Vì sao Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng lại bác đơn Công ty Đảo Cát Dứa kiện Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng?

(Xây dựng) – Vừa qua, Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng đã tuyên bác đơn Công ty Cổ phần Dịch vụ du lịch Đảo Cát Dứa (Công ty Đảo Cát Dứa) kiện Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng. Tuy nhiên, vấn đề này đang gây ra nhiều nội dung tranh cãi, cần được các cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ để đảm bảo lợi ích các doanh nghiệp đã đầu tư du lịch nhiều năm tại đảo Cát Bà.

vi sao toa an nhan dan thanh pho hai phong lai bac don cong ty dao cat dua kien thanh tra so xay dung hai phong
Công trình du lịch sinh thái Monkey Island (Đảo Khỉ) Resort của Công ty Đảo Cát Dứa nhìn từ trên cao.

Nội dung khởi kiện liên quan đến Quyết định số 176 ngày 25/11/2021 của Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra đối với doanh nghiệp.

Thanh tra Sở Xây dựng cho rằng, doanh nghiệp xây dựng không phép mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng nên đã áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là phá dỡ công trình xây dựng. Không đồng tình với quyết định này, doanh nghiệp đã khởi kiện Thanh tra Sở Xây dựng thành phố Hải Phòng ra Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng.

Theo Công ty Đảo Cát Dứa, công trình xây dựng trên Vịnh Lan Hạ (địa giới hành chính thuộc xã Việt Hải và thị trấn Cát Bà, huyện đảo Cát Hải, thành phố Hải Phòng) thuộc trường hợp được miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại điểm k, khoản 2, điều 89 Luật Xây dựng năm 2013. Theo đó, công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt…được miễn giấy phép xây dựng.

Tại phiên tòa, đại diện cho doanh nghiệp trình bày các căn cứ pháp luật nêu trên và cho rằng, Thanh tra Sở Xây dựng đã không căn cứ vào Luật Xây dựng năm 2013 để ra quyết định cưỡng chế phá dỡ.

Ông Trịnh Phúc Mãn, Phó Giám đốc Công ty Đảo Cát Dứa nêu rõ: “Mô hình thí điểm của chúng tôi là tiền đề cho việc tổng kết, rút kinh nghiệm để thành phố Hải Phòng ban hành Đề án số 2119 năm 2012 về phát triển du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia Cát Bà. Do đó, có nhiều cái vừa làm vừa đánh giá, vừa hoàn thiện”.

Trong quá trình xây dựng, doanh nghiệp đã chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước, quy chế quản lý rừng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tuân thủ nghiêm túc mọi hướng dẫn của Vườn Quốc gia Cát Bà. Các công trình xây dựng đều tuân thủ theo quy định về chiều cao công trình dưới 12m, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường…

Được biết, Bản án sơ thẩm tuyên ngày 27/6 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng đã cho rằng, vì khu vực có các công trình xây dựng của Công ty Đảo Cát Dứa là thuộc địa phận rừng đặc dụng, thuộc phân khu phục hồi sinh thái biển là khu có chức năng đặc thù của Vườn Quốc gia Cát Bà nên bắt buộc phải yêu cầu giấy phép xây dựng.

Bản án nêu: “Xuất phát từ việc Công ty Đảo Cát Dứa ký liên doanh, liên kết với Vườn Quốc gia Cát Bà để tổ chức thí điểm hoạt động du lịch sinh thái tại bãi Cát Dứa 2 và xây dựng các công trình tại địa điểm này khi chưa có đề án cụ thể trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chưa có đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng theo các quy định, không có giấy phép xây dựng là vi phạm”. Qua đó, Hội đồng xét xử đã không chấp nhận nội dung đơn khởi kiện.

Qua đây rất nhiều ý kiến cho rằng, trong khoảng thời gian Công ty Đảo Cát Dứa đầu tư xây dựng các công trình du lịch sinh thái. Theo Luật Xây dựng năm 2013, đối với những vùng ở nông thôn chưa có quy hoạch được duyệt thì miễn giấy phép xây dựng. Vậy theo Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng, vùng này là nông thôn hay đô thị?

Ông Trịnh Phúc Mãn, Phó Giám đốc Công ty Đảo Cát Dứa cho biết: Năm 2006, Vườn Quốc gia Cát Bà, UBND huyện Cát Hải kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư các khu vực trên vịnh Lan Hạ dựa theo đề án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho phép các Vườn Quốc gia trên toàn quốc được phát triển về du lịch, làm những mô hình thí điểm.

Từ năm 2009 đến nay, các doanh nghiệp đã đầu tư tại các điểm du lịch trên trị giá hơn 600 tỷ đồng và đang kinh doanh ổn định. Đề án cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn thiên nhiên do Vườn Quốc gia Cát Bà xây dựng đã được UBND thành phố Hải Phòng phê duyệt.

Tuy nhiên, từ ngày 22/11/2016, UBND thành phố Hải Phòng bất ngờ có văn bản chỉ đạo Vườn Quốc gia Cát Bà chấm dứt hoạt động liên doanh liên kết với các doanh nghiệp trên. Tiếp đó, UBND thành phố Hải Phòng cũng ban hành văn bản yêu cầu các doanh nghiệp phải dỡ bỏ các công trình. Theo các doanh nghiệp, quyết định này nếu được triển khai sẽ đẩy các doanh nghiệp vào tình huống khó khăn, đối diện với nguy cơ phá sản, mất trắng hàng trăm tỷ đồng sau nhiều năm gây dựng.

Chúng tôi cho rằng: Cơ sở để Ban Quản lý Vườn Quốc gia Cát Bà ký hợp đồng với các doanh nghiệp, xây dựng các công trình để phục vụ du lịch là dựa trên các văn bản, các chỉ đạo của các cơ quan quản lý cấp trên, đặc biệt là UBND thành phố Hải Phòng. Việc ban hành các quyết định phá dỡ công trình này với lý do là công trình xây dựng không có giấp phép xây dựng mà theo quy định pháp luật cần có giấy phép, như vậy việc áp dụng này đã đúng hay chưa? Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng cũng cần cân nhắc vấn đề này theo quy định của pháp luật như đã nêu trên.

Dư luận cho rằng, nếu là sai phạm, tại sao lúc đó các cấp chính quyền không xử lý ngay mà để đến hàng chục năm trôi qua mới cưỡng chế phá dỡ? Cũng cần nói thêm rằng, những năm 2010, đảo Cát Bà là vùng đảo vắng, rất ít người dân sinh sống. Một số doanh nghiệp đã ra đây lập nghiệp, đã góp phần giữ đất, giữ đảo cho Tổ quốc và làm cho vùng đảo Cát Bà bừng sáng như hiện nay. Họ có đáng bị đối xử như vậy không? Dư luận bày tỏ quan ngại, việc phá dỡ các công trình xây dựng của doanh nghiệp hiện tại liệu có để trồng rừng hay lại cho ra đời một dự án đầu tư khác quy mô hơn? Cách giải quyết của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng có nhiều vấn đề chưa thấu tình đạt lý và thậm chí thiếu cơ sở pháp luật.

Chúng tôi cho rằng, mặc dù Thanh tra Sở Xây dựng là cơ quan ra quyết định cưỡng chế, nhưng thực chất là thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hải Phòng. Vì vậy, UBND thành phố Hải Phòng cũng cần có những buổi làm việc đối thoại với doanh nghiệp để tìm ra một biện pháp giải quyết thấu tình đạt lý và đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp. Trong những trường hợp thật sự cần có một nhà đầu tư lớn để đầu tư một khu dịch vụ xứng tầm và hiện đại, bài bản thì hãy để nhà đầu tư thỏa thuận đền bù với các doanh nghiệp, đảm bảo lợi ích các bên liên quan.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích