Vì sao sản phẩm rượu phải công bố hợp quy?
Thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ chứa đựng thực phẩm, vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm khi nhập khẩu để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam đều phải đảm bảo điều kiện về chất lượng sản phẩm. Vì vậy, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu rượu, cần tiến hành công bố chất lượng rượu. Đây là điều kiện bắt buộc để lưu hành hợp pháp sản phẩm trên thị trường theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP và Nghị định 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 quy định về kinh doanh rượu.
Theo đó, trước khi lưu thông trên thị trường rượu phải được công bố hợp quy theo QCVN 6-3:2010/BYT, Quy chuẩn này quy định các chỉ tiêu an toàn thực phẩm và yêu cầu quản lý đối với cồn thực phẩm được sử dụng để sản xuất đồ uống có cồn và sản phẩm đồ uống có cồn, rượu.
Quy chuẩn quy định hàm lượng methanol trong rượu vang đỏ (red wine) là 400 mg/l; rượu vang trắng (white wine) và hồng (rosé wine) là 250 mg/l; rượu mạnh hàm lượng methanol không lớn hơn 2000 mg/l cồn 100 độ; rượu trái cây hàm lượng methanol không lớn hơn 10.000 mg/l cồn 100 độ; rượu Vodka hàm lượng methanol không lớn hơn 100 mg/l cồn 100 độ… Hàm lượng lưu huỳnh dioxid (SO2) không lớn hơn từ 150 đến 250 mg/l tùy từng loại rượu. Bộ Y tế cũng quy định hàm lượng chì không vượt quá 0,2 mg/l; thiếc không vượt quá 150mg/l.
Việc ghi nhãn sản phẩm rượu phải theo quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ về nhãn hàng hoá và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất sản phẩm đồ uống có cồn phải công bố hợp quy phù hợp các quy định kỹ thuật tại Quy chuẩn này, đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo phân cấp của Bộ Y tế và bảo đảm chất lượng, an toàn theo đúng nội dung đã công bố.
Bán rượu cho người dưới 18 tuổi, bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet, bán rượu bằng máy bán hàng tự động; quảng cáo, khuyến mại rượu trái quy định pháp luật là vi pháp quy định của pháp luật.
Rượu là loại đồ uống có tác dụng gây nghiện làm ức chế hoạt động của não bộ và hệ thống thần kinh trung ương. Thời gian vừa qua liên tục ghi nhận các trường hợp ngộ độc rượu. Theo các chuyên gia, uống rượu nặng lâu ngày thường dẫn đến các chứng bệnh về gan (gan nhiễm mỡ, viêm gan do rượu, xơ gan). Bệnh nhân bị tồn thương gan nặng thường bị rối loạn đông máu do giảm tổng hợp các yếu tố đông máu, làm tăng nguy cơ chảy máu đáng kể do chấn thương (ví dụ như ngã hoặc tai nạn xe) và xuất huyết tiêu hóa (ví dụ viêm dạ dày, giãn vỡ tĩnh mạch thực quản do tăng áp lực tĩnh mạch cửa); những người lạm dụng rượu có nguy cơ đặc biệt bị xuất huyết tiêu hóa.
Do vậy, cần kiểm soát khi sử dụng rượu và lựa chọn các sản phẩm đã được hợp quy, công bố chất lượng để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Doãn Trung