Vì sao nhiều trẻ mắc tay chân miệng có diễn biến nặng?

Vì sao nhiều trẻ mắc tay chân miệng có diễn biến nặng?

Bên cạnh số ca mắc tay chân miệng đang tăng nhanh, có nhiều trường hợp diễn biến nặng, thậm chí đã có những bệnh nhân tử vong.

Tỷ lệ trẻ em mắc tay chân miệng nặng tăng cao

Tính riêng từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) đã tiếp nhận hơn 1.200 trẻ mắc bệnh tay chân miệng đến thăm khám.

Đáng chú ý, trong số này, có gần 500 bệnh nhi phải nhập viện điều trị.

Theo TS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, Coxsackie virus A16 (CA16) và Enterovirus 71 (EV71) là 2 nhóm tác nhân gây bệnh tay chân miệng thường gặp.

Trong đó, bệnh nhân nhiễm chủng virus EV71 thường sẽ có diễn biến nặng hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn. Với các trường hợp diễn biến nặng, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong.

Trong số hơn 1.200 bệnh nhi mắc tay chân miệng bệnh viện tiếp nhận có 30% nhiễm chủng virus EV71.

Cũng theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, năm nay ghi nhận nhiều trẻ gặp biến chứng thần kinh hơn, điển hình nhất là viêm não.

Từ tháng 4, theo báo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội đã ghi nhận tình trạng dịch tay chân miệng gia tăng mạnh. Nhiều ổ dịch xuất hiện ở khu vực trường học.

Empty

Số trẻ mắc tay chân miệng ngày một nhiều (Ảnh minh họa)

Còn tại TP.HCM, theo báo cáo của Viện Pasteur TP.HCM, tính đến hết tuần 23 vừa qua, toàn khu vực phía Nam ghi nhận hơn 9.000 ca mắc bệnh tay chân miệng. Trong đó, có 4 ca tử vong, với chẩn đoán tay chân miệng độ 4 và có xét nghiệm Enterovirus 71 (EV71) dương tính.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, so sánh với các năm dịch trước đây, trong 6 tháng đầu năm số lượng bệnh nhân nhập viện không nhiều (431 trẻ), nhưng tỷ lệ nặng so với tổng số bệnh tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước, với 4 ca đã tử vong.

Vì sao tỷ lệ trẻ mắc tay chân miệng diễn biến nặng cao?

Lý giải nguyên nhân năm nay bệnh tay chân miệng tăng nhanh, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM nhận định, sự tái xuất của virus EV71 song “không thể lý giải được tại sao chủng nguy hiểm xuất hiện trở lại”. Tuy nhiên, các bệnh do virus thường theo chu kỳ 3-4 năm sẽ quay lại, nhất là virus chưa có vaccine phòng ngừa.

Bác sĩ Khanh cũng cho rằng sau một thời gian dài xảy ra dịch Covid-19, trẻ phải ở trong nhà lâu nên khả năng miễn dịch với một số bệnh truyền nhiễm thường niên kém đi, dễ mắc bệnh. “Do đó, dịch bệnh tay chân miệng lần này rất đáng lo ngại”, bác sĩ nói.

Một điểm khác của bệnh này năm nay là trẻ lớn cũng mắc tay chân miệng, trong khi trước đây thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi. Điều này có nghĩa trẻ từng mắc bệnh, nhưng nếu tiếp tục tiếp xúc với nguồn lây vẫn có nguy cơ nhiễm trở lại, theo ông Khanh.

Empty

Bệnh tay chân miệng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe (Ảnh minh họa)

Dấu hiệu tay chân miệng diễn biến nặng cần nhập viện

Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, khi trẻ có tổn thương ở da đi kèm hoặc không kèm sốt có thể chăm sóc trẻ tại nhà. Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ có các biểu hiện sau cần kịp thời đưa trẻ nhập viện điều trị:

– Sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt.

– Mệt mỏi, không chơi, bỏ ăn, ngủ nhiều, lơ mơ…

– Giật mình nhiều (>= 2 lần trong 30 phút).

– Vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc ở tay, chân.

– Thở nhanh, thở bất thường (ngưng thở, thở nông, rút lõm ngực, khò khè…).

– Run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng.

Bạn cũng có thể thích