Vì sao ‘giấy đi đường’ của Hà Nội gây bức xúc?
Vì sao ‘giấy đi đường’ của Hà Nội gây bức xúc?
Chuyên gia cho rằng Hà Nội đang quản lý người đi đường theo hướng thử nghiệm, sửa sai nhiều hơn là kiên trì áp dụng một quan điểm chỉ đạo xuyên suốt.
Tối 7/9, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói TP cho phép người dân tiếp tục sử dụng giấy đi đường đã cấp và cấp giấy mới kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư, điều chỉnh đến khi đạt hiệu quả thì mới nhập hai loại giấy thành một.
Đây chỉ là một trong 5 lần TP điều chỉnh phương thức cấp, duyệt, kiểm tra giấy đi đường trong 4 lần giãn cách xã hội (từ ngày 24/7 đến 21/9). Ở 4 lần trước, sau mỗi lần, cơ quan có thẩm quyền cấp lại thay đổi và giấy đi đường cũ phải bỏ vì không còn giá trị sử dụng.
Người dân, doanh nghiệp “kêu trời” vì phải đáp ứng quá nhiều loại thủ tục giấy tờ, trong khi đó, số lượng phương tiện ra đường vẫn không suy giảm. Ngược lại, tình trạng chốt kiểm soát tạo điểm nghẽn cùng nguy cơ tụ tập đông người, tăng khả năng lây nhiễm dịch bệnh.
Không chỉ người dân mới bối rối
Ở lần giãn cách đầu tiên (ngày 24/7), Hà Nội quy định cơ quan, doanh nghiệp đủ điều kiện, sản xuất, kinh doanh mặt hàng thiết yếu được xác nhận, cấp giấy đi đường cho người lao động. Ở lần thứ hai, TP yêu cầu mẫu giấy đi đường phải đúng theo mẫu của UBND Hà Nội ban hành.
Ở lần thứ 3, TP yêu cầu người dân muốn ra đường thực hiện nhiệm vụ, công việc phải có giấy theo mẫu của TP, kèm theo lịch trực của cơ quan, lịch làm việc kèm theo giấy tờ tùy thân (yêu cầu lịch trực sau đó được rút lại). Và giấy phải do chính quyền địa phương xác nhận, đóng dấu.
Và lần thứ 4 (ngày 3/9), UBND Hà Nội quy định chỉ 6 nhóm đối tượng được cấp giấy đi đường và phải do Công an Hà Nội cấp.
Như vậy, chỉ trong 40 ngày, Hà Nội có 4 lần thay đổi quy trình. Trung bình, các phương pháp quản lý người ra đường của Hà Nội có “tuổi thọ” không quá 10 ngày.
Nói về việc này, thạc sĩ Vũ Anh Tuấn, giảng viên Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội, cho rằng việc liên tục thay đổi chính sách quản lý người ra đường cho thấy TP đang không có sự nhất quán. Thành phố đang làm theo hướng thử nghiệm, sửa sai nhiều hơn là kiên trì một quan điểm chỉ đạo ngay từ đầu.
“Hà Nội thiếu sự chuẩn bị và xây dựng kịch bản ứng phó với từng diễn biến của dịch bệnh. Các giải pháp TP đưa ra để hạn chế đi lại đều mang tính bị động, thử nghiệm và được thực hiện theo hình thức sai đến đâu sửa đến đó”, ông Tuấn nói.
Vì vậy, khi TP chưa có sự chuẩn bị về hệ thống, con người, công nghệ để phục vụ cho những giải pháp này, tất yếu xảy đến tình trạng lúng túng, bất nhất. Ông Tuấn cho rằng việc bối rối là điều tất nhiên không chỉ với người dân mà còn cả cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quy trình xét – duyệt – cấp giấy đi đường.
Các quy định chưa phù hợp với thực tế, gây khó khăn cho người tham gia giao thông và hơn nữa là hiệu quả trong hạn chế phương tiện ra đường không cao. Quy trình TP đưa ra cũng không hợp lý khi đơn vị chuyên môn chưa được đào tạo, chuẩn bị kỹ cho những quy định vừa ban hành thì đã phải lao vào thực hiện luôn.
“Chính lực lượng kiểm tra, xét duyệt giấy đi đường có thể cũng chưa nắm rõ, đầy đủ hoặc hiểu không giống nhau khiến việc thực thi gặp khó khăn, thậm chí gây bức xúc cho người dân”, ông Tuấn nói.
Cần xây dựng nền tảng dữ liệu, hệ thống riêng
Nhìn nhận về việc này, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, cho rằng Hà Nội đang thủ công hóa công nghệ từ khâu nộp hồ sơ đến kiểm tra trên đường.
Ông cho rằng cơ quan chống dịch của Hà Nội đang chạy theo vấn đề cụ thể, sức ép từ nhiệm vụ chống dịch mà thiếu đi tư duy quản trị chung. Chính điều đó gây phát sinh phiền toái cho doanh nghiệp và người dân.
Ông cho rằng những bất cập này xảy ra khi TP chưa có điều kiện và giải pháp tốt hơn thì cần ứng dụng ngay những thứ đang có trong tay, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh cấp bách. Điều đáng nói là khi áp dụng, người quản lý cần có tư duy điều chỉnh nhanh nhất những bất cập nảy sinh và gia tăng thuận lợi cho người dân.
“TP cần chia sẻ với những khó khăn của người dân để tính khả thi được cao lên. Nếu chỉ khăng khăng mục tiêu quản lý một cách cứng nhắc thì rất dễ có tác dụng ngược”, ông Liên nói.
Đóng góp ý kiến, chuyên gia giao thông Anh Tuấn cho rằng TP cần xây dựng nền tảng, ứng dụng chuyên biệt phục vụ quản lý người đi đường và giao cho một cơ quan phụ trách thay vì đổi qua đổi lại như hiện nay.
Bên cạnh đó, việc liên tục thay đổi quy định cấp giấy đi đường khiến người dân dù không muốn cũng lại phải ra đường để hoàn thiện thủ tục, đi ngược lại chủ trương hạn chế trong giãn cách xã hội.
TP nên ứng dụng triệt để việc người dân có điện thoại thông minh để xây dựng các ứng dụng quản lý giúp người dân tải và sử dụng ngay trên điện thoại cá nhân. Trong đó, người trước khi ra khỏi nhà có thể đăng ký lịch trình trên ứng dụng. Nếu đáp ứng đủ điều kiện, ứng dụng sẽ tự động phê duyệt lộ trình này.
“Công an TP đang là lực lượng tuyến đầu trong phòng, chống dịch bệnh, quản lý an ninh trật tự và vô số công việc khác. Nay lại bắt họ quản lý, cấp hàng triệu giấy đi đường cho người dân thì chắc chắn dẫn đến quá tải. Nếu xử lý không tốt thì vừa ảnh hưởng đến lực lượng chống dịch mà công việc quản lý phương tiện vẫn không hiệu quả”, ông Anh Tuấn nói.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị