Vì sao Khu công nghệ cao Hoà Lạc được chuyển giao về Thành phố Hà Nội?
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, chủ trương chung trong các Nghị quyết của Đảng, chiến lược phát triển khoa học công nghệ qua các thời kỳ, theo thông lệ quốc tế, Việt Nam hướng đến việc xây dựng và phát triển các khu công nghệ cao, trong đó, bắt đầu bằng khu Hòa Lạc.
Trên thế giới hiện có nhiều mô hình khu công nghệ cao với định hướng, mục tiêu cách làm khác nhau như mô hình châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản); mô hình Châu Âu (Đức, Hà Lan)… Ở Việt Nam, theo định hướng ban đầu, khu công nghệ cao Tp.HCM hướng nhiều đến công nghiệp công nghệ cao, có tỷ lệ lấp đầy nhanh, là tiền đề để thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lớn, góp phần thay đổi sự phát triển kinh tế của thành phố, thu hút nguồn nhân lực… Giai đoạn 2 của khu hiện đang hướng chuyên sâu hơn, công nghiệp 4.0, đặc biệt là vi mạch.
Với Khu công nghệ cao Hòa Lạc, ban đầu định hướng phát triển thành tam giác gồm Đại học Quốc gia Hà Nội và làng văn hóa, phát triển trở thành đô thị văn hóa giáo dục khoa học công nghệ. Khác với các khu công nghiệp, khu công nghệ cao được định hướng thành đô thị khoa học công nghệ, tập trung đào tạo nhân lực, ươm tạo công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Sự phát triển của Hòa Lạc trong những năm qua gặp nhiều khó khăn, trong đó mất thời gian dài thực hiện giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, từ một khu đất núi đồi, khó phát triển nông nghiệp đã có những bước chuyển thành trở thành một khu có tiềm năng phát triển khoa học công nghệ và giáo dục, một đô thị văn hóa giáo dục, khoa học công nghệ của thủ đô…
Khu Hòa Lạc được xác định như một tiềm lực phát triển của Hà Nội và cả nước, phải giữ dư địa để phát triển trong tương lai. “Nếu lấp đầy rất nhanh bằng các dự án FDI thì có thể trong thời gian ngắn sẽ đạt được thành tích thu ngân sách, tạo công ăn việc làm nhưng cũng sẽ bão hòa rất nhanh về tiềm lực”, ông Bùi Thế Duy nhấn mạnh.
Khu công nghệ cao Hoà Lạc sẽ được chuyển giao cho thành phố Hà Nội quản lý. Ảnh: Dân trí
Về việc định hướng Khu công nghệ cao Hòa Lạc trong thời gian qua, Thứ trưởng cho hay, mục tiêu của khu là phát triển công nghệ lõi với định hướng các trung tâm, viện nghiên cứu, chứ không tập trung lấp đầy nhanh bằng thu hút doanh nghiệp đầu tư. Một lý do khác dẫn tới tình trạng chậm phát triển đó là một khu công nghệ cao không chỉ gắn liền với trường đại học, viện nghiên cứu mà còn phải có đô thị, giao thông… Sau một thời gian phát triển, trong bối cảnh thay đổi cùng với những khó khăn về đô thị, nhà ở và giao thông đi lại chưa thuận lợi…, đòi hỏi cần có điều chỉnh nhất định.
Thứ trưởng kỳ vọng khi Hà Nội tiếp nhận khu công nghệ cao và giữ nguyên được tinh thần phát triển công nghệ lõi, sẽ có đầu tư thêm về giao thông công cộng thuận lợi hơn cũng như phát triển đô thị xung quanh, thành một khu đô thị khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục. Việc Khu công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội có thể sẽ giải quyết được một số khó khăn trong thời gian qua.
Ngoài ra, trong giai đoạn đầu Việt Nam tập trung phát triển 1-2 khu công nghệ cao nhưng đến nay, nhiều địa phương đã xây dựng đề án phát triển các khu công nghệ cao. Ở giai đoạn mới, Bộ được Chính phủ giao nhiệm vụ mới là thúc đẩy phát triển nhiều khu công nghệ cao trên cả nước. Để tập trung cho nhiệm vụ này, việc giao Khu công nghệ cao Hoà Lạc về Hà Nội sẽ thuận lợi hơn cho phát triển.
Ông Bùi Thế Duy nhấn mạnh mong muốn Khu công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội vẫn giữ được nguyên gốc phát triển công nghệ lõi chứ không phải phát triển lấp đầy thành một khu công nghiệp công nghệ cao. Việc phát triển lấp đầy thành một khu công nghiệp công nghệ cao có thể tốt trong ngắn hạn nhưng về lâu dài sẽ mất tiềm năng lợi thế. Các khu công nghệ cao là để phát triển tiềm lực công nghệ, còn để thu hút doanh nghiệp, Việt Nam có các khu công nghiệp.
Khu công nghệ cao Hòa Lạc được thành lập theo Quyết định số 198/1998/QĐ-TTg. Sau 25 năm phát triển, ông Trần Đắc Trung, Phó Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cho biết, đến nay, khu đã thu hút 104 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư gần 99.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ, công nghệ thông tin và truyền thông của Việt Nam đều đã tập trung tại khu. Đây là tiềm năng nội lực của Việt Nam phát triển công nghệ.
Các doanh nghiệp đã tạo ra các sản phẩm công nghệ có tính lan tỏa, dẫn dắt, tác động tới một số ngành, lĩnh vực; hình thành một hệ sinh thái khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khu. Với các nhóm ngành như công nghệ thông tin, truyền thông và sinh học đã hình thành liên kết giữa nghiên cứu, đào tạo và sản xuất công nghiệp…
Trước đó, Hà Nội đã có đề xuất chuyển giao quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng Đề án chuyển giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội quản lý. Trong đề án chuyển giao, Bộ đã phân tích, đánh giá tác động, nhìn nhận dự báo, nêu các vấn đề tồn tại cần giải quyết khi chuyển đổi mô hình quản lý. Để giải quyết những vấn đề tồn tại, đảm bảo các mục tiêu, nguyên tắc xây dựng khu, Bộ cũng đang xin ý kiến góp ý, hoàn thiện đề án.
Quan điểm mục tiêu xuyên suốt trong quá trình hình thành và phát triển khu đó là hình thành năng lực nội sinh, phát triển khoa học công nghệ là cốt lõi, từ đó tạo lan tỏa, dẫn dắt với ngành và tác động trực tiếp tới kinh tế xã hội thủ đô cũng như cả nước. Đây là khu công nghệ cao đầu tiên của cả nước, là nơi thí điểm chính sách, một số chương trình hoạt động.
Về lộ trình chuyển giao, ông Trung cho biết, Bộ đã trình đề án lên Chính phủ sau khi nhận được 50% ý kiến góp ý của các Bộ, ngành. Hiện, Bộ đang trong quá trình đợi ý kiến đánh giá của Văn phòng Chính phủ và tiếp tục nhận các ý kiến góp ý từ các Bộ ngành để bổ sung hoàn thiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Lộ trình chuyển giao như nào cho phù hợp, đề án đã phân tích, đánh giá tác động, trong đó có những tác động liên quan đến cơ chế chính sách, nguồn lực đầu tư, tổ chức bộ máy con người. Từ đó có đề xuất Chính phủ xem xét trên cơ sở sự sẵn sàng của Hà Nội để quyết định thời điểm chuyển giao phù hợp nhất.
Bảo Lâm