Vì sao thế giới lo lắng về cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc?

Lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn của Trung Quốc đã phải hứng chịu một cú sốc khác trong tháng này khi làn sóng dừng thanh toán thế chấp của người mua nhà trong các dự án chưa hoàn thành và nhà thầu xây dựng đang lan rộng tại nước này.

vi sao the gioi lo lang ve cuoc khung hoang bat dong san o trung quoc
Các tòa nhà do tập đoàn bất động sản Evergrande xây dựng tại Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 17/9/2021. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Cuộc tẩy chay diễn ra với nhiều nhà phát triển đang chật vật xoay sở với hàng núi nợ và lo ngại khủng hoảng có thể lan sang phần còn lại của nền kinh tế Trung Quốc và toàn cầu.

Lĩnh vực bất động sản là một trong những trụ cột chính của kinh tế Trung Quốc. Bất động sản và các ngành công nghiệp liên quan ước tính đóng góp khoảng 1/4 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc khởi sắc sau khi cải cách thị trường vào năm 1998. Lĩnh vưc này đã bùng nổ do nhu cầu từ tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, những người coi bất động sản là tài sản gia đình và biểu tượng địa vị quan trọng.

Thị trường được thúc đẩy bởi khả năng tiếp cận các khoản vay dễ dàng, với các ngân hàng sẵn sàng cho vay càng nhiều càng tốt cho cả nhà phát triển bất động sản và người mua.

Theo báo cáo của tổ chức nghiên cứu thuộc Ngân hàng ANZ (ANZ Research) trong tháng này, các khoản vay thế chấp chiếm gần 20% tổng dư nợ trong toàn bộ hệ thống ngân hàng của Trung Quốc.

Nhiều sự phát triển dựa vào “tiền bán hàng”, với việc người mua trả tiền thế chấp cho các căn hộ trong các dự án chưa được xây dựng.

Theo tờ Bloomberg News, các ngôi nhà chưa hoàn thiện ở Trung Quốc có diện tích lên tới 225 triệu m2.

Tại sao lại rơi vào khủng hoảng?

Khi các nhà phát triển bất động sản phát triển mạnh mẽ, giá nhà đất cũng tăng theo. Điều đó khiến chính phủ lo lắng, vốn đã lo ngại về rủi ro do các nhà phát triển nợ nần chồng chất gây ra.

Các cơ quan chức năng đã tiến hành siết chặt hoạt động trên thị trường vào năm ngoái, với việc ngân hàng trung ương giới hạn tỷ lệ dư nợ cho vay bất động sản so với tổng cho vay của các ngân hàng để cố gắng hạn chế mối đe dọa đối với toàn bộ hệ thống tài chính.

Điều này khiến nguồn tài chính bị thắt chặt đối với các nhà phát triển vốn đang gặp khó khăn trong việc xử lý các khoản nợ.

Một làn sóng vỡ nợ xảy ra sau đó, đáng chú ý nhất là Evergrande, một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, chìm trong khoản nợ hơn 300 tỷ USD.

Ngoài ra, các công ty bất động sản Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng COVID-19 – tình trạng kinh tế không chắc chắn đã buộc nhiều người mua nhà phải suy nghĩ lại về kế hoạch mua nhà.

Người mua nhà phản ứng như thế nào?

Cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande đã làm dấy lên các cuộc phản đối từ người mua nhà và nhà thầu tại trụ sở chính ở Thâm Quyến vào tháng 9 năm ngoái.

Vào tháng 6 năm nay, một hình thức phản đối mới đã xuất hiện: Từ chối thanh toán thế chấp. Việc khách hàng vay mua nhà ngừng trả nợ các dự án đình trệ chưa hoàn thành, không gây rủi ro hệ thống nhưng vẫn khiến ngân hàng nhỏ tổn thương.

Trong vòng một tháng, cuộc tẩy chay lan rộng đến người mua nhà tại hơn 300 dự án tại 50 thành phố trên khắp Trung Quốc.

Nhiều dự án chưa hoàn thành tập trung ở tỉnh Hà Nam, nơi nổ ra các cuộc biểu tình phản đối gian lận ngân hàng nông thôn và bị dập tắt.

Các nhà cho vay Trung Quốc tuần trước cho biết các khoản thế chấp bị ảnh hưởng chỉ chiếm chưa đến 0,01% các khoản thế chấp nhà ở còn tồn đọng, nhưng các nhà phân tích cho rằng nỗi lo sợ là các cuộc tẩy chay sẽ lan rộng ra sao.

Tại sao có mối quan tâm toàn cầu?

Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, với các liên kết thương mại sâu rộng với tài chính toàn cầu. Các nhà phân tích nhận định, nếu cuộc khủng hoảng tài sản lan sang hệ thống tài chính của Trung Quốc, thì cú sốc sẽ vượt xa biên giới của nước này.

Trong một ghi chú vào ngày 18/7, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings viết: “Nếu các vụ vỡ nợ leo thang, có thể có những tác động kinh tế và xã hội rộng rãi và nghiêm trọng”.

Điều này lặp lại cảnh báo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hồi tháng Năm rằng trong khi Trung Quốc đã cố gắng kiềm chế một cuộc khủng hoảng thì một cuộc khủng hoảng bất động sản tồi tệ hơn cũng có thể ảnh hưởng đến hệ thống tài chính của nước này.

Cuộc khủng hoảng có thể lan rộng và tác động đến thương mại toàn cầu và tâm lý rủi ro, Fed cho biết trong Báo cáo ổn định tài chính tháng 5/2022.

Trung Quốc có thể làm gì để khắc phục?

Giới phân tích nhận định, một gói cứu trợ hoặc quỹ cứu trợ cho toàn bộ lĩnh vực bất động sản là khó có thể xảy ra, ngay cả khi các cuộc tẩy chay thế chấp gia tăng, bởi điều đó có nghĩa là Chính phủ Trung Quốc đang thừa nhận quy mô của cuộc khủng hoảng.

Một gói cứu trợ lớn cũng có thể khuyến khích các nhà phát triển bất động sản và người mua nhà tiếp tục với các quyết định mạo hiểm vì họ sẽ thấy chính phủ và các ngân hàng phải chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, áp lực đã và đang gia tăng lên các ngân hàng Trung Quốc để giúp xoa dịu tình hình. Cơ quan quản lý ngân hàng của Trung Quốc hôm 21/7 cho biết cơ quan này sẽ giúp đảm bảo rằng các dự án được hoàn thành và các căn nhà được bàn giao cho người mua.

Một số can thiệp đã xảy ra ở cấp địa phương ở tỉnh Hà Nam, nơi một quỹ cứu trợ được thành lập với sự hợp tác của một nhà phát triển bất động sản được nhà nước hậu thuẫn để giúp đỡ các dự án bị căng thẳng.

Chuyên gia phân tích Shujin Chen tại tổ chức môi giới Jefferies ở Hong Kong (Trung Quốc) cho biết chính quyền địa phương, nhà phát triển và chủ nhà cũng có thể thương lượng việc miễn lãi và tạm dừng thanh toán thế chấp trong một thời gian nhất định tùy từng trường hợp.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích