Vì sao TPHCM càng chống ngập, càng ngập?

Những ngày này, người dân TPHCM hứng chịu những cơn mưa xối xả. Như thông lệ, cư dân của thành phố sôi động nhất cả nước phải hứng chịu cảnh bì bõm lội qua những vũng nước giữa đô thị giờ tan tầm.

Té xe giữa dòng nước, nâng nền, xây tường ngăn mưa lớn vốn là “đặc sản” ở nhiều tuyến đường, nhiều khu phố tại TPHCM trong cao điểm mùa mưa dù địa phương này nhiều lần thể hiện quyết tâm chống ngập với người dân. Trước những thực trạng trên, chuyên gia đô thị đặt vấn đề, có hay không việc thành phố đang chạy theo những tư duy chống ngập sai lầm?

***

Chiều tối một ngày giữa tháng 8, anh Thâu (36 tuổi, sống tại TP Thủ Đức) về đến nhà với chiếc quần vải xắn qua đầu gối. Chiếc honda bị nước làm chết máy giữa đường phải dắt bộ, túi đựng đồ ăn bị nước tràn vào gần một nửa dù đã cố buộc chặt.

Những ngày này, người dân TPHCM hứng chịu những cơn mưa xối xả. Như thông lệ, cư dân của thành phố sôi động nhất cả nước phải hứng chịu cảnh bì bõm lội qua những vũng nước giữa đô thị giờ tan tầm.

vi sao tphcm cang chong ngap cang ngap
Người dân TPHCM vẫn trải qua những ngày lội qua những vũng nước lớn giữa đô thị (Ảnh: Hải Long).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, các chuyên gia đô thị đặt dấu hỏi cho tư duy về các giải pháp chống ngập mà thành phố triệu dân đã và đang thực hiện. Để ngập úng mỗi khi mưa, triều cường không còn là “đặc sản”, địa phương này cần đặt lên bàn cân giữa việc tiếp tục chi hàng tỷ USD để chống ngập, hoặc thay đổi nhận thức chống ngập với quyết tâm cực cao.

Chống ngập có sai ngay từ đầu?

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị TPHCM, cho rằng, với 30% diện tích thấp hơn đỉnh triều cường, việc ngập úng là điều thành phố khó tránh khỏi. Tuy nhiên, TPHCM không phải là đô thị duy nhất trên thế giới có đặc điểm như vậy.

vi sao tphcm cang chong ngap cang ngap
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị TPHCM.

“Nhiều nước cũng gần sông, gần biển, địa hình thấp nhưng đã chọn hướng đi hiệu quả. Còn thành phố vẫn loay hoay với các giải pháp nhưng chưa cải thiện”, chuyên gia đô thị đánh giá.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị thành phố cho rằng, địa phương đã chọn giải pháp chống ngập “sai ngay từ đầu”. Ngay cả hiện tại, các phần việc khác đi kèm vẫn chạy theo cái sai đó.

Sai lầm đầu tiên được vị chuyên gia nhắc tới là vấn đề tư duy quy hoạch. Với việc phát triển các khu đô thị lớn như Phú Mỹ Hưng ở phía nam, thành phố sẽ tự đánh mất đi túi chứa nước khổng lồ mà tự nhiên ban tặng.

“Ngày trước, mỗi khi mưa ngập hay triều cường, lượng nước lớn sẽ dồn về vùng thấp đó nên rất nhanh rút. Còn bây giờ, khi bê tông hóa khu phía Nam, xây dựng các nhà cao tầng, nước không biết còn có thể rút đi đâu. Đó là sai lầm về mặt quy hoạch, một sai lầm rất khủng khiếp”, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa phân tích.

Ngoài ra, việc nâng nền để xây dựng vô tình biến nhiều con đường lớn tại TPHCM thành những con đê bất đắc dĩ. Đặc điểm này khiến TPHCM hình thành nhiều ô chứa nước nhỏ, tập trung tại từng khu vực và không có lối thoát nước.

vi sao tphcm cang chong ngap cang ngap
Chuyên gia cho rằng, việc đô thị hóa mạnh ở phía Nam là sai lầm trong quy hoạch của TPHCM trong chống ngập (Ảnh: Hải Long).

PGS.TS Hồ Long Phi, nguyên Viện trưởng Viện Nước và biến đổi khí hậu, phân tích về yếu tố kỹ thuật, hiện tại, hạ tầng thoát nước của TPHCM chưa được đầu tư đáp ứng kịp thời. Do đó, dù có địa hình cao, những khu vực như TP Thủ Đức vẫn phải hứng chịu những trận ngập thời gian qua do tốc độ đô thị hóa, bê tông hóa bề mặt.

“Nhiều khu vực đã bắt đầu đô thị hóa, nhưng hệ thống thoát nước chưa có. Ngoài ra, có những khu vực dù có hệ thống thoát nước nhưng lượng mưa vừa qua đã vượt tần suất thiết kế”, ông Hồ Long Phi nêu nguyên nhân.

Lạc hậu về hạ tầng tiêu thoát nước cũng là điều được PGS.TS Nguyễn Minh Hòa nhắc tới. Hiện tại, hệ thống thoát nước của TPHCM chịu được mưa lớn trong 3 giờ liên tục với lưu lượng khoảng 80mm/giờ. Tuy nhiên, thời gian qua, địa bàn này đã ghi nhận nhiều trận mưa lên tới 150mm/giờ, có lúc lên đến 440mm/giờ.

“Nếu tình trạng này duy trì, trong thời gian tới, TPHCM còn ngập nhiều hơn, khủng khiếp hơn nữa. Dòng nước có đặc thù ngăn chỗ này thì chảy chỗ khác. Ngay cả khi công trình chống ngập 10.000 tỷ hoàn thành mà không có các giải pháp đồng bộ, tình hình sẽ không cải thiện nhiều”, ông Nguyễn Minh Hòa nêu quan điểm.

Thay đổi tư duy hoặc còn tốn nhiều tiền

TPHCM có đặc thù là đô thị có dòng sông lớn, kênh rạch chằng chịt chảy qua, tiếp giáp biển và trong vùng nhiệt đới gió mùa cận xích đạo. Địa phương này phải chịu ảnh hưởng bởi triều cường và lượng mưa lớn hàng năm. Tuy nhiên, nhiều vùng đất khác có đặc điểm khí hậu tương tự đã khắc phục, hạn chế tới mức tối thiểu những tác động cực đoan của ngập úng.

Ông Hồ Long Phi nhìn nhận, lời giải kỹ thuật cho TPHCM đã có sẵn và không có gì mới. Nơi đô thị hóa mạnh, diện tích thẩm thấu nước tự nhiên bị giảm thì buộc phải đầu tư hệ thống thoát nước, nơi nào gặp triều cường phải ngăn lại, không thể khác.

vi sao tphcm cang chong ngap cang ngap
Hệ thống tiêu thoát nước của TPHCM có phần lạc hậu so với nhu cầu phát triển (Ảnh: Hải Long).

“Thành phố cũng có đầu tư, xây dựng cho hệ thống tiêu, thoát nước nhưng không bắt kịp được với tốc độ đô thị hóa. Ngoài ra, nguồn lực còn thiếu, sự phối hợp không đồng đều giữa các bên khiến TPHCM vẫn loay hoay với câu chuyện chống ngập nhiều năm qua”, ông Hồ Phi Long chỉ rõ.

Nguyên Viện trưởng Viện Nước và biến đổi khí hậu nêu lời giải, đối với các khu vực trung tâm TPHCM như quận 1, 3, 5, 10, để giảm áp lực cho hệ thống tiêu thoát nước vốn đã lạc hậu, TPHCM cần xây dựng các hệ thống điều tiết ngầm vì diện tích đất bề mặt không còn. Đối với những khu vực mới đô thị hóa nhưng chưa có hệ thống thoát nước như TP Thủ Đức, quận Gò Vấp, quận 12, thành phố cần nhanh chóng đầu tư xây dựng phù hợp.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị TPHCM đưa ra quan điểm, với hiện trạng bê tông hóa bề mặt quá nhiều như bây giờ, thành phố buộc phải lựa chọn giữa chi rất nhiều tiền hoặc cần có quyết tâm cực cao.

Lựa chọn thứ nhất được PGS.TS Nguyễn Minh Hòa đưa ra là thành phố xây các hầm chứa nước rất lớn. Mỗi khi mưa lớn, triều cường, nước sẽ được đổ dồn về các hầm này và bơm ra biển, sông lớn trong thời gian phù hợp.

“Giải pháp này tốn rất nhiều tiền, ước chừng khoảng 3 tỷ USD. Nhưng cần nhớ, những gì TPHCM đã và đang làm cho tới hiện nay đã nhiều hơn 3 tỷ USD đó rồi”, ông Nguyễn Minh Hóa nhìn nhận.

Lựa chọn thứ 2 được vị chuyên gia cho rằng nằm trong tầm tay của thành phố và có lợi mọi đường. Theo đó, thành phố cần khơi thông tất cả tuyến kênh, rạch, khôi phục lại hệ thống thoát nước tự nhiên trước đây.

vi sao tphcm cang chong ngap cang ngap
Biện pháp chống ngập khả thi, hiệu quả nhất của TPHCM là khơi thông các kênh, rạch hiện hữu (Ảnh: Hoàng Giám).

Thay vì lựa chọn các giải pháp chống ngập cưỡng bức là xây dựng thêm dự án, công trình, TPHCM có thể lựa chọn giải pháp tự nhiên là để nước chảy theo dòng trên mặt đất, một phần ngấm xuống, một phần được điều tiết bởi hệ thống kênh, rạch.

“Trước năm 1980, TPHCM thoát nước bằng hệ thống kênh, rạch tự nhiên là chính, nay đã bị lấp hết hoặc nếu còn cũng không thể chảy. TPHCM cần khai thông 5 tuyến kênh, rạch chính, cải tạo, nâng cấp tuyến rạch Xuyên Tâm thì có ngập cũng không còn nghiêm trọng”, ông Nguyễn Minh Hòa dẫn chứng.

Chuyên gia đô thị khẳng định, TPHCM từng thành công khi lựa chọn giải pháp này. Minh chứng rõ nét nhất là dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã giải quyết được vấn đề ngập úng cho một vùng rộng lớn. Bên cạnh giải quyết ngập, dự án còn giúp địa phương chính trang đô thị, tạo cảnh quan môi trường, giải quyết ô nhiễm.

“Thành phố không nên làm hoặc chạy theo những giải pháp kém hiệu quả. Thay vào đó, chính quyền cần tập trung cho những việc khả thi, nằm trong khả năng của mình”, ông Nguyễn Minh Hòa nhấn mạnh.

Chưa có nhiều chuyển biến với lý do thiếu nguồn lực?

Theo kết quả khảo sát sụt lún nền ở TPHCM do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản thực hiện, nền đất của địa phương này đang bị hạ khoảng 2cm mỗi năm, cá biệt có nơi lên đến 6cm trong trong 1 năm. Cùng với đó, tốc độ đô thị hóa nhanh, hiện tượng bê tông hóa bề mặt chưa dừng lại, những tác động bởi mưa, và triều cường có thể ngày một trầm trọng hơn đối với đô thị sôi động nhất cả nước.

Các chuyên gia cho rằng, rất khó để nói trước, trong tương lai, TPHCM sẽ còn ngập úng trầm trọng đến mức nào. Tuy nhiên, điều có thể nhận thức rõ là nếu không có các giải pháp cấp bách, những vùng đô thị hóa mạnh sẽ còn ngập nặng hơn nữa.

vi sao tphcm cang chong ngap cang ngap
Người dân tại TPHCM ngồi chờ nước rút để về nhà trong giờ tan tầm mùa mưa năm 2022 (Ảnh: Hải Long).

Một ví dụ điển hình cho câu chuyện này là TP Thủ Đức, địa phương vừa sáp nhập giữa 3 quận và tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Nâng nền nhà, nâng đường một cách cục bộ là giải pháp hầu hết người dân lựa chọn để chống chọi từ năm này qua năm khác tại vùng đô thị mới.

Từ hàng chục năm trước, khi lần đầu tiên gặp hiện tượng nước mưa tràn vào nhà, ông Long (59 tuổi, ngụ đường Dương Văn Cam, TP Thủ Đức) chọn giải pháp nâng nền. Vậy nhưng, dù đã nâng 3 lần với độ cao hơn 1,5m so với mặt đường Dương Văn Cam, dòng nước vẫn mấp mé phía cửa mỗi khi mưa lớn.

vi sao tphcm cang chong ngap cang ngap
Dù đã xây tường, nâng nền chống ngập, gia đình ông Long (TP Thủ Đức) vẫn chịu ám ảnh trong mùa mưa (Ảnh: Như Hà).

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa nêu thực trạng, triều cường tại TPHCM có xu hướng năm sau cao hơn năm trước. Năm 1990, địa phương này có đỉnh triều là 1,2m, năm 2002 đã lên thành 1,75m, trong khi nền đất chịu ảnh hưởng bởi sụt lún.

“Theo kịch bản xấu nhất của Liên hợp quốc, năm 2050, TPHCM sẽ ngập thường trực đến 70% diện tích. Tất nhiên, kịch bản này chỉ mang tính tham khảo, nhưng địa phương buộc phải thay đổi nhận thức và có sự quyết tâm để tránh tình huống xấu nhất”, ông Nguyễn Minh Hòa bày tỏ.

Câu chuyện giải quyết ngập úng tại TPHCM đã được địa phương này đặt ra từ nhiều năm trước, xuyên suốt quá trình phát triển đô thị. Hàng loạt phương án được chính quyền thành phố đặt ra như xây hồ điều tiết, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước, xây siêu dự án chống ngập.

Nhưng sau tất cả, những dự định đó chưa có nhiều chuyển biến với lý do thiếu nguồn lực. Bỏ qua những kịch bản khủng khiếp về ngập úng trong tương lại, hiện tại, người dân sinh sống tại thành phố văn minh, năng động vẫn phải chịu cảnh bì bõm lội qua những vũng nước lớn giữa đô thị với nỗi lo sợ mỗi khi mưa lớn, triều cường dâng.

vi sao tphcm cang chong ngap cang ngap

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích