Vì sao kem dưỡng trắng da chống nắng Careleeser bị thu hồi, tiêu hủy?

Theo đó, hành vi vi phạm của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Nguyễn Quách là: Sản xuất mỹ phẩm có công thức không đúng như hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm (sản phẩm kem dưỡng trắng da chống nắng Careleeser – hộp 8g; số lô 23032401; ngày sản xuất 23/03/2024; hạn sử dụng 23/03/2027). Thành phần chứa chất bảo quản Methyl paraben và Propyl paraben không có trong thành phần công thức sản phẩm đã được cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.

Ngoài xử phạt hành chính, Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Nguyễn Quách còn buộc nộp lại số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm số 001366/22/CBMP-HCM ngày 6/5/2022 do Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh cấp; buộc thu hồi và tiêu hủy toàn bộ lô sản phẩm mỹ phẩm sản phẩm kem dưỡng trắng da chống nắng CARELEESER; số lô 23032401; ngày sản xuất 23/3/2024; hạn sử dụng 23/3/2027.

Liên quan đến sản phẩm này, ngày 18/9, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã ra thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy kem dưỡng trắng da chống nắng Careleeser kém chất lượng.

Vì sao kem dưỡng trắng da chống nắng Careleeser bị thu hồi, tiêu hủy?

Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng lô sản phẩm nêu trên. Đồng thời, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh giám sát Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Nguyễn Quách thực hiện thu hồi và tiêu hủy lô sản phẩm vi phạm này.

Cũng trong đợt công bố này, Thanh tra Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh cũng có quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty CP Trang thiết bị vật tư y tế VNRoyal (số 666/46/35 đường Ba tháng Hai, phường 14, quận 10) và Công ty CP Công nghệ Mediexpress Việt Nam (số 44 đường 6A, KDC Trung Sơn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh). Hai doanh nghiệp này cùng bị xử phạt số tiền 70 triệu đồng/công ty, nguyên nhân do tài liệu trong hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với thiết bị y tế thuộc loại A, B không đảm bảo tính hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Ngoài xử phạt hành chính, 2 doanh nghiệp này còn bị tịch thu tang vật vi phạm hành chính là phiếu tiếp nhận, giấy chứng nhận, tài liệu, hồ sơ. Buộc nộp lại phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với thiết bị y tế thuộc loại A, B.

Cũng thời gian qua, Thanh tra Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh đã kiểm tra và xử phạt nhà thuốc Hoàng Bách (khu phố 3, phường Tân Thới Nhất, quận 12) số tiền 20,8 triệu đồng do bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ngoài ra, nhà thuốc này còn buộc tiêu hủy thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ; nộp lại số lợi bất hợp pháp có được.

Trong danh sách này, Thanh tra Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh xử phạt Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại dược phẩm Đông Á (Lô IV-13, đường số 2, nhóm CN IV, Khu công nghiệp Tân Bình, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú) do mở rộng kho bảo quản trên cơ sở cấu trúc kho đã có hoặc sửa chữa, thay đổi về cấu trúc, bố trí kho bảo quản mà cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc không báo cáo thay đổi kèm tài liệu kỹ thuật tương ứng với sự thay đổi theo quy định của pháp luật.

Công ty TNHH Thương mại dược phẩm Phúc Khang (153 đường Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức) và bà Đồng Thị Minh Hồng (4/4C Phan Văn Đối, ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) cùng bị xử phạt do người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở bán lẻ thuốc vắng mặt trong thời gian hoạt động của cơ sở dược.

Bà Huỳnh Thị Ngọc Trinh (59/22 Huỳnh Tịnh Của, phường Võ Thị Sáu, quận 3) bị xử phạt do lưu trữ, bán lẻ thuốc không thuộc phạm vi kinh doanh dược ghi trong giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; thuốc sử dụng cho chương trình mục tiêu quốc gia; thuốc viện trợ và thuốc khác không được bán theo quy định của pháp luật.

An Nguyên

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích