Vì sao kính cao ốc vỡ trong siêu bão Yagi?
(Xây dựng) – Trong cơn bão Yagi (bão số 3) vừa qua, hình ảnh các tấm kính tại các cao ốc ở Quảng Ninh bị vỡ đã minh chứng cho sức công phá kinh hoàng của siêu bão này. Theo các chuyên gia, đây không phải là hiện tượng bất thường.
Khách sạn Ritz Carlton ở đảo Hải Nam bị Yagi phá hủy mặt ngoài ngày 6/9. |
Vỡ vì bão quá mạnh
Theo tờ dimsumdaily.hk trước khi phá vỡ kính các tòa nhà ở Quảng Ninh, bão Yagi đã phá hoại một loạt công trình tại đảo Hải Nam của Trung Quốc. Hai công trình tiêu biểu trong số này là khách sạn Ritz Carlton và một nhà hàng nổi tiếng bên bờ biển được ốp kính bên ngoài. Tại khách sạn Ritz Carlton, nhiều mảng kính lớn đã bị vỡ nát trước sức công phá của Yagi. Trước đó, khi đổ bộ vào nước Mỹ, các siêu bão như Katrina, Haiyan cũng đã “bóc” kính hàng loạt tòa nhà, đơn giản vì sức gió quá mạnh.
Cung cá heo – công trình biểu tượng của Quảng Ninh bị hư hỏng nặng sau bão. |
Tại Quảng Ninh vừa qua, không chỉ các tòa nhà cao tầng mà công trình thấp tầng như: Bảo tàng Quảng Ninh cũng bị vỡ hàng loạt ô kính. Các tòa nhà cao tầng mới xây rất hiện đại như: Tổ hợp Citadines, khách sạn Alacarte Hạ Long, FLC Hạ Long, Sea Star… đều ít nhiều bị vỡ kính.
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về dự báo thời tiết. |
Trao đổi với chúng tôi, các chuyên gia đều cho rằng việc kính vỡ do siêu bão đơn giản là vì sức gió quá mạnh. Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia hàng đầu về dự báo thời tiết nói việc các tòa cao ốc bị vỡ kính khi gặp siêu bão là chuyện bình thường. Nhiều năm theo dõi, nghiên cứu các cơn bão trên thế giới, tiến sỹ Nguyễn Ngọc Huy cho biết, khi đối diện với các siêu bão, việc các công trình kiến trúc, đặc biệt là các công trình cao tầng mà có mặt dựng là kính sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.
“Vấn đề không phải là không thể chống được siêu bão, mà là làm như thế thì quá tốn kém và thế giới họ cũng chấp nhận sống chung với vấn đề này”, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Huy nói.
Theo ông Vũ Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Kết cấu và xây dựng, Viện Khoa học công nghệ xây dựng (IBST), bão Yagi là cơn bão cực lớn từ trước tới nay nhưng do tiêu chuẩn thiết kế của Bộ Xây dựng ban hành, các kết cấu xây dựng chỉ đến cấp 12. Mặc dù các chủ đầu tư đã chủ động “nâng cấp” công trình, xây dựng chịu gió lên tới cấp 14, 15, tuy nhiên mức gió giật trên cấp 17 của bão số 3 đã khiến cho kính bị vỡ.
Trong cuộc họp trực tuyến báo cáo với Thủ tướng Chính Phủ, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đánh giá bão số 3 là một thảm hoạ đối với địa phương, với sức ảnh hưởng chưa từng có.
Các tấm kính phía góc bảo tàng bị phá huỷ. (Ảnh TTXVN) |
Ghi nhận của cơ quan chức năng Quảng Ninh cho thấy hồi 13h ngày 7/9, bão số 3 ở trên vùng biển Quảng Ninh – Hải Phòng cường độ cấp 12, giật cấp 16, nhưng khi đổ bộ vào Bãi Cháy, bão có cường độ cấp 14, giật tới cấp 17 và đây là cường độ gió cấp siêu bão, rất ít khi xuất hiện ở Việt Nam.
Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, bão số 3 là cơn bão có rất nhiều diễn biến phức tạp, hiếm gặp. “Đây là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên khu vực Biển Đông. Mức độ giảm cấp trên đường đi của bão không theo quy luật. Thời gian lưu bão trên đất liền kéo dài suốt 12h đồng hồ”, ông Mai Văn Khiêm nhấn mạnh.
Nỗ lực khắc phục hậu quả
Trong cơn bão số 3 vừa qua, tại khách sạn A La Carte Hạ Long, một số tấm kính đã bị vỡ và đoạn clip quay lại hình ảnh này đã xuất hiện trên các trang mạng xã hội, gây ấn tượng với nhiều người. Tuy nhiên, ít người biết trên thực tế dự án này đã áp dụng gần như những tiêu chuẩn cao nhất đối với nhà cao tầng.
Vẫn theo ông Vũ Thành Trung, trong quá trình thẩm tra và thí nghiệm với mô hình 1-1 thì bộ khung nhôm của tòa nhà đã được thí nghiệm với sức gió gấp 1,5 lần so với yêu cầu kỹ thuật. Nhưng thực tế sức gió tâm bão giật trên cấp 17 thì việc vỡ kính trong đợt bão này là bất khả kháng.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện chủ đầu tư dự án A La Carte Hạ Long cho biết đây là công trình cấp I, đã được chủ đầu tư thực hiện các công tác thiết kế, thi công, giám sát, nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng theo đúng các quy chuẩn, tiêu chuẩn và các quy định hiện hành của Nhà nước về lĩnh vực xây dựng và đã được Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng để đưa vào sử dụng.
Công nhân đang gắn tạm tấm Aluminium tại các ô kính vỡ của khách sạn A La Carte Hạ Long trong thời gian chờ thay kính mới. |
Các nhà thầu được chủ đầu tư lựa chọn tham gia thực hiện dự án đều là các đơn vị tư vấn thiết kế và thi công uy tín hàng đầu trong nước và nước ngoài, trong đó thiết kế kiến trúc do Công ty Aedas (Singapore) & Cubic thực hiện; thiết kế kết cấu do Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam – VNCC; tổng thầu xây dựng và hoàn thiện là Ricons; tổng thầu M&E là Công ty REE và tư vấn giám sát: Công ty TNHH Artelia Việt Nam.
Riêng đối với phần vách kính mặt dựng của tòa nhà, chủ đầu tư đã lựa chọn đơn vị tư vấn quốc tế Koltay (Dubai – UAE), là đơn vị tư vấn uy tín trên thế giới về lĩnh vực thiết kế mặt dựng. Chủ đầu tư cũng đã thuê đơn vị tư vấn độc lập thẩm tra thiết kế mặt dựng và tiến hành thí nghiệm hệ mặt dựng theo các tiêu chuẩn quốc tế tại Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng). Phần mặt dựng do nhà thầu Hasky thi công lắp đặt còn phần khối đế do nhà thầu Epower đảm nhiệm. Đây đều là các nhà thầu lớn, có uy tín hàng đầu ở Việt Nam về thi công mặt dựng và đã triển khai lắp đặt mặt dựng nhiều công trình cao tầng, công trình trọng điểm tại Việt Nam.
“Việc một số tấm kính vỡ là sự kiện bất khả kháng do thiên tai nằm ngoài khả năng kiểm soát của các bên. Tuy nhiên, với tư cách là chủ đầu tư xây dựng tòa nhà đồng thời là chủ sở hữu của một phần tài sản tại tòa nhà, chúng tôi đang nỗ lực để khắc phục thiệt hại”, đại diện chủ đầu tư cho biết.
Công nhân gắn tấm Aluminium tạm thời để chờ thay thế các ô kính bị vỡ |
Ngay trong ngày 8-9/9, chủ đầu tư đã tiến hành bịt các phần kính bị bung, vỡ bằng tấm Aluminium để tránh thiệt hại đối với nội thất bên trong căn hộ trong thời gian chờ để khôi phục lại toàn bộ thiệt hại kính mặt ngoài. Chủ đầu tư cũng đang tiếp tục làm việc với các đơn vị tư vấn, nhà thầu để lên phương án khắc phục, sửa chữa, thay thế hệ thống kính bị ảnh hưởng. Chủ đầu tư cho biết qua trao đổi sơ bộ với đơn vị tư vấn và nhà thầu thi công, thời gian để khắc phục hậu quả dự kiến khoảng 3 tháng do lớp kính mặt ngoài và một số phụ kiện phải đặt và nhập khẩu từ nước ngoài.
Theo ông Đào Văn Kiên, Chủ tịch Hasky, đơn vị thi công mặt dựng của dự án, việc thi công đã tuân thủ theo đúng thiết kế, tuân thủ theo hồ sơ thiết kế của đơn vị tư vấn quốc tế Koltay, là đơn vị uy tín trên thế giới về thiết kế mặt dựng. Tất cả các vật liệu xây dựng đều được nhập khẩu đúng nguồn gốc nên có thể khẳng định sự việc vừa rồi là bất khả kháng.
Đồng quan điểm, đại diện của Artelia Việt Nam – đơn vị giám sát dự án cho biết việc giám sát dự án đã được tiến hành nghiêm túc, đầy đủ theo quy định chung, các bước thi công dự án hoàn toàn đảm bảo chất lượng và thi công đúng bản vẽ. Artelia hiện là đơn vị giám sát quốc tế đứng thứ 3 của Pháp và đứng thứ 10 thế giới và đã tham gia nhiều dự án quan trọng tại Việt Nam.
Nguồn: Báo xây dựng