trong cuộc chiến tranh chống Pháp quân đội Việt Nam còn bé nhỏ.
Tại trận chiến Điện Biên Phủ, bằng sức mạnh của trí tuệ, truyền thống, văn hóa và sức mạnh của nghệ thuật chiến tranh, nhân dân Việt Nam đã đánh thắng thực dân Pháp, kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ đầy gian khổ và hy sinh.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, quan hệ đối ngoại quốc phòng mở rộng không những trong phạm vi các nước láng giềng, các nước xã hội chủ nghĩa mà nó đã lan tỏa ra toàn cầu.
Chiến thắng này cũng là động lực cho nhiều dân tộc đứng dậy để giải phóng dân tộc mình và đây là thành tựu lớn của Việt Nam trong đối ngoại quốc phòng.
Trong giai đoạn chống Mỹ, chúng ta kế thừa, chọn lựa những kinh nghiệm của ông cha ta về đánh giặc, giải phóng dân tộc, giữ nước.
Những chính sách đối ngoại của ông cha trước kia cũng đã giúp chúng ta chắt lọc, kế thừa những tinh hoa vào những điều kiện cụ thể trong cuộc kháng chống Mỹ cứu nước trường kỳ, gian khổ kéo dài hơn 20 năm.
Trong kháng chiến chống Mỹ, đối ngoại quốc phòng đã gắn liền với đối ngoại nhà nước và phát triển ở mức độ cao, đã tranh thủ được sự đồng tình của bè bạn khắp năm châu. Thời kỳ này, chúng ta thực hiện chính sách đối ngoại là “vừa đánh, vừa đàm”.
Các đế quốc xâm lược Việt Nam từ xưa đến nay họ đều mạnh hơn ta, kể cả về kinh tế, quân sự. Nhưng có một điểm chung, họ đều thua Việt Nam.
Chúng ta luôn xác định đối ngoại nhân dân là rất quan trọng. Bác Hồ xác định quân đội có 3 chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất. Đối ngoại sau này của quân sự giúp gắn kết với nhân dân và tạo lên một quân đội của dân, do dân, vì dân mà các nước không có được.
Sau đánh Mỹ chúng ta có một loạt các binh đoàn để xây dựng kinh tế quốc phòng. Chính kinh tế quốc phòng này giúp bảo vệ biên giới từ sớm, từ xa như Binh đoàn 15, Binh đoàn 16, Binh đoàn 12.
Đặc biệt, tôi muốn nhắc đến tập đoàn Viettel. Những ngày đầu, Viettel chỉ là một xí nghiệp. Sau những ngày đầu phát triển khó khăn, Viettel đã ngày một lớn mạnh, phủ sóng khắp đất nước, từ biên giới đến hải đảo và phát triển ra nước ngoài, thậm chí sang châu Phi.
Nói đến Viettel phải nói đến phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Điều này chúng tôi đánh giá trong chiến tranh là rất quan trọng. Đặc biệt, người chỉ huy phải dám nghĩ, dám làm, quyết đoán và chiu trách nhiệm trước vận mệnh của đơn vị và đất nước.
80 năm lịch sử của Quân đội nhân dân Việt Nam ghi dấu sự phát triển vượt bậc của công nghiệp quốc phòng
PV: Thưa Thượng tướng, tình hình chiến sự trên thế giới thời gian qua có nhiều biến động, nhiệm vụ đối ngoại của quốc phòng Việt Nam trong thời kỳ mới cần thực hiện như thế nào để có thể bảo vệ Tổ quốc từ sớm từ xa?
Tình thế giới hiện nay cũng như trong tương lai rất phức tạp, khó lường nên Việt Nam vẫn phải giữ vững ngọn cờ độc lập dân tộc và đối ngoại độc lập tự chủ, không lệ thuộc vào bất cứ nước nào, mà bằng chính trí tuệ, con người, truyền thống của Việt Nam.
Trong điều kiện mới, Việt Nam phải tiếp thu và nghiên cứu các diễn biến của tình hình đa phương, song phương để có những giải pháp phù hợp trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của quân đội Việt Nam.
Đối ngoại là hòa bình và tự vệ nhưng để bảo đảm từ sớm, từ xa chúng ta phải nghiên cứu, dự báo chiến lược rất cơ bản để có thể xử lý song phương, đa phương; xử lý trong khu vực và toàn cầu.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng, chúng ta đang đẩy mạnh công cuộc phát triển đất nước với khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Việt Nam phấn đấu đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Khát vọng phát triển đất nước chỉ có thể thực hiện được khi chúng ta giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo đảm ổn định chính trị, xã hội.
Chính vì vậy, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, gắn chặt đối ngoại với quốc phòng, an ninh và phục vụ phát triển kinh tế – xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
Ông cha ta luôn coi trọng việc bảo vệ Tổ quốc từ xa bằng nhiều biện pháp khác nhau như xây dựng quan hệ bang giao, hòa hiếu, hữu nghị với các nước láng giềng; chủ động xây dựng lực lượng quân đội, củng cố quốc phòng, an ninh.
Kế thừa quan điểm, tư tưởng, bài học kinh nghiệm quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước Việt Nam tiếp tục khẳng định chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là cần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, toàn diện trên mọi lĩnh vực.
Sự đổi mới tư duy về đối ngoại và hợp tác quốc phòng của Đảng và Nhà nước ta được thể hiện thông qua các kỳ Đại hội và được hoàn thiện sâu sắc hơn, phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước qua từng thời kỳ.
Đặc biệt, đối ngoại và hợp tác quốc phòng ngày càng được coi trọng và được coi là kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình.
Sự đổi mới về tư duy đối ngoại này của Đảng đã góp phần thúc đẩy hợp tác và hội nhập quốc tế về quốc phòng ngày càng sâu rộng, hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện của Đảng và Nhà nước ta.
PV: Đối với các hoạt động gìn giữ hòa bình, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa trong khuôn khổ Liên Hợp quốc, thời gian qua Việt Nam đã tham gia các hoạt động này như thế nào và được cộng đồng quốc tế đánh giá ra sao, thưa Thượng tướng?
Trước đây, chúng ta chưa có điều kiện để hội nhập và tham gia vào lực lượng gìn giữ hoà bình thế giới cũng như cứu trợ thảm hoạ trong khuôn khổ Liên Hợp quốc.
Sau khi thống nhất đất nước, kinh tế đất nước phát triển, chúng ta hội nhập và tham gia vào các hoạt động chung trên toàn thế giới. Các lực lượng tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm hoả trên thế giới được bạn bè năm châu đánh giá cao, quốc tế thừa nhận.
Ví dụ như khi xảy ra động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, chúng ta đã cử các đơn vị đi tham gia cứu hộ. Đây là những hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ lan toả trên thế giới và là hình ảnh của đối ngoại.
Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn trong trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, tháng 2/2023 – Ảnh: internet
Có thể khẳng định thời gian qua, Việt Nam đã tham gia tích cực trong các nỗ lực cứu trợ nhân đạo quốc tế như tình hình tại Ukraine, Myanmar, dải Gaza, Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ tiếp tục hỗ trợ những người dân bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng nhân đạo trên toàn thế giới.
Liên tục nhiều năm qua, Việt Nam luôn nỗ lực, đoàn kết cùng các tổ chức, đối tác, bạn bè quốc tế hành động xoa dịu nỗi đau của con người, trợ giúp, bảo vệ những người dễ bị tổn thương trong mọi hoàn cảnh.
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt, thiên tai, dịch bệnh và mới đây nhất là cơn bão số 3 lịch sử.
Bài học về sức mạnh để vượt qua những nghịch cảnh đến từ những phẩm chất tốt đẹp được tôi luyện trong gian khó, từ những giá trị cao đẹp về lòng nhân ái “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”,…
Đảng, Nhà nước, Quốc phòng Việt Nam luôn quan tâm đối với các hoạt động nhân đạo của đất nước và quốc tế.
Việt Nam nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đang dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên thế giới.
Bên cạnh đó, chúng ta tham gia ngày càng chủ động, tích cực vào các hoạt động nhân đạo của Liên hợp quốc và phong trào nhân đạo toàn cầu, đóng góp vào sự ổn định, phát triển bền vững của khu vực và thế giới.
Đối với việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là một trong những trụ cột của đối ngoại quốc phòng, là điểm sáng trong quan hệ đa phương của Quân đội nhân dân Việt Nam trong những năm gần đây.
Ngày 13/11/2020, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 130/2020 về việc Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Đây là hành lang pháp lý cho việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Điều này đã khẳng định sự tham gia lâu dài của Việt Nam đối với sứ mệnh gìn giữ, kiến tạo hòa bình ở khu vực và trên thế giới, phù hợp với chủ trương đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam; thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ đối với sứ mệnh gìn giữ hoà bình.
Lực lượng gìn giữ hoà bình của Việt Nam đã giành được sự ủng hộ của nhân dân các nước – nơi mà chúng ta đặt chân tới và đây là tài sản tinh thần quý báu góp phần bảo vệ Tổ quốc Việt Nam từ sớm, từ xa.
PV: Nhân dịp kỷ niệm 80 năm thành đập quân đội nhân dân và 30 năm ngày hội quốc phòng toàn dân, Thượng tướng có những lời nhắn nhủ gì về công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới”?
Thượng Tướng Nguyễn Huy Hiệu: Nhân dịp 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, điều mà tôi muốn gửi tới các thế hệ người Việt Nam nói chung và quân đội Việt Nam nói riêng, đặc biệt là thế hệ trẻ là chúng ta phải giữ vững tư tưởng và đường lối đối ngoại của Đảng, đặc biệt của quân đội.
Đó là chúng ta phải giữ vững tư tưởng hòa bình và tự chủ, bảo đảm an ninh của đất nước bằng chính trí tuệ, con người, sức mạnh, văn hóa, nghệ thuật đối ngoại quốc phòng Việt Nam.
Quân sự có nghệ thuật đối ngoại để chúng ta bảo vệ được chủ quyền độc lập thiêng liêng của Tổ quốc trong thời kỳ hội nhập; góp phần vào việc thực hiện 2 nhiệm vụ chính của Đảng đó là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nguồn: hoanhap.vn